Hiện nay, gần như nhà nào cũng tự trang bị cho mình một bộ test nhanh phòng khi cần đến. Tuy nhiên, nhiều người test 1 lần thấy 2 vạch đã vội kết luận rằng mình là F0 thì chưa chuẩn.
Test nhanh dương tính lần 1 chưa phải là F0
Theo đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, người có test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 phải kèm theo tiêu chí khác, mới được xem là F0 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tại họp báo chiều 21/2, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách HCDC cho biết, hiện nay, TP.HCM có 11.323 người mắc Covid-19 cách ly tại nhà. Con số này bao gồm F0 và một số nghi ngờ F0 mà y tế địa phương chưa có thời gian xác định.
Giải thích vấn đề trên, ông Tâm cho rằng, quy định mới của Bộ Y tế xác định người có kết quả xét nghiệm PCR dương tính là F0, nhưng nếu test nhanh dương tính thì phải có thêm các điều kiện đi kèm.
“Ví dụ, người test nhanh dương tính phải có thêm yếu tố là F1 của F0 nào đó, hoặc phải kèm theo triệu chứng và yếu tố dịch tễ nào đó, hoặc phải có 2 test nhanh dương tính trong 8 tiếng đồng hồ mới được xem là F0.
Như vậy, con số 11.323 người này lớn hơn số F0 thực sự của TP”, ông Tâm cho hay.
Ngành y tế cũng khẳng định, F0 cách ly tại nhà vẫn đang được chăm sóc, theo dõi theo các hướng dẫn y tế hiện hành. Người mắc Covid-19 vẫn được cấp phát thuốc Molnupiravir miễn phí trong chương trình thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế nếu có nhu cầu và đúng đối tượng.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, TP đang còn trên 40.000 liều thuốc kháng virus. Tất cả các cơ sở y tế đã nhận thuốc và tiếp tục cấp phát cho F0 theo quy định.
Bà Mai khẳng định, chất lượng của thuốc Molnupiravir trong chương trình thử nghiệm lâm sàng và loại sẽ sản xuất trong nước tới đây, có chất lượng giống nhau.
“Những công ty sản xuất thuốc cung cấp cho đề tài nghiên cứu Molnupiravir cũng là công ty được Bộ Y tế cấp phép vừa qua. 3 công ty mới được cấp phép là Boston, Stella, Mekorpha. Do đó, chất lượng thuốc là như nhau.
Trong tuần sau Bộ Y tế sẽ họp với các công ty trên về giá, kế hoạch sản xuất, phân phối thuốc”.
Bà Huỳnh Mai cho biết, thuốc kháng virus Molnupiravir cũng như các loại kháng sinh, khi bán tại tiệm thuốc tây đều phải có kê toa của bác sĩ, không bán rộng rãi và đại trà. Hiện nay có 2.352 nhà thuốc trên toàn TP tham gia trong việc chăm sóc, tư vấn, theo dõi F0 tại nhà.
Quy định mới về việc cách ly y tế với F0 và F1
Cũng trong chiều ngày 21/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký công văn mới về việc cách ly y tế đối với F0 và các trường hợp tiếp xúc gần (F1).
+ F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc xin Covid-19 (trong đó liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là F1): thực hiện cách ly 5 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác. Đồng thời xét nghiệm Covid-19 vào ngày cách ly thứ 5. Nếu kết quả âm tính, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo.
Như vậy, so với công văn 10696, số ngày cách ly tại nhà với F1 đã tiêm đủ vắc xin theo công văn mới này đã rút ngắn từ 7 ngày còn 5 ngày, số lần xét nghiệm cũng giảm từ 2 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7) xuống 1 lần.
+ F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19: cách ly 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác; xét nghiệm Covid-19 vào ngày cách ly thứ 7 với cách thức xét nghiệm như trên. Nếu kết quả âm tính, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 3 ngày tiếp theo.
Nếu sức khỏe có dấu hiệu bất thường (sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, giảm hoặc mất khứu giác, tiêu chảy, khó thở, viêm đường hô hấp…) cần báo cho cơ quan y tế để theo dõi, xét nghiệm và xử trí theo quy định.