Rất nhiều F0 ở nhà vì muốn nhanh khỏe, phục hồi sớm, nghĩ rằng bồi bổ càng nhiều càng tốt nên đã dùng rất nhiều vitamin, thuốc bổ. Tuy nhiên bác sĩ cảnh báo, điều này có thể gây hại.

Hiện nay, số ca nhiễm mới ngày càng tăng, tình trạng cả nhà F0, người người F0 đã không còn lạ lẫm. Khi nhiễm bệnh, tâm lý chung của tất cả mọi người là cố gắng ăn uống, tẩm bổ nhiều nhất để nhanh hồi phục. 

Tuy nhiên, cái gì nhiều quá cũng không tốt, ngay cả việc dùng thuốc bổ, vitamin cũng thế. Lạm dụng quá mức sẽ dẫn tới nhiều hậu quả.

Vitamin cũng là thuốc

Trong quá trình tư vấn hỗ trợ điều trị F0 online bác sĩ Đỗ Tuấn Anh, Khoa Laser – Khu điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện 108 gặp không ít những câu hỏi có nên uống thật nhiều vitamin, thuốc bổ để nhanh khỏi bệnh hay không. Có những trường hợp bệnh nhân còn chia sẻ với bác sĩ được người quen đã mắc Covid-19 khuyên uống 4-3 loại vitamin C và kèm theo cả thuốc bổ.

Trước thực trạng F0 có tâm lý uống thật nhiều vitamin, thuốc bổ để nhanh khỏi bệnh bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo, vitamin cũng là thuốc, dùng đúng và hiệu quả sẽ tốt, quá nhiều sẽ hại.

Do vậy, việc bổ sung vitamin và khoáng chất phải hết sức thận trọng, vì chúng cũng có nhiều tác dụng phụ không mong muốn giống như bất kỳ thuốc chữa bệnh nào.

“Vitamin, thuốc bổ khác không có tác dụng điều trị Covid-19. Cần phải hiểu ở đây vitamin chỉ có tác dụng hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho cơ thể để tăng khả năng chống chọi (với người chưa mắc), với người đã mắc bệnh sẽ tăng khả năng hồi phục sau khi mắc bệnh”, bác sĩ Tuấn Anh nhấn mạnh.

5

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Tỉnh, trường Đại học Y tế Công cộng cho biết, đã từng tư vấn cho trường hợp bệnh nhân rơi vào tình trạng lo âu, đau bụng, buồn nôn. Nguyên nhân nằm trong chính các loại vitamin bệnh nhân đang uống.

Trong đơn thuốc của bệnh nhân có đến 3 loại vitamin C. Ngay sau đó, bác sĩ Tỉnh đã đã yêu cầu F0 này dừng hoặc chỉ uống 1 loại bổ sung. Sau khi dừng uống, mấy ngày sau, bệnh nhân báo lại tình trạng ổn định hơn.

Bệnh nhân F0 này cho biết, đơn thuốc trên là do được bạn bè trên mạng xã hội chia sẻ khi biết chị mắc Covid-19.

Hiện nay, có tình trạng nhiều người “sợ” Covid-19 nên uống thuốc bổ sung vitamin vô tội vạ. Dẫn tới tình trạng uống quá nhiều vitamin một lúc miễn là trên bao bì ghi có tác dụng tăng cường để kháng.

Bác sĩ Nguyễn Đình Tỉnh cảnh báo, việc bổ sung vitamin C quá liều, sẽ dẫn các triệu chứng kích ứng tiêu hóa như: đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Nếu bổ sung liều cao kéo dài có thể dẫn tới những hậu quả khác như ứ sắt, sỏi thận…

Còn theo bác sĩ Tuấn Anh, Covid-19 là bệnh diễn biến tự khỏi sau từ 5-7 ngày mà không cần dùng thuốc. Điều trị bệnh quan trọng nhất là điều trị các triệu chứng do virus gây ra.

Theo đó, bệnh nhân F0 nên chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt, thuốc ho, thuốc chống chảy nước mũi và nghẹt mũi, nhiệt kế, máy đo SpO2. F0 tuyệt đối không tự ý dùng các thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng đông, kháng virus, mà phải có ý kiến của các bác sĩ.

Các chuyên gia lưu ý, hiện trẻ nhỏ mắc Covid-19 cũng tăng cao, phụ huynh có xu hướng bổ sung dinh dưỡng giúp trẻ nâng cao thể lực. Tuy nhiên, các loại vitamin, thuốc bổ khi bị lạm dụng đều gây hại trực tiếp cho người sử dụng. Với trẻ nhỏ, càng cần có sự cẩn trọng hơn.

Việc bổ sung vitamin khoáng chất cần phải đúng liều có sự tư vấn của bác sĩ để tránh gây ra hậu quả đáng tiếc.

Theo đó, thừa Vitamin A có thể gây ngộ độc làm tăng áp lực nội sọ dẫn đến trẻ bị nôn nhiều, đau đầu, ảnh hưởng đến sự phát triển xương có thể làm trẻ chậm lớn, rối loạn thần kinh. Vitamin A cũng có thể gây quái thai, vì vậy không nên dùng cho mẹ ngay trước thời kỳ mang thai và đặc biệt không nên dùng cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.

Thừa Vitamin B6 có thể dẫn tới viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin.

Dùng vitamin C liều cao theo đường uống có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy. Vitamin C liều cao làm phá hủy Vitamin B12.

Dư thừa Vitamin D có thể làm chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương, có trường hợp có thể bị thiểu năng, kém trí tuệ. Bổ sung Vitamin D quá nhiều có thể gây suy thận và tử vong.

Uống sắt kéo dài gây ra thừa sắt dẫn đến gan nhiễm sắt, tim nhiễm sắt dẫn đến suy tim; Thừa kẽm dẫn đến biếng ăn, hạn chế hấp thu sắt, nôn, rối loạn tiêu hoá…; Uống Vitamin E liều cao làm cạn kiệt dự trữ Vitamin A.

6

Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành tài liệu hướng dẫn chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà. Bộ Y tế liệt kê một số thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp nâng cao thể trạng.

1, Vitamin A:

– Công dụng: Duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa, tạo kháng thể trên bề mặt niêm mạc.

– Nhu cầu/ngày: Nam (650 mcg) và nữ (500mcg).

– Thực phẩm: Gan (6500mcg), lòng đỏ trứng (140mcg). Vitamin A dưới dạng Beta-caroten như: cà rốt (835mcg), khoai lang (709mcg), bí ngô (369mcg), đu đủ (55mcg), xoài (38mcg), bông cải xanh (800mcg), rau cải bó xôi (681mcg),…

– Lưu ý thực phẩm thông thường trong khẩu phần ăn hàng ngày có thể cung cấp đủ lượng vitamin A.

2, Vitamin C:

– Công dụng: Tăng cường miễn dịch, hạn chế sự tiến triển của viêm phổi do virus, cải thiện chức năng hô hấp.

– Nhu cầu/ngày: 85 mg.

– Thực phẩm: Hoa quả, trái cây và rau tươi như: Bưởi (95mg), chanh (77mg), kiwi (93mg), ổi (62mg), dâu tây (60mg), đu đủ (54mg), cam (40mg), ớt chuông (103-250mg),…

3, Vitamin D:

– Công dụng: Tăng cường hệ thống miễn dịch, hệ tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh.

– Nhu cầu/ngày: 15mcg.

– Bệnh nhân nên tiếp xúc với ánh nắng 15-30 phút mỗi ngày (phòng thoáng, có cửa sổ có ánh nắng mặt trời).

– Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D như cá chép, trắm cỏ (24,7mcg); lươn, trạch (23,3mcg); sữa (7,8 – 8,3mcg); lòng đỏ trứng (2,68mcg); và các thực phẩm được bổ sung vitamin D (các loại sữa, ngũ cốc)…

4, Vitamin E:

– Công dụng: Thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan miễn dịch.

– Nhu cầu/ngày: Nam (6,5 mg) và nữ (6 mg).

– Thực phẩm: Các sản phẩm từ đậu nành, giá đỗ, rau mầm…

5, Selen:

– Công dụng: Chất chống oxy hóa mạnh, tăng cường khả năng chống nhiễm trùng.

– Nhu cầu/ngày: Nam (34 mcg) và nữ (26mcg).

– Thực phẩm: Gạo lức, gạo lật nảy mầm, gạo mầm, cá, tôm, rong biển…

6, Kẽm:

– Công dụng: Điều hoà miễn dịch, điều hoà các phản ứng viêm.

– Nhu cầu/ngày: Nam (10 mg) và nữ (8 mg).

– Thực phẩm: Các loại thịt gia cầm, các loại động vật có vỏ và hải sản như: hàu (31mg); sò (13,4mg); thịt bò (4,05mg); lòng đỏ trứng (3,7mg); sữa bột (3,34-4,08mg); cua ghẹ 3,54mg;…

– Các loại hạt: hạt đậu (3,8 -4,0mg); hạt vừng (7,75mg);…

7, Omega 3:

– Công dụng: Cải thiện hệ miễn dịch, chống viêm.

– Nhu cầu/ngày: 2g.

– Thực phẩm: Cá mòi, cá hồi, cá basa, cá bơn, cá trích, cá ngừ, hàu, dầu gan cá, hạt macca, hạt óc chó, hạt chia.

8, Flavonoid:

– Công dụng: Chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch của cơ thể.

– Thực phẩm: Các loại rau gia vị như húng, tía tô, súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh, gừng, tỏi, nghệ, các loại rau lá màu xanh.

9, Bổ sung lợi khuẩn (Probiotic):

– Công dụng: Tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

– Thực phẩm: Phô mai, sữa chua.