Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, Lưu Ngọc Nương được người đời nhớ đến là vị hoàng hậu mê tiền, keo kiệt bậc nhất.
Vị Hoàng hậu “đẹp người – xấu nết”
Lưu Ngọc Nương sinh tại Thành An, vùng Ngụy Châu vào giai đoạn cuối nhà Đường, từ nhỏ đã theo cha biểu diễn trên phố để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Với nhan sắc xinh đẹp, Lưu Ngọc Nương trở thành vợ lẽ của Tấn vương Lý Tồn Úc. Không bao lâu, bà đã hạ sinh con trai đầu lòng Lý Kế Ngập và dựa vào con để đánh bại những người đẹp khác trong cung, trở thành người được Lý Tồn Úc cưng chiều, sủng ái nhất.
Năm 924 công nguyên, Lý Tồn Úc sau khi tiêu diệt nhà Hậu Lương, lập ra nhà Hậu Đường đã sắc phong Lưu Ngọc Nương làm Hoàng hậu, bất chấp mọi lời can ngăn của bá quan. Sau khi Lưu Ngọc Nương được làm Hoàng hậu, cha bà đã tìm đến con gái. Chẳng những không nhận cha, Lưu Ngọc Nương còn cho người phạt đòn ông rồi đuổi ra ngoài.
Giữ ngôi vị hoàng hậu, Lưu Ngọc Nương trở thành người phụ nữ quyền lực chỉ đứng sau nhà vua. Thế nhưng, điều khó tin là khi đã là vương hậu mê tiền bạc đến mức khó tưởng tượng được. Bà muốn có thật nhiều tiền bạc, của cải nên cho cung nữ, thái giám xuất cung bán củi khô, trái cây ở chợ. Khi không bán được, bà bắt ép dân chúng hoặc quan lại phải mua hàng hóa của mình để kiếm tiền.
Không những vậy, Lưu Ngọc Nương còn lệnh cho các quan lại khi chuẩn bị lễ vật cống nạp cho nhà vua thì đều phải chuẩn bị thêm một phần cho mình.
Để có vàng bạc, châu báu dâng tặng cho Lưu Ngọc Nương, nhiều quan lại vơ vét, bóc lột dân chúng khiến cuộc sống của người dân ngày càng khổ cực và oán thán. Trong khi ấy, cung của Lưu Ngọc Nương chất đầy của cải, tiền vàng nhiều không đếm xuể.
Tuy nhiên, dù có bao nhiêu thì Lưu Ngọc Nương vẫn không thấy đủ. Bất chấp đã là Hoàng hậu của một nước, bà nhận Trương Toàn Nghĩa của vùng Hà Nam làm cha nuôi chỉ vì người này nổi danh giàu có. Bà liên tục vòi Trương Toàn Nghĩa phải tiến cống vàng bạc cho mình. Trở thành cha nuôi của Hoàng hậu là ước mơ của nhiều người, chính vì vậy Trương Toàn Nghĩa đã vơ vét mọi của cải để đáp ứng yêu cầu của Lưu Hoàng hậu mà không than vãn lấy một lời.
Bạo loạn xảy ra vì Hoàng hậu quá keo kiệt
Giàu có là thế nhưng Lưu Ngọc Nương cũng rất keo kiệt bủn xỉn, chưa bao giờ bà chi một đồng nào để giúp đỡ quốc gia vượt qua bạo loạn hay nguy nan. Đầu năm 926 công nguyên, quân đội Ngụy Châu bạo loạn, tể tướng khẩn cầu Hoàng đế và Hoàng hậu lấy tiền riêng để khao thưởng tướng sĩ. Lưu Ngọc Nương vừa nghe đã nổi giận ngăn cản không cho Đường Trang Tông nhận lời. Thậm chí bà còn đẩy con trai út ra trước mặt bá quan văn võ rồi tuyên bố: “Đòi tiền không có. Không bằng các ngươi đem hoàng tử bán lấy tiền đi!”
Tể tướng dù rất tức giận nhưng chẳng thể làm gì, cuối cùng đành phải ra về. Mãi cho đến khi vụ bạo loạn ngày càng lớn không thể dẹp được, Lưu Ngọc Nương mới chịu lấy tiền bạc ra thưởng cho mọi người. Các binh lính vừa cầm tiền của bà vừa chửi bới: “Vợ con ta đều đã muốn đói chết. Giờ mới khao thưởng thì còn nghĩa lý gì nữa”.
Tháng 3 cùng năm, Đại Tướng quân Quách Tòng Khiêm phản loạn, dẫn quân vây Hoàng đế. Lý Tồn Úc bị thương nặng, khát muốn uống nước. Lưu Hoàng hậu lại kêu thái giám đến hầu còn mình thì không thèm xuất hiện hay đoái hoài gì đến ông. Đợi cho Lý Tồn Úc chết, Lưu Hoàng hậu mang theo rất nhiều vàng bạc châu báu cùng Thân vương Lý Tồn Ác trốn chạy đến vùng Thái Nguyên.
Có lẽ tận mắt chứng kiến sự lạnh lùng, ích kỷ của Lưu Hoàng hậu nên Lý Tồn Ác không hề có tình cảm với bà mà chỉ muốn lợi dụng vị Hoàng hậu keo kiệt này. Tới Thái Nguyên, nhân lúc Lưu Hoàng hậu bất cẩn, Lý Tồn Ác đã gom hết toàn bộ tài sản của bà rồi chạy đến nơi khác. Không tiền bạc, không có người bảo vệ, Lưu Hoàng hậu chỉ còn cách phải vào chùa giả làm ni cô, tránh sự truy đuổi của quân phản loạn.
Tháng 4 cùng năm, con nuôi của Lý Tồn Úc là Lý Tự Nguyên lên ngôi Hoàng đế. Để trấn an quân đội và triều đình cũng như thể hiện quyết tâm trở thành vị vua anh minh, Lý Tự Nguyên cho người truy lùng và bắt giam Lưu Hoàng hậu rồi bắt bà phải tự sát. Lưu Hoàng hậu tham lam, vơ vét tiền bạc châu báu cả đời để rồi cuối đời lại chết với 2 bàn tay trắng.