Bánh trôi, chay là món ăn thường được nhiều gia đình Việt Nam chuẩn bị trong dịp Tết Hàn thực. Theo bác sĩ, một số người không nên hoặc hạn chế dùng món này để đảm bảo sức khỏe.
Bánh trôi, bánh chay là hai loại bánh cổ truyền của người Việt Nam, thường được ăn nhiều nhất vào dịp Tết Hàn thực ngày 3/3 âm lịch hàng năm, với ý nghĩa tưởng nhớ những người đã khuất, hướng về cội nguồn, tổ tiên, ngày này cũng được gọi là “ngày bánh trôi bánh chay”.
Loại bánh này có thành phần chủ yếu là bột gạo (gạo nếp lẫn gạo tẻ), đường phèn, gừng, bột sắn, đối với bánh chay thì có thêm thành phần đậu xanh và đường trắng.
Bột gạo dùng làm vỏ bánh thường được trộn với tỉ lệ gạp nếp: gạo tẻ là 9:1 hoặc 8:2, do đó, thành phần chính của vỏ bánh vẫn là gạo nếp. Nhân bánh trôi là 1 viên đường phèn đã được xắt nhỏ, nhân bánh chay là đậu xanh đã được giã nhuyễn, nấu chín và xào đều với đường trắng.
Với món bánh trôi, có thể thưởng thức trực tiếp sau khi nấu chín với một chút vừng và dừa nạo rắc lên trên, còn bánh chay thì sẽ ăn với phần nước đường nấu cùng bột sắn và gừng. Món ăn này mềm, dẻo, thơm mùi gừng, ngậy của vừng, ngọt của đường và đậu xanh nên được người dân yêu thích.
Cả hai loại bánh đều chứa nhiều tinh bột và đường, không mang lại nhiều dinh dưỡng, vì thế dù không ăn quá nhiều, bạn vẫn có thể nạp quá nhiều calo và tăng chỉ số đường máu. Trong 100g bánh trôi, bánh chay có khoảng 300-400 calo tùy vào cách chế biến của người làm bánh.
Bánh trôi, bánh chay là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Hàn thực. Ảnh: Diệu Bình/NVCC.
Bên cạnh đó, tinh bột trong bánh cũng chủ yếu là bột gạo nếp, gây tăng đường huyết và tích mỡ nhanh, gạo nếp cũng khiến gây ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu, ợ chua, khó chịu nếu ăn quá nhiều,…
Một số người có thể phải hạn chế món ăn này.
– Người mắc bệnh tiêu hóa: Tinh bột trong gạo nếp là loại tinh bột phân nhánh, khó tiêu hóa hơn tinh bột trong gạo tẻ, do đó dạ dày thường phải hoạt động co bóp và tiết dịch vị ra nhiều hơn để tiêu hóa được. Từ đó có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược, đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, viêm loét,… ở những người bị bệnh lý về đường tiêu hóa.
– Người bị thừa cân, béo phì: Hai loại bánh này chứa nhiều calo và có thành phần chủ yếu là tinh bột và đường, không phù hợp với người thừa cân, béo phì hoặc đang muốn giảm cân.
– Người bệnh tiểu đường, mỡ máu, tim mạch: Tiêu thụ nhiều bánh trôi, bánh chay có thể khiến cơ thể nạp quá nhiều tinh bột và đường, làm đường máu tăng cao đột ngột, không tốt cho người bệnh tiểu đường, mỡ máu cao hay người mắc bệnh tim mạch.
– Phụ nữ mang thai: Tiểu đường thai kỳ là mối nguy lớn với thai phụ do ảnh hưởng xấu tới thai nhi, do đó nếu bạn đang mang thai thì không nên ăn quá nhiều loại bánh ngọt và giàu tinh bột này.
Dù là người khỏe mạnh, yêu thích món bánh thơm ngon này đến đâu, bạn cũng chỉ nên ăn thường thức một khẩu phần nhỏ, khoảng 100-200 g mỗi lần tùy nhu cầu và thể trạng, không nên ăn quá thường xuyên.
Theo Zing – Ảnh: T.H