Nhiều người khi gặp phải dạng phản ứng nổi hạch thường có tâm lý lo lắng, lầm tưởng bản thân mắc các loại bệnh ác tính.
Sửng sốt vì tưởng… ung thư
Tiêm vắc xin mũi 3 loại Pfizer-BioNTech vào ngày 13-12, sau đó hai tuần, ông T.T. (quận Phú Nhuận, TP.HCM) thực hiện kiểm tra sức khỏe tổng quát thì được bác sĩ báo cơ thể nổi rất nhiều hạch.
Hoang mang không biết nguyên nhân từ đâu vì trước giờ sức khỏe bản thân vẫn ổn định, theo lời bác sĩ, ông T. thực hiện kiểm tra sinh thiết và được báo các loại hạch này đều thuộc dạng lành tính.
“Sau khi siêu âm, bác sĩ bảo có thể mắc lao hạch hoặc trầm trọng hơn là ung thư hạch vì cơ thể nổi rất nhiều. Tôi rất sửng sốt vì thời gian qua cũng không để ý tới, may mắn kết quả kiểm tra sau đều an toàn”, ông T. chia sẻ.
Theo lời ông T., sau khi có kết quả cuối cùng, các bác sĩ hỏi thăm và nhắc nhở trường hợp của ông có thể là tác dụng phụ ít gặp sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Ông cho biết ở 2 liều trước đó, bản thân hoàn toàn không có phản ứng phụ nào nên lần này không nghĩ mình gặp phải.
Cùng tình trạng với ông T., ông Q.K. (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết sau khi tiêm vắc xin mũi 3 về vài ngày ở vùng nách bị nổi hạch to, gây cảm giác sưng, đau.
“Tôi kiểm tra thông tin thì biết nổi hạch là một trong các phản ứng sau tiêm vắc xin, nhưng trước đó 2 mũi tiêm đầu đều không bị gì nên lần này cũng thấy lo. Người nhà còn hối thúc tôi đến bệnh viện kiểm tra xem có vấn đề gì không”, ông K. kể lại.
BS giải thích, nắm rõ để yên tâm
Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), phản ứng nổi hạch sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19 xảy ra khoảng 0,3% ở người tiêm vắc xin Pfizer và 1,1% ở người tiêm vắc xin Moderna.
Trong nghiên cứu của Moderna, 11,6% người được tiêm bị sưng hạch bạch huyết sau liều tiêm đầu tiên và 16% sau liều thứ hai. Một số nghiên cứu cho thấy vắc xin dựa trên mRNA có khả năng sinh miễn dịch cao hơn các loại vắc xin khác, vì vậy tỉ lệ nổi hạch của các loại vắc xin này cao hơn.
TS.BS Nguyễn Huy Luân – trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – cho biết khi tạo ra các đáp ứng miễn dịch thì cơ thể đồng thời cũng sinh ra các phản ứng. Hầu hết, nó đều ở trạng thái bình thường và nổi hạch là phản ứng ít gặp phải.
Ông cho rằng: Với những phản ứng thường gặp như sốt, đau đầu, đau chỗ tiêm, mệt mỏi… thường xảy ra sau vài tiếng tiêm, 3 – 5 ngày sau là hết. Thế nhưng phản ứng nổi hạch thường bắt đầu muộn và kéo dài hơn hẳn.
BS. Luân nói rằng CDC Hoa Kỳ từng khuyến cáo: Thời gian bắt đầu nổi hạch sau tiêm Moderna và Pfizer là 2 – 5 ngày. Tuy nhiên, thời gian nổi hạch kéo dài của vắc xin Pfizer có thể lên tới 10 ngày.
Còn BS. Phùng Anh Tuấn (TT Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai) cho hay: Vắc xin là một yếu tố lạ với cơ thể. Thế nên, sau khi tiêm, hệ miễn dịch sẽ phản ứng lại. Các hạch bạch huyết có vai trò sinh ra tế bào miễn dịch. Do đó, chúng sẽ tăng hoạt động và sưng to lên. Sau khi tiêu diệt được yếu tố lạ thì sẽ trở về trạng thái bình thường.
Hạch bạch huyết thường xuất hiện ở nách cùng bên cánh tay được tiêm. Tình trạng này sẽ mất đi sau vài ngày và không gây nguy hiểm nên bạn không cần quá lo lắng. Chỉ khi thấy các bất thường khác như đau ở vị trí không phải vùng tiêm, sụt cân, nổi hạch ở nách không cùng với bên cánh tay tiêm, lượng hạch nhiều, cứng, ít di động, kéo dài… thì bạn nên đi kiểm tra sớm.
Trên thực tế, tỷ lệ người bị nổi hạch sau tiêm vắc xin không nhiều.
BS. Trương Hữu Khanh – khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) phân tích: Sau khi cơ thể được tiêm vắc xin thì hệ thống miễn dịch tự động kích hoạt để phát hiện ‘kẻ xâm nhập’ từ bên ngoài là vắc xin.
Lúc này, các tế bào bạch cầu ngay lập tức tràn tới bít chặt vị trí tiêm và gây ra các triệu chứng như đau nhức, ớn lạnh… Những tác dụng phụ dễ gặp phải sau tiêm này cho thấy cơ thể đang phản ứng và xây dựng hàng rào bảo vệ chống lai cô vít.
Sau tiêm, mỗi người có phản ứng khác nhau, có người thì đau đầu, sốt nhưng cũng có người bình thường. Và cũng có những người lại bị nổi hạch ở nách, dưới cánh tay hoặc sưng hạch bạch huyết ở vùng bẹn, dưới cánh tay. Song, mọi người không cần phải lo lắng thái quá. Bởi vì khi huy động hệ miễn dịch để tạo ra kháng thể, có một số người hệ miễn dịch huy động mạnh nên mới tao ra hạch, đó là điều bình thường.
Theo ông, việc nhiều người lo lắng thái quá rồi đi sinh thiết với các hạch bạch huyết bị sưng sau tiêm vắc xin là điều không cần thiết. Trừ khi hạch sưng kéo dài hay có vấn đề khác thì mới cần đi kiểm tra.
Chú ý khi khám sức khỏe
Tình trạng nổi hạch sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có thể gây hoang mang cho nhiều người, khiến họ lầm tưởng tới các phản ứng nhiễm trùng và bệnh ác tính như lao hạch hoặc ung thư hạch.
Các bác sĩ khuyến cáo việc chẩn đoán hình ảnh hoặc khám sức khỏe tổng quát định kỳ nên được thực hiện trước khi tiêm chủng hoặc hoãn lại ít nhất 4 – 6 tuần sau tiêm, trừ khi bệnh nhân có chỉ định lâm sàng khẩn cấp.
Không nên thực hiện sinh thiết không cần thiết khi gặp phải tình trạng nổi hạch sau tiêm vắc xin, nên theo dõi bằng siêu âm sau 4 – 6 tuần.