Trứng, lê, đậu nành, bắp thường được ăn trong tiết kinh trập (6/3) nhằm cải thiện sức khỏe gan. Trong khi đó, thịt cừu hầm thích hợp cho tiết sương giáng (24/10) để làm ấm cơ thể.
Nếu bạn cảm thấy ớn lạnh vào mùa này, đó là do “đại tuyết”, tiết khí thứ 21 đã bắt đầu từ ngày 7/12.
Theo South China Morning Post (SCMP), tiết khí là cách cổ xưa dùng để đánh dấu các mùa. Chúng ta có 24 tiết khí, tương ứng 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời.
Trong văn hóa Trung Quốc, theo truyền thống, 24 tiết khí được ứng dụng cho các khía cạnh khác nhau của cuộc sống bao gồm khí tượng học, khí hậu học và nông nghiệp.
Chúng cũng mô tả những thay đổi về mùa, nhiệt độ, lượng mưa và giờ ban ngày. Mặc dù không phản ánh khí hậu hiện tại, chúng vẫn được mọi người sử dụng để biết vào mùa nào nên ăn những món gì.
24 tiết khí không chỉ được sử dụng ở Trung Quốc mà người Hàn Quốc cũng có 24 “jeolgi” và người Nhật có 24 “sekki”. Cả 3 hệ thống đều có chung nền tảng và hệ tư tưởng nhưng có sự khác biệt rất lớn về thực phẩm.
Lợi ích của ăn uống theo 24 tiết khí
Tiết khí được sử dụng để giúp mọi người có sức khỏe hoàn hảo bằng cách cân bằng với vũ trụ.
Khí dương chiếm ưu thế trong mùa xuân và mùa hè, trong khi khí âm phổ biến vào mùa thu và mùa đông. Việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt và ăn uống phù hợp trong từng tiết khí sẽ giúp chúng ta có được trạng thái cân bằng và sức khỏe tốt.
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, điều này có thể đạt được một phần nhờ vào tiêu thụ thực phẩm theo bản chất vốn có của nó.
Bốn tính chất gồm lạnh, nóng, mát, ấm và 5 mùi vị gồm chua, ngọt, mặn, cay, đắng có tác dụng khác nhau đối với các cơ quan trong cơ thể. Dựa trên thời tiết, chúng ta nên biết cách kết hợp thực phẩm để cơ thể hoạt động hài hòa.
Các tiết khí cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn thực phẩm theo những cách khác. Mê tín dị đoan hay tôn giáo tạo ra nhiều truyền thống ăn uống và tính thời vụ cũng được chú trọng. Nhiều người vẫn tuân thủ những truyền thống cũng như nguyên tắc này, nhưng ngày nay họ còn kết hợp với khoa học và dinh dưỡng hiện đại.
Các món ăn phù hợp theo từng tiết khí
Dưới đây là một số loại thực phẩm bạn có thể thử trong 4 mùa khác nhau để có sức khỏe tốt.
Mùa xuân
Vào tiết lập xuân (4/2), bạn có thể đón lộc đầu năm với món chả giò. Tiếp theo, hãy để món cháo chà là đỏ giúp bạn vượt qua cơn mưa ảm đạm vào tiết vũ thủy (19/2).
Bạn có thể thử ăn các thực phẩm như trứng, lê, đậu nành và bắp trong tiết kinh trập (6/3) để cải thiện sức khỏe của gan.
Măng non giòn nên ăn vào tiết xuân phân (21/3) trong khi tiết thanh minh (5/4) mọi người chuộng bánh bao ngải cứu để thể hiện sự gắn kết với thiên nhiên và tổ tiên.
Cuối cùng, món gạo nếp cẩm nấu với nước cốt dừa rất tốt để làm dịu dạ dày của bạn vào ngày mưa của tiết cốc vũ (20/4).
Mùa hè
Bạn có thể đón tiết lập hạ (6/5) với những món có màu đỏ như súp đậu đỏ ngọt, và thử giảm độ ẩm cơ thể bằng mướp đắng, trứng khuấy và một bát cơm vào tiết tiểu mãn (21/5).
Đến tiết mang chủng (6/6), bạn hãy tìm thứ gì đó mát lạnh như que kem dưa hấu để hạ nhiệt cho cơ thể.
Món mì hoành thánh vào ngày hạ chí (21/6) có thể giúp bạn chịu đựng cái nóng suốt mùa hè và thịt lươn trong tiết tiểu thử (7/7) sẽ phù hợp với những ngày ít nóng. Tuy nhiên, trong ngày nóng oi bức như tiết đại thử (23/7), bạn cần giải nhiệt với bát súp bí đao hoặc nước khóm.
Mùa thu
Nếu bạn không có cảm giác thèm ăn vào mùa hè thì khi sang tiết lập thu (8/8) hãy chọn ăn bí ngô để lấy lại chất dinh dưỡng đã mất. Tiết xử thử (23/8) là thời gian thích hợp để thưởng thức món hải sản yêu thích của bạn.
Vào ngày nắng nhạt trong tiết bạch lộ (8/9), bạn có thể ăn súp gà nhân sâm để bồi bổ cơ thể và ăn thịt nướng nếu bạn đã chán bánh trung thu vào ngày thu phân (23/9).
Mùa cua lông có thể rơi vào dịp mát mẻ của tiết hàn lộ (8/10), vì vậy hãy thưởng thức món ăn này nhưng cũng đừng quên uống một ít trà gừng ấm để chống lại tính hàn của cua.
Ăn thịt cừu hầm trong nồi đất vào tiết sương giá (24/10) là cách hiệu quả để làm ấm cơ thể.
Mùa đông
Vào tiết lập đông (8/11), để tránh bị cảm lạnh, bạn có thể ăn bánh bao hấp. Trong khi đó, các món như hạt dẻ nướng, khoai lang và trứng cút lại phù hợp để ăn vào tiết tiểu tuyết, ngày tuyết bắt đầu rơi (22/11).
Sự kết hợp giữa cơm niêu và lạp xưởng là lựa chọn tốt nhất để bạn làm ấm cơ thể khi đến tiết lập đông (7/12).
Giữa mùa đông, tức tiết đông chí (22/12), bạn có thể thưởng thức nồi lẩu nóng hổi và ăn xôi chiên cho tiết tiểu hàn (5/1). Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, hãy ăn món bánh gạo yêu thích để chào đón năm mới trong tiết đại hàn (20/1).
Tóm lại, những món ăn theo 24 tiết khí không phải quy tắc mà chỉ mang tính hướng dẫn. Suy cho cùng, ăn uống là thú vui và để hưởng thụ.
Theo Zing.vn