Một nghiên cứu gần đây cho thấy chế độ ăn giàu chất đạm có thể kiểm soát cân nặng nhờ giảm mức độ vi khuẩn đường ruột liên quan quá trình hấp thu chất béo.
Chất đạm có thể hạn chế nguy cơ tăng cân trở lại sau khi ăn kiêng thành công. Ảnh: jose_ignacio_pompe.
Giảm cân, thay đổi vóc dáng là được xem là mục tiêu của rất nhiều người trong cuộc sống hiện đại. Thực tế cũng có nhiều tấm gương về quá trình “lột xác” thành công nhờ chế độ ăn uống, tập luyện khoa học.
Tuy nhiên, một thống kê gần đây trên PubMed Central cho thấy tỷ lệ lớn người từng giảm cân thành công lại tăng ngược trở lại.
Phân tích tổng hợp năm 2001 dựa trên các trường hợp thực hiện một số chế độ ăn kiêng đã khẳng định hơn 50% số cân nặng từng được giảm thành công tăng trở lại sau 2 năm. Con số này sau 5 năm là 80%.
Kết quả này phần nào chứng minh việc giảm cân vốn đã khó khăn, nhưng việc giữ lại cân nặng sau khi giảm còn khó khăn hơn nữa.
Gợi ý về mức protein
Gần đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu tác động của chế độ ăn kiêng với những mức protein (chất đạm) khác nhau đối với lượng mỡ ở chuột. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Trao đổi chất Tự nhiên gần đây.
Tiến sĩ Tonia Vinton, trợ lý giáo sư nội khoa chuyên về béo phì tại Trung tâm Y tế Tây Nam Đại học Texas, cho biết nghiên cứu đã chứng minh sau một thời gian ngắn ăn kiêng (nhịn ăn gián đoạn, giảm calo…), các chế độ ăn giàu protein có thể ngăn ngừa nguy cơ tăng cân trở lại nhờ việc tăng cường vi khuẩn đường ruột Lactobacillus – tác nhân hạn chế sự hấp thu chất béo trong đường ruột.
Nhiều người tăng cân trở lại nhanh chóng sau khi ăn kiêng và thay đổi vóc dáng thành công. Ảnh minh họa: Sean S.
Nghiên cứu trong quá khứ từng gợi ý rằng một số chế độ ăn kiêng có thể thúc đẩy quá trình tăng cân trở lại thông qua việc thay đổi thành phần vi khuẩn đường ruột.
Tuy nhiên, ở nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã điều tra quá trình ăn kiêng, sau đó ăn thoải mái trở lại có thể ảnh hưởng tới khối lượng mỡ như thế nào. Kết quả khá rõ, việc ăn uống không kiểm soát trở lại dẫn đến sự tích mỡ nhanh chóng.
Trong thí nghiệm tiếp theo, các nhà khoa học thấy rằng nguyên nhân tăng tích mỡ là mức độ hấp thụ chất béo trong ruột tăng lên song song với sự tăng lên về khối lượng thức ăn.
Sau đó, họ cũng phân tích các mẫu máu của chuột thí nghiệm trước, trong và sau khi chúng bị buộc phải ăn kiêng một khoảng thời gian ngắn. Từ đây, chúng ta có thể xác định các phương pháp tiềm năng nhằm duy trì quá trình giảm cân.
Cuối cùng, các nhà khoa học phát hiện một số axit amin trong máu tăng lên trong và sau khi những con chuột này ăn kiêng.
Lý giải tính hiệu quả
Để tìm được cơ chế của việc mức độ protein có thể ảnh hưởng tới sự hấp thụ chất béo sau khi ăn kiêng, các nhà khoa học đã cho những con chuột thí nghiệm thực hiện các chế độ ăn có lượng đạm ở mức cao, vừa và ít ngay sau thời gian ngắn cắt giảm calo.
Từ đây, họ phát hiện chế độ ăn giàu protein có hiệu quả hạn chế nguy cơ tăng cân nhanh trở lại, đồng thời duy trì một phần kết quả giảm cân trong tương lai.
Protein làm thay đổi mức độ vi khuẩn đường ruột liên quan hấp thụ chất béo. Ảnh minh họa: science_ABC.
Họ cũng phân tích tác động của protein đối với hiệu quả tiêu hao năng lượng. Theo đó, những con chuột được cho ăn chế độ có mức protein vừa phải tiêu hao năng lượng nhiều hơn nhóm ăn mức protein cao. Điều này đồng nghĩa hiệu quả hạn chế tăng cân của các chế độ ăn có mức protein cao không nằm ở năng lượng.
Thông qua một số thử nghiệm sâu hơn, các nhà khoa học tiếp tục phát hiện chế độ ăn giàu protein làm giảm sự hấp thụ chất béo trong đường ruột.
Các mẫu phân tử chuột thí nghiệm cho thấy lượng vi khuẩn Lactobacillus ở nhóm ăn protein mức vừa nhiều hơn những con nạp protein ở mức cao.
Nhằm giải đáp câu hỏi mức độ Lactobacillus có ảnh hưởng tới việc tăng cân trở lại hay không, các nhà nghiên cứu đã điều trị cho chuột bằng penicillin trong vòng một tuần trước khi cho chúng ăn kiêng.
Kết quả là penicillin làm giảm Lactobacillus và không ảnh hưởng tới các vi khuẩn khác, đồng thời giảm đáng kể sự hấp thụ chất béo trong đường ruột.
Sau cùng, họ kết luận việc nhắm tới Lactobacillus sau khi ăn kiêng cắt giảm calo thông qua chế độ ăn giàu chất đạm hoặc sử dụng kháng sinh có thể ngăn ngừa tăng cân, béo phì trở lại.
Dẫu vậy, TS Vinton thừa nhận phương pháp sử dụng protein để hạn chế nguy cơ tăng cân trở lại sau khi ăn kiêng vẫn còn nhiều hạn chế do còn thiếu dữ liệu.
GS John P. Thyfault, bộ môn Sinh học Tế bào và Sinh lý học, Trung tâm Y tế Đại học Kansas, cho hay vai trò của việc giảm axit mật và sự tăng lên của các loài vi sinh vật Lactobacillus trong quá trình tiêu hóa, hấp thụ chất béo đang nhận được nhiều quan tâm. Tuy nhiên, việc này cần được xác thực thêm ở người.
“Hơn nữa, việc sử dụng men vi sinh để loại bỏ Lactobacillus có thể ảnh hưởng đến những cơ chế khác trong cơ thể”, vị chuyên gia lưu ý.
Mặt khác, TS Keta Pandit, bác sĩ nội tiết, chuyên gia về thuốc béo phì tại Trung tâm điều trị bệnh Tiểu đường và Nội tiết Texas, cho rằng nghiên cứu nói trên chưa tính đến những hành vi của con người khác với chuột.
“Các hành vi như thèm ăn, no, đói… đóng vai trò quan trọng trong quá trình giảm cân, duy trì cũng như tăng cân trở lại. Mặt khác, khi giảm cân, nhiều người cũng tăng cường quá trình vận động, tập luyện. Đây là điều chưa được tính đến”, vị chuyên gia nói.
Theo Quốc Toàn (zing) – Ảnh: T.H