Huyết áp, đường huyết, mỡ máu và BMI là những chỉ số cần biết nhằm kiểm soát, bảo vệ sức khỏe và phòng tránh bệnh tật.

Huyết áp

Huyết áp cao, còn được gọi là tăng huyết áp, có thể là kẻ giết người thầm lặng. Trong hầu hết trường hợp, không rõ nguyên nhân gây ra bệnh này – mặc dù thừa cân, ăn quá nhiều muối và không tập thể dục đủ là những yếu tố nguy cơ.

Do huyết áp cao gây thêm căng thẳng cho các cơ quan bao gồm mạch máu, tim và não, nó có thể làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và mất trí nhớ.

Ảnh: iStock

Tình trạng này hưởng đến khoảng một phần tư người lớn ở Anh nhưng thường không gây ra các triệu chứng. Tuy nhiên, những người có chỉ số quá cao có thể bị đau đầu, nhìn mờ, chảy máu cam thường xuyên hoặc khó thở.

Tiến sĩ Anna Nainan tại London nói: “Nếu huyết áp của bạn hơi cao, bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng nếu nó rất cao, trong một số ít trường hợp, người bệnh có thể bị đau đầu, nôn mửa và chóng mặt. Họ cũng có thể bị thay đổi thị lực”.

Kiểm tra huyết áp, hay đo huyết áp, là cách duy nhất để phát hiện bệnh. Huyết áp được đo bằng milimét thủy ngân (mmHg). Kết quả được đưa ra dưới dạng hai số, tâm thu và tâm trương. Tâm thu đề cập đến áp lực khi tim đẩy máu ra ngoài và đi khắp cơ thể. Đó là con số cao nhất trên một lần đọc kết quả huyết áp. Tâm trương là áp suất khi tim nghỉ giữa các nhịp đập và máu được đẩy xung quanh tim. Chỉ số tâm trương thường thấp hơn tâm thu.

Chỉ số huyết áp bình thường được coi là nằm trong khoảng từ 90/60mmHg đến 120/80mmHg. Nếu từ 135/85 mmHg trở lên được coi là huyết áp cao và dưới 89/59 mmHg là huyết áp thấp.

Để hạ huyết áp, Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) khuyến nghị thay đổi lối sống đơn giản bằng cách cắt giảm lượng muối, giảm cân nếu thừa cân, tập thể dục thường xuyên, uống ít caffeine và không hút thuốc.

Bác sĩ Nainan khuyên bệnh nhân cao huyết áp nên ưu tiên giấc ngủ, ăn uống lành mạnh, uống nhiều nước, đi dạo và nghỉ ngơi để giảm căng thẳng.

Đường huyết

Lượng đường trong máu cao có thể là một dấu hiệu của bệnh tiểu đường loại 2.

Dấu hiệu nhận biết của bệnh tiểu đường là cảm thấy rất khát nước, đi tiểu nhiều, mệt mỏi và mờ mắt. Bệnh xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc các tế bào của cơ thể không phản ứng đúng cách với hormone này.

Thông thường, một xét nghiệm máu đơn giản nhằm kiểm tra nồng độ glucose sẽ được sử dụng để phát hiện tiền tiểu đường và tiểu đường loại 2. Tuy nhiên, chỉ những người có triệu chứng tiểu đường loại 2 mới cần xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ của họ. Tiến sĩ Nainan cho biết: “Thông thường, bạn sẽ không cần kiểm tra lượng đường trừ khi bác sĩ của bạn yêu cầu”.

Ảnh: PA

Vậy làm cách nào để có thể đo đường huyết? Trên thực tế, một số xét nghiệm có thể kiểm tra lượng đường trong máu, cả ở nhà hoặc bởi bác sĩ gia đình.

Xét nghiệm đường huyết cho thấy lượng đường trong máu hiện tại của bạn ở mức nào, nhưng chỉ số này có thể thay đổi trong suốt cả ngày. Điều này chỉ được thực hiện với bài kiểm tra chích ngón tay.

“Kiểm tra chích ngón tay chỉ cho thấy lượng đường trong máu của bạn tại thời điểm đó. Vì vậy, chúng tôi không sử dụng nó thường xuyên để chẩn đoán bệnh tiểu đường, chúng tôi chỉ sử dụng nó như một manh mối để hướng tới điều đó”, Tiến sĩ Nainan nói.

Trong khi đó, xét nghiệm máu Hba1C có thể tính toán lượng đường trong máu trung bình trong ba tháng. Chỉ số Hba1C được xem là bình thường nếu dưới 42. Chỉ số này, nếu nằm trong khoảng từ 42 đến 47, cho thấy có sự tăng đường huyết hoặc tiền tiểu đường, nếu trên 48 nghĩa là bạn bị tiểu đường.

Một chế độ ăn uống lành mạnh là chìa khóa để kiểm soát lượng đường trong máu. Bệnh nhân tiểu đường loại 2 thường được yêu cầu kiểm soát mức đường, chất béo và muối ở mức tối thiểu. Người bệnh cũng nên tập thể dục, giảm mức độ căng thẳng và giảm cân nếu thừa cân.

Tiến sĩ Nainan cho biết: “Ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, uống nhiều nước và giảm căng thẳng có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Nhưng thay đổi chế độ ăn uống là một trong những yếu tố chính của bệnh tiểu đường loại 2”.

Mỡ máu (cholesterol)

Cholesterol là một chất béo có thể tích tụ trong máu. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng mỡ máu cao do ăn quá nhiều thức ăn béo, không tập thể dục đầy đủ, thừa cân, hút thuốc và uống rượu, mặc dù nó cũng có thể di truyền trong gia đình.

Khi mức độ cholesterol quá cao có thể gây nghẽn mạch máu, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim hoặc đột quỵ. Tuy nhiên, nếu không kiểm tra thì rất khó phát hiện.

Bác sĩ Nainan cho biết: “Gần như bạn không có bất kỳ triệu chứng nào khi bị cholesterol cao. Nhưng nếu bạn có mức cholesterol rất cao và nó di truyền trong gia đình, bạn có thể bị thay đổi màu sắc ở mắt và da, đặc biệt là trên mặt”.

Ảnh: Jarun Ontakrai

Trong một số ít trường hợp, mỡ máu cao có thể kích hoạt các vòng trắng xung quanh giác mạc – lớp trong suốt bên ngoài ở phía trước mắt – hoặc khối u màu vàng hoặc cam trên da, thường là dưới mắt.

Xét nghiệm máu thường có thể cho thấy mức cholesterol, và một số bác sĩ có thể yêu cầu bạn nhịn ăn trước để có kết quả chính xác.

“Khi kiểm tra cholesterol, chúng tôi xem xét một số thành phần. Cholesterol bao gồm cả cholesterol tốt và và cholesterol xấu. Nếu bạn có cholesterol tăng cao, nhưng bạn có nhiều cholesterol tốt trong cơ thể thì sẽ ít phải lo lắng hơn. Chẳng hạn, rất nhiều vận động viên có lượng cholesterol cao, nhưng rất nhiều trong số đó là cholesterol tốt”, Nainan nói.

Tổng lượng cholesterol trong cơ thể phải từ 5 mmoI/L trở xuống, trong khi tỷ lệ cholesterol toàn phần so với HDL cholesterol phải dưới 6.

HDL, là cholesterol tốt, nên ở mức 1 mmoI/L trở lên đối với nam giới và cao hơn một chút, ở mức 1,2 mmoI/L trở lên, đối với nữ giới. Cholesterol xấu, được gọi là non-HDL, phải từ 4mmoI/L trở xuống.

Tiến sĩ Nainan cho biết thay đổi chế độ ăn uống và thuốc men có thể giúp đưa cholesterol về mức khỏe mạnh. Nếu tình trạng này là do di truyền trong một gia đình, có thể khó giảm cholesterol hơn.

Tuy nhiên, ăn uống lành mạnh hơn, tập thể dục và giảm căng thẳng sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giảm mỡ máu. Nên cắt giảm thực phẩm chế biến như xúc xích, pho mát, bánh ngọt và bánh quy, đồng thời ăn nhiều hạt và cá béo như cá ngừ, cá hồi.

Chỉ số khối cơ thể (BMI)

Ảnh: New Africa

Béo phì có ảnh hưởng dây chuyền đến sức khỏe của bạn. “Thừa cân có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nguy cơ tim mạch, nguy cơ đau tim, đột quỵ, tiểu đường và thậm chí một số loại ung thư như ruột, tuyến giáp và ung thư vú”, Tiến sĩ Nainan nói.

Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh cho biết cân nặng quá mức cũng có thể gây ra sự gia tăng hormone sinh dục và tăng trưởng các chứng viêm, có liên quan đến 13 loại ung thư.

BMI là phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất để kiểm tra xem bạn có cân nặng khỏe mạnh hay không. BMI = cân nặng (kg) / chiều cao² (m)

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng phương pháp này có những hạn chế ,vì nó chỉ đo lường xem một người có quá thừa cân không nhưng không đo được xem người đó có thừa mỡ hay không.

Tiến sĩ Nainan cho biết: “Với chỉ số BMI, chúng ta cần xem xét tuổi tác, dân tộc và giới tính. Nó không dành cho tất cả. Nó chỉ là một trong các chỉ số cung cấp cho chúng tôi tình trạng sức khỏe của bạn”.

Chỉ số BMI từ 18,5 là thiếu cân, từ 18,5 đến 24,9 là cân nặng khỏe mạnh, từ 25 đến 29,9 là thừa cân và từ 30 trở lên là béo phì.

Cách tốt nhất để giảm chỉ số BMI nếu bạn thừa cân là tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh ít calo và tập thể dục thường xuyên.

Tiến sĩ Nainan nói: “Khi bạn đang cố gắng giảm cân hoặc tăng cân, hãy luôn cố gắng thực hiện từng bước nhỏ thay vì thay đổi chế độ ăn uống lớn. Chỉ cần bắt đầu từng chút và xây dựng những thói quen nhỏ thường xuyên. Những thay đổi mạnh mẽ trong một sớm một chiều có thể rất khó để gắn bó lâu dài”.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link