Ẩm thực Indonesia là sự kết hợp của nền văn hóa đa dạng, trải dài trên hàng chục nghìn hòn đảo lớn nhỏ.
Nasi goreng ayam: Đây là món cơm chiên truyền thống của Indonesia, cũng phổ biến ở Singapore, Brunei và Malaysia. Mặc dù có nhiều phiên bản của món ăn này, nguyên liệu thường là sự kết hợp của đùi gà, dầu, muối, hạt tiêu trắng, hẹ tây, gạo, nghệ, nước tương, nước mắm, riềng hoặc gừng, tỏi, hành lá, kecap manis, và ớt cay. Hầu hết thành phần được chiên với cơm và phủ lên trên bằng trứng chiên, hẹ chiên và ớt thái lát. Ảnh: Caramel and Spice.
Ayam penyet: Món ăn này bao gồm những miếng gà rán được phủ sốt sambal, một loại tương ớt phổ biến của Indonesia. Từ “penyet” trong tên của món ăn có nghĩa là ấn hoặc đẩy, chỉ phương pháp chế biến thịt gà được ép bằng chày làm cho thịt mềm hơn. Món ăn được phục vụ kèm sambal, rau tươi, tempeh, đậu phụ và cơm. Mặc dù có nguồn gốc từ Đông Java, ayam penyet cũng phổ biến ở cả Singapore. Ảnh: Saigoneer.
Tengkleng: Đây là món dê hầm Indonesia có nguồn gốc từ Surakarta, Java. Người ta tin rằng món ăn này xuất hiện dưới thời cai trị của Hà Lan khi những miếng thịt dê ngon nhất thường được phân phát cho những người giàu có, và những gì còn lại cho người nghèo là xương dê với một ít thịt còn sót lại. Xương được nấu trong nước dùng loãng, làm từ nước cốt dừa, với nhiều loại thảo mộc và gia vị khác nhau như nghệ, riềng, sả, thì là, rau mùi, tỏi và hành. Một số nơi có thể thêm nội tạng dê. Ảnh: Dapur Kobe.
Minced Meat Satay (sate lilit): Đây là món ăn đường phố được yêu thích ở Bali. Món ăn truyền thống này thường được làm bằng thịt băm nhỏ quấn quanh một xiên phẳng. Tất cả các loại thịt (và đôi khi cả cá) đều được sử dụng để chế biến sate lilit. Tuy nhiên, loại phổ biến nhất là thịt lợn. Xiên que thường được ướp với các loại gia vị truyền thống của Indonesia như sả, riềng, ớt và lá chanh. Sate lilit có nguồn gốc từ Bali nên thường được gọi là sate lilit Bali. Ảnh: SBS.
Bebek goreng: Vịt chiên là một món ngon của Indonesia được đánh giá cao về độ giòn cũng như thịt mềm, mọng nước. Vịt thường được chặt thành miếng, luộc hoặc hấp rồi chiên giòn. Trước khi chiên, các miếng thịt được tẩm nhiều loại gia vị như tỏi, gừng, nghệ, riềng hoặc rau mùi. Bebek goreng được ăn trên khắp đất nước và theo truyền thống được ăn kèm với cơm, rau tươi như dưa chuột hoặc bắp cải cùng sốt sambal cay. Ảnh: Kompas.
Bakso: Đây là món súp thịt viên nổi tiếng của Indonesia. Giống như nhiều món ăn khác ở Indonesia, nó phát triển từ ảnh hưởng của châu Á và châu Âu. Trên khắp Indonesia, có rất nhiều biến thể của bakso, nhưng chúng đều bao gồm 3 thành phần chính: nước dùng, mì và thịt viên. Điều làm nên sự khác biệt của bakso với các loại mì châu Á khác là độ đặc của thịt viên với kết cấu đàn hồi. Bakso thực chất là món ăn đường phố nhưng có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu, từ những quán ăn ngoài trời cho đến những nhà hàng sang trọng. Đồ ăn kèm thường thấy là hoành thánh, trứng luộc hoặc đậu phụ. Ảnh: The Spruce Eats.
Rendang là một món thịt Indonesia có nguồn gốc từ người Minangkabau ở Tây Sumatra. Món ăn này nổi tiếng vì độ cay và công thức nấu chậm. Nó thường được so sánh với cà ri Ấn Độ vì tính nhất quán và hương vị độc đáo. Ảnh: Ben’s Independent Grocer.
Sate kambing: Đây là món sa tế thịt cừu truyền thống của Indonesia với thịt được cắt thành khối hoặc khối vuông và được ướp với hỗn hợp như kecap manis (nước tương ngọt), riềng, hẹ xay, nước dứa và ớt. Sau khi tẩm ướp, thịt được xiên vào những xiên to và dày hơn so với xiên gà sa tế vì thịt cừu có kết cấu và độ dày dai hơn thịt gà. Xiên cho sate kambing thường được làm từ tre. Thịt được nướng, sau đó ăn kèm với nước sốt kecap manis, nước sốt đậu phộng hoặc tương ớt, bao gồm hẹ tây, ớt mắt chim và kecap manis. Ảnh: TasteAtlas.
Satay là một món ăn truyền thống của Indonesia bao gồm thịt xiên ăn kèm với nước sốt. Tất cả các loại thịt đều có thể là nguyên liệu cho món ăn, kể cả một số loại lạ như thịt cá sấu hay thịt rắn. Các loại nước sốt ăn kèm khác nhau, chủ yếu bao gồm nước tương đen, đường, tỏi, nước cốt chanh và các gia vị khác. Món ăn được cho là có nguồn gốc từ vùng Java của Indonesia và được phát triển dưới ảnh hưởng của các thương nhân Hồi giáo di cư từ Ấn Độ. Ảnh: Delish.
Ayam goreng: Món gà rán kiểu Indonesia này được tẩm ướp gia vị, sau đó chế biến om trong thời gian ngắn trước khi chiên cho đến khi vàng và giòn. Nước sốt ăn kèm là các loại gia vị truyền thống như sả, riềng, nghệ và me, và có nhiều biến thể theo vùng, có thể thêm các loại gia vị khác như dừa nạo hoặc vụn bột gạo. Tất cả các loại ayam goreng đều có thể được thưởng thức dưới dạng các món ăn riêng lẻ, hoặc ăn kèm cơm và rau tươi. Ảnh: Cook Me Indonesian.
Theo Thu Ngân (zing) – Ảnh: T.H