Bệnh tái đi tái lại, vết thương phục hồi chậm, tiêu hóa kém, đổ mồ hôi không rõ lý do hay thường xuyên mệt mỏi là những biểu hiện cho thấy miễn dịch của bạn đang gặp vấn đề.

Hệ thống miễn dịch được coi là “lính gác” của cơ thể. Nếu khả năng miễn dịch cao, bạn ít có nguy cơ mắc bệnh, và ngược lại. Hệ miễn dịch suy giảm thường có những biểu hiện dưới đây.

1. Thường xuyên cảm lạnh

Biểu hiện hắt hơi và sụt sịt khi bị cảm lạnh 2-3 lần trong một năm là điều hoàn toàn bình thường. Hầu hết, mọi người sẽ khỏe lại sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, nếu bạn liên tục bị cảm lạnh hay cảm cúm (3-5 lần một năm), hoặc sau khi bị bệnh bạn phải mất khoảng thời gian khá dài mới hoàn toàn hồi phục. Điều này được cho là liên quan đến khả năng miễn dịch kém.

2. Vết thương hồi phục chậm và dễ bị viêm nhiễm

Sau khi vô tình bị trầy xước, hệ thống miễn dịch của người khỏe mạnh bình thường sẽ nhanh chóng phản ứng để thúc đẩy quá trình đông máu, bạch cầu tập hợp để chống lại vi trùng bên ngoài cơ thể, tránh viêm nhiễm.

Tuy nhiên, ở những người có khả năng miễn dịch kém, vết thương thường lành chậm hơn, 2-3 ngày vẫn chưa đóng vảy. Ngoài ra, họ còn có thể có các triệu chứng như viêm, loét.

Cơ thể thường dễ bị ốm hoặc ốm lâu dài khi hệ miễn dịch bị suy giảm. Ảnh: Penn Medicine
Cơ thể thường dễ bị ốm hoặc ốm lâu dài khi hệ miễn dịch bị suy giảm. Ảnh: Penn Medicine

3. Dễ bị tiêu chảy, khó chịu ở bụng

Niêm mạc đường tiêu hóa của con người cũng là tuyến phòng thủ của hệ thống miễn dịch, khi khả năng miễn dịch tương đối yếu, vi trùng sẽ có cơ hội xâm nhập vào cơ thể. Chẳng hạn nếu đi ăn ngoài, thực phẩm có thể thực sự không hợp vệ sinh, tuy nhiên nhiều người ăn xong không gặp vấn đề về tiêu hóa, trong khi có người lại bị nôn mửa, tiêu chảy. Điều này cũng là biểu hiện cho thấy khả năng miễn dịch của họ bị yếu.

4. Dễ đổ mồ hôi khó hiểu

So với những người khác, người dễ đổ mồ hôi bất kể thời tiết thế nào có thể có khả năng miễn dịch yếu hơn. Những người này cũng dễ bị đổ mồ hôi khi ngủ và luôn khó ngủ. Việc đổ mồ hôi không thể giải thích này chủ yếu liên quan đến khả năng miễn dịch kém.

5. Bơ phờ, luôn cảm thấy mệt mỏi

Thường xuyên cảm thấy suy nhược và mệt mỏi, mất năng lượng dù hoạt động ít và ngủ đủ giấc cũng là một biểu hiện của khả năng miễn dịch yếu.

Các nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch

Thiếu ngủ

Trong khi ngủ, cơ thể con người sẽ tiết ra axit muramic có thể thúc đẩy sự gia tăng bạch cầu, kích hoạt đại thực bào, tăng cường chức năng giải độc của gan, rất có lợi cho việc loại bỏ vi khuẩn và virus xâm nhập, từ đó tăng khả năng miễn dịch.

Nếu bạn thiếu ngủ trong thời gian dài, quá trình sản xuất axit muramic giảm, từ đó làm giảm khả năng miễn dịch.

Ăn kiêng

Những người tuân thủ chế độ ăn kiêng để giảm cân thường dẫn đến tình trạng thiếu hụt một số vitamin và nguyên tố vi lượng, không thể cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Nếu không có đủ dinh dưỡng, chức năng của tế bào sẽ bị tổn thương, nội tạng và hệ thống miễn dịch sẽ bị ảnh hưởng.

Không vận động trong thời gian dài

Trong cuộc sống ngày nay, các loại đồ gia dụng thông minh, phương tiện đi lại như ôtô đã giúp con người tiết kiệm được nhiều thời gian và sức lao động. Tuy nhiên, mặt trái của điều này chính là khiến chúng ta ít có cơ hội sử dụng cơ bắp, làm cho thân nhiệt giảm.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi nhiệt độ cơ thể giảm 1°C, khả năng miễn dịch giảm hơn 30% và hoạt động của các tế bào bạch cầu trở nên chậm chạp.

6 cách để cải thiện khả năng miễn dịch

Theo dõi thời tiết

Theo dõi sự thay đổi thời tiết để có những phương án đối phó thích hợp là cách bảo vệ cơ thể, tránh bệnh tật, từ đó giúp nâng cao khả năng miễn dịch.

Ăn uống điều độ

Nhiều người có quan niệm sai lầm về giữ gìn sức khỏe, cho rằng nếu hay đau ốm, cần lựa chọn thực phẩm phù hợp để bù đắp tỳ vị hư nhược. Trên thực tế, tuân thủ một chế độ ăn uống cân bằng là cách tốt nhất để điều hòa lá lách và dạ dày, từ đó cải thiện miễn dịch.

Điều tiết cảm xúc

Trạng thái tinh thần là yếu tố môi trường bên trong cơ thể con người. Sự ổn định của nội môi giúp các tạng phủ và khí quan trong cơ thể hoạt động lâu dài, từ đó khiến khả năng miễn dịch được nâng cao một cách tự nhiên.

Mọi người nên giữ trạng thái tinh thần ổn định, bình thường trong mọi việc, không làm khó người khác và bản thân, ngoài ra nên tránh những cảm xúc tiêu cực như lo lắng và căng thẳng.

Ngâm chân thường xuyên

Ngâm chân có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, khử huyết ứ, khử ẩm giải độc, dưỡng tâm an thần, thông kinh mạch. Ngâm chân còn thúc đẩy lưu thông máu và trao đổi chất, đạt hiệu quả chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt vào mùa đông, ngâm chân nước nóng mỗi ngày trước khi đi ngủ giúp xua tan cảm lạnh, loại bỏ mệt mỏi và hỗ trợ ngủ ngon.

Duy trì tập thể dục

Mỗi người sẽ có một hình thức, dạng bài tập thể dục khác nhau phù hợp với cơ thể. Thông thường, sau khi tập xong, bạn sẽ cảm thấy thoải mái, căng tràn sức sống cả về thể chất và tinh thần. Kiên trì tập lâu dài rất tốt cho sức khỏe.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link