Người bạn tập chung có thể khiến việc đến lớp tập thể dục của bạn vui vẻ hơn nhiều. Nhưng phải làm sao nếu bạn bè bỏ tập?
Khi bạn tìm lời khuyên về việc tạo dựng động lực để tập luyện, một trong những chỉ dẫn thường gặp nhất là “hãy tìm một người bạn tập cùng”.
“Các bạn có thể giữ trách nhiệm cho nhau và tìm thấy niềm vui trong quá trình này”, Jones Williams Ian Scarrott, một huấn luyện viên cá nhân, nói với Independent.
Nhưng sẽ ra sao khi “người giữ trách nhiệm” cho quá trình luyện tập của bạn quá bận? Đó là việc xảy ra với Thúy Hằng (28 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Nhóm bạn 4 người của cô mua chung thẻ tập trong 3 tháng, nhưng rã đám sau 1 tháng tập.
Mua thẻ 3 tháng nhưng chỉ đi tập được một tháng
Sau khi sinh con cộng thêm công việc là trưởng nhóm Marketing của một hãng mỹ phẩm, áp lực công việc lớn, thường xuyên phải tăng ca, Thúy Hằng nhận thấy cơ thể yếu đi. Cô thường xuyên thấy đau lưng, cổ vai gáy, bắp tay, bụng, đùi không còn săn chắc.
“Chờ tới khi con cứng cáp hơn một chút, tôi quyết tâm sắp xếp thời gian để tập luyện, hy vọng ‘vớt vát’ được phần nào tuổi xuân. Thời gan đầu, tôi tìm cách bài tập trên mạng, cố thực hiện khoảng 30 phút mỗi ngày tại nhà. Sau gần một tháng, nhận thấy cơ thể có khỏe hơn nhưng việc tập một mình khá buồn và thiếu động lực”, Hằng kể.
Để có thêm động lực và tập luyện “chuyên nghiệp” hơn, cô rủ một số đồng nghiệp ở công ty. Vài ngày sau, Hằng lập được nhóm đi tập gồm 4 người. Mọi người thống nhất với nhau sẽ tranh thủ luyện tập trong giờ nghỉ trưa.
Cả nhóm cũng tìm được địa chỉ phòng tập chỉ cách công ty khoảng một km. Sau khi được tư vấn, nhóm của cô quyết định mua gói tập 3 tháng với mức giá 3,5 triệu đồng/người. Khoảng một tuần đầu, cả nhóm đi tập rất chăm chỉ. Không thuê huấn luyện viên, cả nhóm thường tham gia vào các lớp tập nhóm như yoga, zumba, body combat…
“Tôi nhận thấy vấn đề là khi quay trở về công ty làm việc, chúng tôi thường buồn ngủ, thiếu năng lượng. Tôi cũng bị đau dạ dày hơn vì thường ăn no sau đó đi tập luôn để kịp giờ về làm việc”, cô kể.
Các thành viên khác trong nhóm gặp cùng vấn đề nên họ quyết định giảm số ngày tập xuống 3 buổi/tuần thay vì 5 buổi/tuần như trước.
Hai tuần tiếp theo, nhóm 4 người của Hằng vẫn đi tập khá đầy đủ dù thỉnh thoảng có người báo nghỉ vì mệt và buồn ngủ.
“Một tuần sau đó, nhóm của tôi có người xin rút hẳn vì quá mệt, không thể đi tập cùng mọi người. Bản thân tôi cũng có những ngày ngồi nghỉ tại khu vực tiếp khách của phòng tập ngủ gật. Vậy là nhóm của tôi tan rã. Trong 1,5 tiếng được nghỉ trưa, chúng tôi vừa ăn trưa vừa đi tập thật sự rất khó”, nữ nhân viên văn phòng tâm sự.
Vậy là kế hoạch tập luyện của Hằng đổ bể sau một tháng. Dù chưa hết thời gian của thẻ tập, cả nhóm chấp nhận bỏ phí vì không thể đi tập tiếp.
Khác với Thúy Hằng, Nguyễn Ly (30 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội), được công ty tài trợ 70% gói tập 15 tháng tại chuỗi phòng gym cao cấp. Ở công ty, chị cũng rủ được một số đồng nghiệp nữ đi tập thành nhóm để tăng động lực. Chưa có gia đình, Ly tương đối chủ động về thời gian đi tập. Nếu buổi trưa bận, chị có thể đến phòng tập buổi tối.
Ly hào hứng và chăm chỉ đi tập trong khoảng 2 tháng đầu. Sau đó, số buổi tập thưa dần vì “đồng đội” của chị “rơi rớt” qua từng tuần.
“Mỗi người có một công việc riêng, người bận việc trông con, người tăng ca, có người đi hẹn hò. Vậy là lịch tập của chúng tôi không thể cố định và đều đặn”, chị Ly nói.
Vì không biết tập gym, cô thường đến đây để chạy trên máy hoặc xông hơi thư giãn. Công việc căng thẳng, có lần cô ngủ quên tại phòng chờ ở trung tâm tập luyện.
Dù nhận thức được sự quan trọng của việc tập luyện thể thao, Nguyễn Ly vẫn cảm thấy thiếu động lực để đi vì những đồng nghiệp của mình dần nghỉ tập. Bên cạnh đó, công việc bận rộn, phải tăng ca đột xuất khiến cô khó sắp xếp được thời gian đi tập đều đặn.
“Sau vài ngày suy nghĩ, tôi quyết định nghỉ tập tại phòng gym. Thay vào đó, tôi sẽ tranh thủ đi bộ tại khuôn viên nơi mình ở”, chị Ly nói.
Hãy tập ở nhà, hoặc tập theo lớp
Theo huấn luyện viên thể hình Nguyễn Hồng Việt (33 tuổi, hiện làm việc tại chuỗi phòng gym cao cấp tại Hà Nội), trong hơn 7 năm làm huấn luyện viên, anh gặp không ít trường hợp nghỉ tập giữa chừng theo nhóm tương tự chị Hằng và Ly, đặc biệt với các khách hàng là nhân viên văn phòng.
“Tâm lý này khá dễ hiểu. Khi đi tập, bạn cần cảm thấy vui vẻ trước, sau đó là có kết quả nhanh. Tập theo nhóm đảm bảo được 2 điều này vì họ sẽ truyền động lực cho nhau. Tuy nhiên, cách này sẽ mang lại hiệu quả tốt khi nhóm của bạn chăm chỉ. Với các trường hợp lười vận động, chưa nhận thức được rõ sự quan trọng của luyện tập, họ sẽ dễ dàng bỏ tập và truyền năng lượng tiêu cực đến những người đi cùng”, huấn luyện viên Hồng Việt chia sẻ.
Bên cạnh đó, những khách hàng chưa có điều kiện tập cùng huấn luyện viên sẽ lúng túng trong thời gian đầu tới phòng tập vì không biết phải tập gì, lo lắng việc tự tập có chính xác hay không. Theo anh Việt, đây cũng là một trong các lý do gây chán nản, dẫn đến bỏ tập.
Theo huấn luyện viên này, mọi người đều nên tập luyện, đặc biệt với các đối tượng làm việc tại văn phòng, sử dụng máy tính thường xuyên. Việc ngồi trong vài giờ liền mà không có các hoạt động như đi lại, vận động nhẹ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, đặc biệt bệnh lý về xương khớp như vẹo cột sống, gù lưng, cổ, thoái hóa cột sống, đau nhức đầu gối, hội chứng ống cổ tay,…
Khi ngồi, chúng ta sử dụng ít năng lượng hơn khi đứng hoặc vận động. Thừa năng lượng kéo theo nhiều hệ lụy sức khỏe như thừa cân, béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp… Vì vậy, đi tập là giải pháp chủ động và an toàn nhất.
HLV Hồng Việt cho hay khi không thể sắp xếp được thời gian đến phòng tập, bạn có thể tập theo các video hướng dẫn, đi bộ, đạp xe đi làm, đi bộ lên/xuống cầu thang thay vì đi thang máy, dạo quanh văn phòng, tòa nhà trong giờ giải lao, nói chuyện trực tiếp với đồng nghiệp thay vì email…
Trong khi đó, Scarrott, huấn luyện viên cá nhân, đưa ra một gợi ý khác là tham gia các lớp tập nhóm. “Đây là cách hay để học bài tập mới, rèn luyện sức khỏe với những người có cùng mục tiêu và gặp gỡ người mới”, anh nói.
Theo Zing.vn