Có 4 con trai nhỏ, người mẹ người Mỹ hay phải la hét để con chịu nghe lời, cho tới khi nhận ra cách này chỉ làm tổn thương cả mẹ và con.

Bài viết dưới đây là chia sẻ của bà mẹ Mỹ tự lấy tên là Orange Rhino, về trải nghiệm và những bài học chị rút ra được sau hơn một năm thực hiện thử thách do chính mình đặt ra: Không la mắng con.

Một ngày, khi ở nhà cùng 4 cậu con trai đều dưới 6 tuổi, tôi nổi cơn lôi đình, mặt đỏ gay, miệng la mắng khiến lũ trẻ sợ rúm ró, bật khóc. Hôm sau nghĩ lại, tôi vô cùng xấu hổ và đã hứa với các con rằng mình sẽ không la mắng trong suốt 365 ngày. Từng tìm hiểu và biết loài tê giác (rhino) luôn điềm tĩnh, tôi tự gọi mình là Orange Rhino và lập trang blog cùng tên để ghi lại hành trình thực hiện thử thách. Cái tên đó nhắc tôi phải luôn điềm tĩnh như loài tê giác và nồng ấm như sắc cam (orange). Tôi đã giữ lời hứa hơn 400 ngày qua và học được nhiều điều quý giá:

La mắng không phải là việc duy nhất tôi ngừng làm trong năm qua

Tôi không còn đi ngủ với cảm giác áy náy trong lòng khi thấy mình là một bà mẹ tồi. Tôi cũng không to tiếng với chồng nữa và chẳng còn phải nghe các con hét lên: “Mẹ là người mẹ đáng ghét nhất trên đời. Con không yêu mẹ nữa”. Tôi nhanh chóng nhận ra những thay đổi tích cực từ việc ngừng la hét.

Empty

Các con là những khán giả quan trọng nhất của tôi

Tôi nhận ra mình không la hét trước mặt người khác bởi vì tôi muốn họ tin rằng tôi là một người mẹ đáng yêu và kiên nhẫn. Sự thật là, tôi đã luôn là bà mẹ như thế nhưng hiếm khi thể hiện điều ấy lúc ở một mình với lũ trẻ mà chỉ khi ở nơi công cộng – khi biết có người đang nhìn, lắng nghe và có thể đánh giá mình.

Đó là một sai lầm. Thật ra, người nhìn, lắng nghe, đánh giá tôi thường xuyên nhất chính là các con. Tại sao chúng ta không cố gắng giữ hình ảnh người mẹ tốt trước mắt con cái mình mà lại phải chứng tỏ với người khác?

Các con chỉ là trẻ con nhưng cũng có nhiều điều chẳng khác người lớn

Giống như tôi, bọn trẻ có những ngày tốt, ngày tệ. Một số hôm, các con cảm thấy dễ chịu, ngọt ngào, biết nghe lời. Thi thoảng, bọn trẻ lại cáu kỉnh, khó chịu.

Và giống như mọi đứa trẻ khác, các con tôi cũng có những lúc bướng bỉnh, không tự đi giày, vẽ bậy lên tường… Vậy nên, tôi cần xem lại những mong đợi của mình và nhớ rằng các con vẫn là những đứa trẻ: Chúng vẫn đang học hỏi từ thử – sai, lớn lên và tập kiểm soát tâm trạng khó chịu mỗi khi ngủ dậy. Khi các con mắc lỗi, tôi cần nhớ rằng la mắng không chỉ chẳng ích gì, mà cũng giống như tôi, các con không thích và không đáng bị như vậy.

Tôi không thể luôn điều khiển được hành động của các con nhưng có thể kiểm soát được phản ứng của mình

Tôi có thể cố gắng hết sức để áp dụng các mẹo dạy con nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả. Rõ ràng, không phải vì tụi nhỏ là con tôi nên chúng sẽ luôn làm theo ý tôi muốn.

Nhưng tôi có thể quyết định mình có nên hét “Nhặt lego của con lên” khi chúng không nghe lời hay sẽ quay đi vài giây để “hạ hỏa” rồi trở lại với cách ứng xử khác. Và thực sự là bình tĩnh vài giây và quay đi hít thở thì con bạn sẽ dọn lego nhanh hơn là nghe mẹ la hét.

Quát mắng khiến trẻ cảm thấy không có giá trị

“Điểm chung kết nối mọi người với nhau là muốn cảm thấy có giá trị”, tiến sĩ Shrand giải thích. Với hầu hết mọi người, cảm giác được ai đó trân trọng là cách chúng ta đo lòng tự trọng và quyết tâm. Khi bị quát mắng, chúng ta nhìn thấy bản thân không xứng đáng và nghi ngờ khả năng của mình.

“Quát mắng là một trong những cách nhanh nhất làm cho ai đó thấy không có giá trị”, Shrand cho hay.

Đồng ý với quan điểm trên, tiến sĩ Markham phân tích: “Khi giận dữ và bắt đầu la mắng, chúng ta đang xem bản thân như một cái búa và mọi người xung quanh giống như cái đinh”. Trong trường hợp này, trẻ bị xem như kẻ thù và không giống người mà chúng yêu quý.

Quát mắng phá vỡ các mối quan hệ

“Quát mắng phá vỡ sự kết nối của bạn với trẻ và đặt mối quan hệ này vào tình trạng báo động”, tiến sĩ Markham cảnh báo. Lúc này trẻ sẽ cảm thấy bạn không cùng phe với chúng, không muốn tương tác khi cảm thấy sự thách thức, phòng thủ từ bạn. Chúng sẽ không cởi mở để thay đổi, tiếp thu và kết nối sâu hơn.

Empty

“Trong 40 năm làm nghề tư vấn tâm lý, tôi gặp hàng nghìn trẻ và chưa từng ai nói với tôi rằng cảm thấy gần gũi với bố mẹ sau khi bị mắng”, nhà tâm lý học lâm sàng Bernstein chia sẻ.

Quát mắng gây ra sự tổn hại

Một nghiên cứu chứng minh quát mắng có hậu quả tương tự lên trẻ như một hình phạt về thân thể. Các công trình nghiên cứu khác rút ra rằng bạo hành ngôn từ và bị mắng thường xuyên thậm chí có thể làm thay đổi cách bộ não trẻ phát triển.

La mắng không hiệu quả

Có một số lần tôi cũng muốn từ bỏ thử thách mình đặt ra, nghĩ rằng la mắng sẽ dễ dàng hơn là hít thở sâu và sáng tạo ra một cách nhắc nhở con khác. Nhưng tôi nhận ra rằng la mắng vô tác dụng, và chỉ khiến mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát, làm các con khó tiếp nhận được những gì tôi muốn.

Làm sao các con có thể nghe tôi nói rõ ràng: “Nhanh lên, đeo cặp sách, đi giày, mặc áo khoác, đừng có trêu nhau nữa, mau lên!” khi những âm thanh đó vang lên lộn xộn giữa cơn giận và làm chúng muốn khóc?

Để kiềm chế, các chuyên gia gợi ý bạn có thể hít thở sâu, đếm ngược, chạy tại chỗ, lắc hai bàn tay, nói càng ít càng tốt cho tới khi bình tĩnh, đặt hai bàn tay dưới vòi nước máy, thậm chí gượng cười cũng có thể gửi một thông điệp tới não của bạn rằng tình huống này không phải là trường hợp khẩn cấp.