Mặc dù có những người từng nhiều lần tiếp xúc với F0 nhưng cho đến nay họ vẫn không bị mắc bệnh. Theo lý giải của các chuyên gia và giáo sư khoa virus Richard Stanton, trường Y tại Đại học Cardiff (Anh) do 6 nguyên nhân.

Do gen

Mỗi người có một khả năng miễn dịch khác nhau một phần do sự hình thành cấu trúc gen của họ. Theo giáo sư Stanton thì: “Mọi người có sự khác biệt về khả năng miễn dịch tốt hay không là do có các gen khác biệt.”

Có một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa gen và khả năng miễn dịch trong thời kỳ đại dịch vừa qua. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford chỉ ra rằng một chuỗi DNA làm tăng gấp đôi nguy cơ chết do Covid-19 – và những người ở Nam Á thường hay mang gen này.  

Có một nhóm giả thiết những người có vẻ ngoài hấp dẫn thì có miễn dịch tốt hơn và do đó ít mắc Covid-19 hơn.

Từng nhiễm bệnh do virus khác trước đây

Sau mỗi lần nhiễm trùng, cơ thể sẽ sinh ra miễn dịch mà chính bạn không biết. Đây có thể là lý do khiến bạn từng nhiều lần tiếp xúc F0 nhưng vẫn “bất tử”.

Theo giáo sư Stanton: “Có khả năng trước đây bạn từng nhiễm một số loại virus cảm lạnh thông thường và cơ thể bạn có đủ “trí nhớ” miễn dịch giúp đương đầu tốt hơn với Covid-19.”

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có sự phát triển chéo giữa khả năng chống lại cảm lạnh thông thường và bảo vệ cơ thể khỏi Covid-19. Như vậy, khi ai đó tiếp xúc với Covid-19, hệ miễn dịch của họ có thể đánh bại virus trước khi nó gây ra bất cứ triệu chứng nào.

Các nhà khoa học Đại học Imperial London thấy rằng ho và hắt xì thông thường thúc đẩy các tế bào máu trắng gọi là tế bào T, có thể nhận diện một số loại virus.

Các biến thể

Kể từ khi Covid-19 xuất hiện đến nay đã có khá nhiều biến thể lưu hành. Trong đó có một số chủng virus có ưu điểm sinh học nên dễ lây lan hơn, kể cả trong các hộ gia đình.

Chẳng hạn Omicron dễ lây truyền hơn Delta. Nếu trong gia đình có một người mắc Omicron, cả nhà dễ cùng nhiễm hơn, so với Delta.

Sự may rủi

Có nhiều yếu tố đóng vai trò trong sự may mắn của những người chưa từng nhiễm Covid-19 sau 2 năm. Ví dụ như một người làm việc tại nhà, sống một mình, thường mua thực phẩm trên mạng thì khả năng nhiễm Covid-19 sẽ ít hơn. Còn những người làm việc phải tiếp xúc nhiều, như ở cửa hàng, trung tâm chăm sóc người bệnh hay bệnh viện hoặc người sống chung đông đúc, thì khả năng mắc cao hơn.

Được bảo vệ bởi vắc xin

Hiện nay đa số người dân đã được tiêm vắc xin phòng bệnh giúp làm tăng khả năng miễn dịch. Andrew Freedman, một học giả về bệnh lây truyền tại Đại học Cardiff (Anh) nói với CNBC lý do một số người nhiễm Covid-19 trong khi một số khác thì không “có lẽ liên quan đến khả năng miễn dịch do tiêm chủng, nhiễm trùng trước đó hoặc cả hai”.

Bạn đã thực sự nhiễm bệnh mà không biết

Khoảng ⅓ số người nhiễm virus hầu như không có triệu chứng gì. Chỉ xét nghiệm mới phát hiện được các ca không triệu chứng.

Nếu bị nhiễm bệnh, những người được chủng ngừa có nhiều khả năng tạo ra tải lượng virus thấp và các triệu chứng nhẹ hơn.

Do tải lượng virus thấp nên các xét nghiệm PCR có thể cho kết quả âm tính giả.

Tuy nhiên, tiến sĩ Kundu cũng cảnh báo rằng không ai nên tự tin vào ý tưởng rằng mình có siêu miễn dịch với Covid-19 chỉ vì chưa mắc. “Thay vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ chính mình khỏi Covid-19 vẫn là tiêm chủng đầy đủ, bao gồm cả mũi tăng cường”.