Thường xuyên tiêu thụ những thực phẩm này có thể làm ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp. Về lâu dài, chúng có thể gây ra các bệnh liên quan đến bộ phận này.
Dưa muối
Dưa muối chua là món ăn quen thuộc với nhiều người. Tuy là món ăn đơn giản nhưng nó có hương vị khá hấp dẫn, đưa cơm.
Dưa muối thực chất có thể mang lại nhiều tác hại cho sức khỏe, đặc biệt là chức năng tuyến giáp. Lượng i-ốt trong dưa muối khá cao, có thể làm tăng hormone tuyến giáp và gây ra các bệnh phổ biến như cường giáp, viêm tuyến giáp… thậm chí làm gia tăng nguy cơ phát triển của các tế bào K ở bộ phận này.
Ngoài ra, dưa muối còn chứa lượng muối quá lớn. Nếu sử dụng thường xuyên sẽ gây hại cho thận, dễ gây ra tình trạng tăng huyết áp.
Việc bảo quản dưa muối không đúng cách cũng có thể khiến thực phẩm này bị biến chất, gây hại hệ tiêu hóa.
Hải sản để qua đêm
Các loại hải sản như tôm, cua, cá… có chứa nhiều khoáng chất như kẽm, i-ốt, omega-3… tốt cho người bị bệnh tuyến giáp. Tuy nhiên, mỗi tuần chúng ta chỉ nên ăn khoảng 2 lần. Nếu ăn quá nhiều, lượng i-ốt trong hải sản đi vào cơ thể có thể gây rối loạn hormone tuyến giáp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở bộ phận này.
Đặc biệt, các loại hải sản đã được chế biến và để qua đêm sẽ càng không tốt cho sức khỏe. Hải sản để lâu sẽ bị suy giảm dinh dưỡng. Dù bạn có bảo quản lạnh thì lượng dưỡng chất cũng giảm đi đáng kể. Ngoài ra, do chứa nhiều dinh dưỡng nên loại thực phẩm này rất dễ bị vi khuẩn tấn công, làm biến chất. Khi ăn phải những món không đảm bảo chất lượng, gan, thận và cả tuyến giáp đều có thể bị tổn thương.
Thịt chế biến sẵn
Thịt chế biến sẵn như thịt hộp, xúc xích… là thực phẩm tiện lợi, được nhiều gia đình ưa chuộng. Nhiều người mua về và tích trữ trong tủ lạnh để ăn dần. Mỗi lần ăn chỉ cần đem ra chế biến đơn giản là có thể sử dụng được luôn.
Tuy nhiên, đây là loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe, có thể làm tăng nguy cơ phát triển của các loại tế bào K.
Tuyến giáp cần i-ốt để duy trì hoạt động bình thường. Bạn có thể nghĩ rằng việc ăn các thực phẩm chế biến sẵn có thể giúp bổ sung muối và i-ốt cho cơ thể nhưng đó là một sai lầm. Các loại thực phẩm này chỉ chứa nhiều muối làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp, tim mạch chứ không bổ sung i-ốt.
Ngoài ra, thịt chế biến sẵn thường chứa nhiều chất phụ gia tạo hương vị, chất bảo quản ví dụ như hợp chất N-nitroso và hydrocarbon thơm đa vòng. Những chất này có thể gây tổn thương ADN và làm tế bào K phát triển.
Nghiên cứu của WHO cho thấy mỗi người tiêu thụ 50 gram thịt chế biến sẵn/ngày (tương đương với khoảng 4 miếng thịt xông khói hoặc 1 cây xúc xích) thì nguy cơ gây K trực tràng sẽ tăng lên khoảng 18%.
Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh tuyến giáp
Tăng/giảm cân không rõ nguyên nhân
Tuyến giáp có tác động lớn đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Nó có thể giữ cho cân nặng duy trì ở mức ổn định. Mặc dù có nhiều lý do khác nhau dẫn tới việc tăng hay giảm cân nhưng nếu nhận thấy cơ thể có sự thay đổi cân nặng đột ngột, không giải thích được thì bạn nên đi kiểm tra sức khỏe của tuyến giáp.
Lượng hormone tuyến giáp thấp có thể dẫn tới việc tăng cân. Trong khi đó, khi tuyến giáp hoạt động quá mức, gây dư thừa hormone thì cân nặng có thể giảm nhanh.
Vùng da quanh cổ sẫm màu
Một triệu chứng phổ biến của rối loạn tuyến giáp là vùng da quanh cổ chuyển sang sẫm màu. Nghiên cứu cho thấy các nếp da quanh cổ đổi sang màu tối hơn thường do tăng nội tiết tố và thường thấy khi tuyến giáp hoạt động mạnh.
Mệt mỏi, suy nhược
Tuyến giáp hoạt động không tốt có thể gây ra tình trạng mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Nguyên nhân là do bộ phận này có ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất. Nếu tuyến giáp hoạt động kém, nó sẽ khiến quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra chậm hơn. Khi đó, cơ thể sẽ không có đủ năng lượng để hoạt động và dẫn tới mệt mỏi, uể oải.
Ngược lại, nếu tuyến giáp hoạt động quá mạnh, quá trình trao đổi chất diễn ra mạnh hơn mức bình thường, cơ thể sẽ mất đi nhiều năng lượng hơn và cũng dẫn tới mệt mỏi.
Mệt mỏi và suy nhược cơ thể do tuyến giáp hoạt động không ổn dịnh cũng có thể dẫn tới tình trạng tim đập nhanh, yếu cơ, run rẩy.