Để nấu măng khô được ngon, chị em hãy tham khảo cách làm dưới đây.
Măng khô là nguyên liệu thường xuyên xuất hiện trong dịp Tết của các gia đình. Măng khô có thể dùng để nấu canh xương, xào miến đều rất ngon miệng. Ở nhiều địa phương, đây là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến xuân về.
Nhiều bà nội trợ thường lo ngại trong quá trình sấy khô măng người ta có thể sử dụng lưu huỳnh để chống ẩm mốc, tạo màu vàng đẹp mắt.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàm lượng lưu huỳnh không được phép vượt quá 20mg/kg sản phẩm. Măng khô tẩm ướp lưu huỳnh thường có màu sắc sáng bóng hoặc quá xỉn màu, có mùi hắc khá rõ. Trong khi các loại măng thông thường chỉ có màu vàng nhạt hoặc màu vàng hổ phách. Tránh chọn măng có xuất hiện các vết lốm đóm do mốc.
Để măng khi nấu được mềm, bạn nên chọn những búp măng đều nhau, đốt ngắn, không có xơ. Chọn nhiều phần ngọn thì khi nấu sẽ nhanh mềm, dễ ăn. Nếu chọn nhiều phần gốc, măng sẽ xơ và khó nhai, ninh kỹ cũng khó mềm.
Cách chế biến măng khô để loại bỏ độc tố
Ngoài việc được tẩm ướp lưu huỳnh trong lúc sấy, măng còn chứa các độc tố tự nhiên như axit xyanhydric. Do đó, bạn cần ngâm và luộc măng thật kỹ trước khi chế biến.
Đầu tiên, bạn cần rửa sạch măng và ngâm trong nước ấm hoặc nước vo gạo khoảng 5-6 tiếng đồng hồ để măng nở mềm. Nếu có thời gian, bạn có thể ngâm măng qua đêm hoặc ngâm trong 2-3 ngày. Trong lúc ngâm, nên thay nước thường xuyên để loại bỏ vị đắng và chất độc trong măng.
Sau khi măng nở mềm thì vớt ra, rửa lại nhiều lần với nước sạch. Cho măng đã ngâm vào nồi, đổ ngập nước và luộc với lửa vừa. Có thể luộc măng khoảng 2-3 lần, mỗi lần khoảng 30 phút. Sau mỗi lần luộc đều đổ măng ra rửa và thay nước luộc mới. Trong quá trình luộc nên hé miệng vung để các chất độc dễ bay hơi có thể thoát ra ngoài.
Khi thấy nước luộc trở nên trong, măng mềm thì vớt ra, rửa lại với nước sạch. Đợi măng nguội và ráo nước thì có thể cắt bớt phần măng già, tước nhỏ hoặc thái miếng tùy theo món ăn muốn chế biến.
Nếu muốn bảo quản măng khô đã luộc, bạn có thể để thật ráo nước rồi bỏ vào hộp đậy nắp kín và để trong tủ lạnh. Nên sử dụng hết chỗ măng đã luộc trong vòng một tuần.
Nếu muốn kéo dài thời gian bảo quản, bạn hãy để măng vào ngăn đá nhưng cũng không nên để quá lâu. Nên ăn trong vòng 1 tháng.
Canh măng khô với xương, chân giò hèo
Nguyên liệu:
300 gram măng khô, 1 cái móng giò heo, 200 gram xương cục.
Hành khô, hành tươi, dầu ăn, muối, mắm, hạt nêm.
Cách làm
Măng khô sau khi chế biến như trên thì cắt thành miếng vừa ăn.
Xương cục và móng giò heo rửa bằng nước muối loãng rồi tráng lại bằng nước sạch. Móng giò cạo sạch lông, chặt thành miếng vừa ăn. Xương cục cũng đem chặt miếng.
Bỏ xương và móng giò vào nồi, luộc sơ rồi vớt ra, rửa lại với nước vài lần.
Cho dầu ăn vào chảo, bỏ măng khô vào xào và nêm một chút muối, hạt nêm. Xào để măng ngấm gia vị và tắt bếp.
Trong một nồi khác, bỏ hành khô vào phi thơm, cho xương và chân giò vào xào, thêm một chút nước mắm cho đậm vị. Khi chân giờ hơi săn lại thì bỏ măng khô vào xào cùng. Đảo đều khoảng 2-3 phút thì cho nước vào đổ ngập măng và xương. Đun lửa to cho đến khi nước sôi thì hạ nhỏ lửa, nấu liu riu trong khoảng 30 phút – 1 tiếng. Khi thấy chân giò chín mềm, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn và tắt bếp. Múc canh ra bát và thêm hành lá cắt nhỏ lên trên.