Mãn kinh là một căn bệnh, không thể mang thai trước khi mãn kinh hay các triệu chứng có thể kéo dài mãi… là những lầm tưởng phổ biến ở nhiều người.

Mãn kinh là thời điểm trong cuộc đời một người phụ nữ khi kinh nguyệt kết thúc. Thời kỳ này xảy ra 12 tháng sau kỳ kinh cuối cùng. Nó được đánh dấu bằng sự sụt giảm tự nhiên các hormone sinh sản (estrogen và progesterone) do buồng trứng sản xuất ra. Trước khi mãn kinh, người phụ nữ sẽ có vài năm tiền mãn kinh, với các triệu chứng như bốc hỏa, lo lắng và khó ngủ, do có sự thay đổi về nội tiết tố.

Mãn kinh là điều hoàn toàn bình thường và tự nhiên. Tuy nhiên, nó có thể là khoảng thời gian khó hiểu đối với nhiều phụ nữ, đặc biệt nếu họ chưa từng chia sẻ với bạn bè hoặc người thân cùng giới về điều đó. Do các cuộc trò chuyện xung quanh thời kỳ mãn kinh khá hạn chế, có nhiều quan niệm sai lầm về quá trình này. Dưới đây là một số lầm tưởng về mãn kinh được các chuyên gia sức khỏe chỉ ra.

Phụ nữ sẽ chính thức mãn kinh khoảng một năm sau kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Ảnh: chapelhillgynecology
Phụ nữ sẽ chính thức mãn kinh khoảng một năm sau kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Ảnh: chapelhillgynecology

Lầm tưởng 1: Mãn kinh và các triệu chứng chỉ bắt đầu ngoài 50 tuổi

Theo Jill Angelo, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của công ty y tế Gennev (Mỹ), mặc dù độ tuổi mãn kinh trung bình là 51, phạm vi được xem là “bình thường” cho thời kỳ mãn kinh nằm trong khoảng từ 45 đến 55 tuổi. Điều này không phụ thuộc vào độ tuổi khi bạn có kinh lần đầu và quá trình mang thai, cũng như tiền sử ngừa thai.

Hơn nữa, “sự thay đổi chu kỳ kinh nguyệt và các triệu chứng ban đầu có thể xuất hiện ở phụ nữ ở độ tuổi cuối 30” – Angelo giải thích. “Một số yếu tố, bao gồm hút thuốc hoặc cắt bỏ tử cung, có thể dẫn đến mãn kinh ở độ tuổi trẻ hơn, trong khi cắt bỏ buồng trứng ở bất kỳ độ tuổi nào cũng dẫn đến mãn kinh ngay lập tức”. Ngoài ra, tiền sử gia đình có thể đóng vai trò trong độ tuổi mãn kinh tự nhiên, cũng có người mãn kinh sớm mà không có nguyên nhân cụ thể.

Lầm tưởng 2: Các triệu chứng mãn kinh kéo dài mãi mãi

Như đã đề cập trước đó, thời kỳ mãn kinh được đặc trưng bởi sự sụt giảm nồng độ estrogen. Trong thời gian này, bạn sẽ trải qua các triệu chứng mãn kinh do cơ thể đang cố gắng lấy lại cân bằng. Tuy nhiên, vì quá trình chuyển đổi này diễn ra chậm nên các triệu chứng thường kéo dài một thời gian chứ không phải là mãi mãi.

Theo một nghiên cứu trên tạp chí JAMA Internal Medicine, trung bình, các triệu chứng mãn kinh kéo dài trong 4 năm rưỡi sau kỳ kinh cuối cùng của một người, lâu nhất là khoảng 7 năm. Ngoài ra, “các triệu chứng có xu hướng dễ nhận thấy nhất trong vài năm đầu tiên của quá trình chuyển đổi và giảm dần theo thời gian”, Angelo giải thích. Cô cũng nói thêm rằng cơ địa mỗi người khác nhau nên không thể dự đoán các triệu chứng mãn kinh sẽ kéo dài bao lâu.

Tuy nhiên, điều cần chú ý là thói quen sống của bạn có thể đóng một vai trò nào đó trong việc mãn kinh. Theo một nghiên cứu năm 2020, hoạt động thể chất thường xuyên có thể giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mãn kinh. Mặt khác, những thói quen như hút thuốc lá và uống rượu thực sự có thể làm tăng tần suất, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Theo một nghiên cứu năm 2021, căng thẳng về cảm xúc cũng được phát hiện là nguyên nhân làm trầm trọng thêm các triệu chứng mãn kinh. Điều này đồng nghĩa không bao giờ là quá muộn để điều chỉnh thói quen nhằm kiểm soát thời kỳ mãn kinh.

Lầm tưởng 3: Mất kinh một vài lần nghĩa là đang ở thời kỳ mãn kinh

Lisa Savage, bác sĩ sản phụ khoa tại Gennev, cho biết để được coi là đã mãn kinh, bạn cần phải trải qua giai đoạn không có kinh nguyệt trong vòng một năm. Điều đó nghĩa là trong thời kỳ tiền mãn kinh, việc mất kinh hoặc kinh nguyệt không đều trong vài tháng hoặc vài năm là điều bình thường. Tiến sĩ Savage nói chu kỳ không đều trong giai đoạn này “là do sự thay đổi và không nhất quán của chức năng buồng trứng”.

Lầm tưởng 4: Mãn kinh là một căn bệnh

Không có gì lạ khi thời kỳ mãn kinh bị coi là một chứng rối loạn hoặc bệnh tật. Trong khi các triệu chứng điển hình có thể làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của bạn, nó hoàn toàn không phải là một căn bệnh.

“Đó là một quá trình chuyển đổi tự nhiên mà mọi phụ nữ sẽ trải qua, giống như tuổi dậy thì”, Angelo nói. “Các chuyên gia y tế coi thời kỳ mãn kinh là sự khởi đầu của nửa sau cuộc đời, giai đoạn mà chúng tôi mong đợi người phụ nữ sẽ được thỏa mãn và thấy vui vẻ nếu nhận được sự hỗ trợ đúng đắn”.

Lầm tưởng 5: Phụ nữ chỉ cần chịu đựng với các triệu chứng mãn kinh

“Xã hội đã dạy nhiều phụ nữ phải cười tươi và chịu đựng”, Angelo nói. Tuy nhiên, với các giải pháp kê đơn và tự nhiên hơn hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu tác động của các triệu chứng và sự tiến triển mạnh trong quá trình chuyển đổi thời kỳ mãn kinh.

“Phụ nữ không cần phải chờ đợi để điều trị các triệu chứng mãn kinh cho đến khi họ trở nên không thể chịu đựng được”, Angelo nói. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là bạn phải thường xuyên đến gặp bác sĩ phụ khoa, bất kể tuổi tác hay giai đoạn mãn kinh của bạn. Bạn cũng không cần ngần ngại khi hỏi về các lựa chọn tốt nhất để quản lý các triệu chứng này.

Lầm tưởng 6: Thời kỳ mãn kinh chỉ gây ra những cơn bốc hỏa

Tiến sĩ Savage cho biết mặc dù bốc hỏa là triệu chứng “điển hình”, thời kỳ mãn kinh có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể bạn theo vô số cách. Sau cơn bốc hỏa, bạn có thể cảm thấy lạnh khi toát mồ hôi. Điều này có thể tạo thành quả cầu tuyết, khiến bạn có cảm giác nóng và lạnh xen kẽ.

Trong những trường hợp khác, một số phụ nữ đột nhiên lạnh run mà không có bất kỳ cơn bốc hỏa nào trước. Tất cả những điều này bắt nguồn từ vùng dưới đồi (một phần của não) do sự thay đổi nội tiết tố, phản ứng không phù hợp với những thay đổi nhỏ về nhiệt độ cơ thể. Để kiểm soát các triệu chứng này, Savage khuyên bạn nên mặc quần áo nhiều lớp, chẳng hạn như quàng khăn và mặc áo len bên ngoài áo ba lỗ. Bằng cách này, bạn có thể dễ dàng cởi bỏ bớt quần áo tùy thuộc vào cảm giác của cơ thể.

Lầm tưởng 7: Không có kinh thì sẽ không bị chuột rút

Trong thời kỳ tiền mãn kinh, bạn có thể bị chuột rút vùng chậu ngay cả khi bạn không có kinh nguyệt. Savage giải thích rằng tử cung được làm bằng các mô cơ mạnh, có thể co bóp và co lại khi chức năng buồng trứng suy giảm. Tuy nhiên, nếu bạn tiếp tục bị chuột rút mặc dù không có kinh nguyệt, chuyên gia khuyên bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra phụ khoa. Nếu mọi thứ đều ổn, bạn có thể sử dụng các biện pháp khắc phục chuột rút thông thường để giảm đau.

Lầm tưởng 8: Không thể mang thai ngay trước khi mãn kinh

Mặc dù khả năng sinh sản giảm khi bạn già đi, điều đó không có nghĩa là bạn không thể mang thai. Theo tiến sĩ Savage, bạn vẫn có thể rụng trứng trong thời kỳ tiền mãn kinh, ngay cả khi bạn đang bị trễ kinh hoặc kinh nguyệt không đều. Vì vậy, bạn hoàn toàn có khả năng mang thai ngoài ý muốn dù đang sắp mãn kinh.

Để tránh mang thai ngoài ý muốn, bạn vẫn cần sử dụng biện pháp tránh thai cho đến khi hết một năm không có kinh nguyệt. Điều này có thể đặc biệt quan trọng đối với bất kỳ ai mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, cao huyết áp hoặc tiểu đường – những bệnh có thể gây ra rủi ro sức khỏe nghiêm trọng ở phụ nữ mang thai.

Lầm tưởng 9: Bạn không thể sử dụng thuốc tránh thai sau 35 tuổi

“Đây là chuyện hoang đường!”, tiến sĩ Savage nói, cho biết thêm trừ khi bạn hút thuốc lá hoặc mắc một số bệnh lý nhất định, bạn có thể sử dụng thuốc tránh thai liều thấp để kiểm soát các triệu chứng trong thời kỳ tiền mãn kinh. Ngoài ra, bạn có thể tiếp tục uống thuốc cho đến 55 tuổi, vì nó “chứa estrogen và progestin, có thể cân bằng nội tiết tố, kiểm soát chu kỳ và cung cấp biện pháp tránh thai”. Tuy nhiên, hãy luôn nói chuyện này với bác sĩ, người có thể xác nhận xem đây có phải là bước đi phù hợp với bạn hay không.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link