Lupus có thể lây lan, là một dạng ung thư, chỉ gặp ở phụ nữ hay người bị bệnh lupus không thể có thai… đều là những quan niệm sai lầm.
Bạn có thể từng nghe nói về lupus, một căn bệnh tự miễn dịch ảnh hưởng đến khoảng 1,5 triệu người ở Mỹ và 5 triệu người trên toàn thế giới, theo Tổ chức Lupus của Mỹ (LFA). Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát năm 2019 của LFA, 63% người Mỹ nói họ biết rất ít hoặc không biết gì về căn bệnh này.
Ngoài ra, có rất nhiều quan niệm sai lầm về căn bệnh này. Nhiều người cũng không hiểu đầy đủ nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị. Dưới đây là 7 lầm tưởng phổ biến về bệnh lupus:
Lầm tưởng 1: Lupus có thể lây lan
Lupus là một bệnh tự miễn, có nghĩa là hệ thống miễn dịch của người bị lupus tấn công các tế bào và mô của chính nó, dẫn đến viêm. Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của nhiều người, bệnh này không hề lây nhiễm.
Saira Sheikh, Giáo sư Y khoa tại Đại học Bắc Carolina ở Đồi Chapel (UNC), thành viên của Hội đồng tư vấn khoa học-y tế của Tổ chức Lupus Mỹ, cho biết: “Bạn không thể ‘lây’ bệnh lupus từ ai đó hoặc truyền nó cho bất kỳ ai khác bằng cách chạm hoặc tiếp xúc gần”.
Mặc dù các chuyên gia không chắc chắn chính xác nguyên nhân gây ra bệnh lupus, người ta cho rằng bệnh này một phần bị ảnh hưởng bởi di truyền, hormone và các yếu tố môi trường.
Lầm tưởng 2: Lupus chỉ gây mệt mỏi và đau khớp
Các triệu chứng của bệnh lupus cũng bị hiểu lầm rất nhiều. Trong cùng cuộc khảo sát năm 2019 của LFA, chỉ khoảng 1/3 số người được hỏi có thể xác định chính xác các triệu chứng bệnh lupus ngoài tình trạng mệt mỏi cực độ và đau hoặc sưng khớp.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), mặc dù mệt mỏi và đau khớp thực sự là dấu hiệu của bệnh lupus, căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi bộ phận của cơ thể, và danh sách các triệu chứng tiềm ẩn rất dài, đa dạng. Những người mắc bệnh lupus có thể bị đau cơ, sốt dai dẳng, đau ngực, rụng tóc, các vấn đề về thận và phát ban hình bướm.. Đôi khi nó cũng có thể dẫn đến các biến chứng gây tử vong.
Thực tế, các triệu chứng bệnh lupus có thể khác nhau đáng kể ở mỗi người, đây là một lý do khiến việc chẩn đoán có thể rất khó khăn. Theo LFA, trung bình có thể mất 6 năm để một người có được chẩn đoán bệnh lupus chính xác kể từ thời điểm họ bắt đầu có các triệu chứng.
Lầm tưởng 3: Đàn ông không mắc bệnh lupus
Mặc dù đúng là bệnh lupus thường ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, có một quan niệm sai lầm phổ biến là nam giới không thể mắc bệnh.
Theo LFA, đàn ông có thể và thực sự mắc bệnh lupus, và khoảng một trong 10 bệnh nhân lupus là nam giới. Do rất nhiều người nghĩ lupus là căn bệnh chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ nên đàn ông thường ngạc nhiên khi biết họ mắc bệnh này.
Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh lupus, đặc biệt là một số triệu chứng nhất định có thể hơi khác ở nam và nữ. Ví dụ, nam giới mắc bệnh lupus có nhiều khả năng bị lượng máu thấp, biến chứng về tim, sụt cân không rõ nguyên nhân và bệnh thận, theo LFA.
Tiến sĩ Sheikh cho biết thêm: “Đàn ông mắc bệnh lupus, giống như phụ nữ, thường có thể phát triển các biến chứng nghiêm trọng, trong đó bệnh lupus ảnh hưởng đến thận. Đàn ông bị viêm thận lupus có nhiều khả năng phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận và nam giới cũng có tỷ lệ tử vong cao do bệnh lupus”.
Lầm tưởng 4: Không thể có thai nếu mắc bệnh lupus
Bác sĩ thấp khớp Laura L. Tarter, Giám đốc dự án về Mang thai và Sức khỏe Sinh sản tại Chương trình Lupus Brigham và Phụ nữ ở Boston, cho biết có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng những người mắc bệnh lupus không nên mang thai hoặc có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng nếu họ làm vậy.
Cô nói: “Điều đó thực sự không đúng và hầu hết phụ nữ mắc bệnh lupus đều có kết quả rất tốt khi mang thai”.
Theo Văn phòng Sức khỏe Phụ nữ của Bộ Y tế & Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, đúng là tất cả những người mang thai mắc bệnh lupus đều được coi là có nguy cơ cao, nghĩa là có khả năng xảy ra biến chứng cao hơn, nhưng điều đó không đồng nghĩa là các vấn đề chắc chắn xảy ra.
Tiến sĩ Tarter lưu ý có quan niệm sai lầm rằng những người mắc bệnh lupus nhiều khả năng bị sẩy thai hơn, nhưng điều đó cũng không đúng. “Tuy một số người mắc bệnh lupus có kháng thể kháng phospholipid (aPL), có nguy cơ sảy thai tăng nhẹ, hầu hết bệnh nhân đều có tỷ lệ sảy thai giống như dân số nói chung”, cô nói.
Mối lo ngại lớn nhất với thai phụ bị bệnh lupus là liệu họ có bị bùng phát bệnh hay không, bởi điều này có thể gây sinh non. Tuy nhiên, khả năng bùng phát bệnh sẽ không ngăn cản bạn mang thai nếu đó là điều bạn muốn.
Tiến sĩ Tarter nói: “Hầu hết các đợt bùng phát đều ở mức độ nhẹ và ngay cả khi ai đó bị bùng phát, bệnh vẫn có thể được kiểm soát và có nhiều loại thuốc an toàn trong thai kỳ”.
Điểm mấu chốt ở đây là nếu bạn bị bệnh lupus và muốn lập gia đình, hãy nói chuyện với bác sĩ thấp khớp càng sớm càng tốt. Cùng đội ngũ chăm sóc y tế, bạn có thể nỗ lực để bệnh thuyên giảm hoặc được kiểm soát trong ít nhất 6 tháng trước khi mang thai, đồng thời tìm được loại thuốc tốt nhất để kiểm soát bệnh Lupus một cách an toàn khi mang thai.
Lầm tưởng 5: Bệnh lupus có thể được chữa khỏi
Trong cuộc khảo sát năm 2019 của LFA, 28% số người được hỏi cho biết họ tin có cách chữa khỏi lupus và 31% cho rằng bệnh này có thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, lupus là một căn bệnh mãn tính và kéo dài suốt đời, đồng nghĩa không có cách chữa trị cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh. Nhưng nó có thể được kiểm soát bằng thuốc.
Lầm tưởng 6: Lupus là một dạng ung thư
Lupus là một bệnh tự miễn, và các thuốc ức chế miễn dịch như azathioprine, mycophenolate mofetil và cyclosporine… có thể được sử dụng để kiểm soát bệnh.
Do một số loại thuốc này cũng được sử dụng để điều trị ung thư, đôi khi có thể gây nhầm lẫn rằng người mắc bệnh lupus đang được “điều trị bằng thuốc hóa trị”.
Tiến sĩ Sheikh giải thích: “Mặc dù lupus không phải ung thư, đôi khi bệnh được điều trị bằng thuốc gây độc tế bào mạnh dùng trong điều trị ung thư. Trong khi cả bệnh ung thư và lupus đều có liên quan đến hệ thống miễn dịch, các cơ chế hoạt động lại khác nhau”.
Theo LFA, thuốc ức chế miễn dịch có tác dụng ức chế hệ thống miễn dịch để nó không tấn công các mô cơ thể khỏe mạnh và chúng thường được kê đơn cho những người gặp phải các triệu chứng lupus nghiêm trọng.
Tuy nhiên, thuốc ức chế miễn dịch không phải là loại duy nhất được sử dụng để kiểm soát bệnh lupus. Tùy thuộc vào loại bệnh và các triệu chứng, bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc chống sốt rét như hydroxychloroquine, steroid hoặc thuốc chống viêm không steroid, cùng những loại khác.
Mặc dù lupus không phải là một loại ung thư, việc mắc bệnh và dùng thuốc ức chế miễn dịch đều có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư sau này, Trung tâm Lupus Johns Hopkins lưu ý. Vì thế, có một điều quan trọng là bạn nên làm việc với đội ngũ y tế để tìm ra loại thuốc có thể kiểm soát bệnh thành công, từ đó ít gây tổn hại cho cơ thể hơn.
Lầm tưởng 7: Không thể tập luyện nếu bị bệnh lupus
Mặc dù đau khớp, mệt mỏi và yếu cơ xảy ra với bệnh lupus có vẻ trở thành rào cản cho hoạt động thể chất, tập thể dục khi bị bệnh lupus thực sự là một ý tưởng hay, miễn là bác sĩ cho phép.
Trên thực tế, tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện nhiều triệu chứng bệnh lupus và nó cũng hỗ trợ sức khỏe tim mạch, ngủ ngon hơn, cải thiện tâm trạng, theo LFA.
Cardio tác động thấp là cách tuyệt vời để bắt đầu, bao gồm các hoạt động như đi bộ, bơi lội, đạp xe và yoga. Động tác giãn cơ giúp bạn vận động linh hoạt, đồng thời rèn luyện sức mạnh có thể tăng cường và hỗ trợ các khớp.
Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H