Buồn nôn là cảm giác khó chịu, gây mệt mỏi mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Nguyên nhân thường đến từ ngộ độc, say tàu xe, mang thai, tác dụng phụ của thuốc.
Buồn nôn là cảm giác khi bạn nghĩ rằng có thể nôn. Ảnh: Healthnwell.
Buồn nôn là cảm giác khi bạn nghĩ rằng có thể nôn. Nôn là khi bạn thực sự nôn. Hai triệu chứng này có thể xảy ra cùng nhau. Nhưng đôi khi, một số người cảm thấy buồn nôn mà không nôn. Một số trường hợp lại nôn trước mà không cảm thấy buồn nôn.
Nguyên nhân
Các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:
Ngộ độc thực phẩm: Điều này có thể xảy ra nếu bạn ăn phải thực phẩm đã hỏng. Về cơ bản, nó là một bệnh nhiễm trùng trong dạ dày. Ngộ độc thực phẩm thường cũng gây ra tiêu chảy.
Các bệnh nhiễm trùng khác: Các loại nhiễm trùng khác ảnh hưởng dạ dày hoặc ruột cũng có thể gây buồn nôn và nôn. Chúng bao gồm các bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn khác nhau gây ra.
Chóng mặt hoặc say tàu xe: Điều này có thể xảy ra nếu bạn ở trên tàu thuyền, ôtô hoặc một phương tiện khác đang di chuyển. Nó cũng có thể xảy ra nếu có điều gì đó không ổn bên trong tai, ảnh hưởng sự cân bằng của bạn.
Thuốc: Nhiều loại thuốc khác nhau có thể gây buồn nôn hoặc nôn. Một số ví dụ là thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng sinh, vitamin, thuốc tránh thai và thuốc giảm đau. Những người đang hóa trị để điều trị ung thư hoặc những người được gây mê cũng thường bị buồn nôn hoặc nôn. Đôi khi, những người sử dụng cần sa trong một thời gian dài, bị nôn nhiều lần.
Mang thai: Nhiều người đang mang thai bị buồn nôn hoặc nôn. Đôi khi, hiện tượng này được gọi là ốm nghén, nhưng nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Đây là tình trạng khiến nước trong dạ dày trào ngược lên thực quản, ống nối cổ họng với dạ dày. Đôi khi, chúng có thể gây buồn nôn.
Các vấn đề với dạ dày hoặc ruột: Ở một số người, dạ dày hoặc ruột không di chuyển thức ăn theo cách mà chúng phải làm. Ở những người khác, ruột có thể bị tắc nghẽn. Cả hai vấn đề này đều có thể gây buồn nôn hoặc nôn.
Đau nửa đầu: Một số người bị đau nửa đầu có cảm giác buồn nôn trong khi đau đầu.
Rượu: Uống quá nhiều rượu có thể gây buồn nôn và nôn.
Khi nào cần đi khám?
Bạn nên tham khảo tư vấn của bác sĩ nếu các triệu chứng kéo dài hơn 1-2 ngày hoặc xuất hiện biểu hiện nghiêm trọng. Bạn cũng nên đi khám nếu:
– Đau ngực hoặc bụng
– Nôn ra máu hoặc nôn ra thứ gì đó trông giống như bã cà phê
– Đi ngoài ra máu hoặc phân có màu đen và trông giống như nhựa đường
Bạn nên tham khảo tư vấn của bác sĩ nếu các triệu chứng kéo dài hơn 1-2 ngày hoặc xuất hiện biểu hiện nghiêm trọng. Ảnh: Shutterstock.
– Sốt cao hơn 38,5 độ C
– Đau đầu dữ dội hoặc cứng cổ
– Cảm thấy rất mệt mỏi hoặc khó đứng dậy
– Có dấu hiệu mất nước: Cảm thấy rất mệt mỏi, bồn chồn, rất khát hoặc khô miệng lưỡi, chuột rút cơ bắp, chóng mặt, nước tiểu có màu vàng sẫm hoặc không buồn đi tiểu trong hơn 5 giờ.
Tôi có thể tự làm gì để cảm thấy tốt hơn?
Khi buồn nôn và nôn, bạn nên uống càng nhiều nước càng tốt. Uống từng ngụm nhỏ sau mỗi 15-30 phút. Hãy cố gắng uống nhiều hơn khi bạn bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn.
Khi bị nôn nhiều, cơ thể sẽ mất cả nước và muối. Uống dung dịch có chứa muối có thể giúp thay thế những gì cơ thể bạn đã mất. Ví dụ như dung dịch bù nước và điện giải, đồ uống thể thao, nước canh.
Hãy ăn những thực phẩm loãng như soup. Nếu ổn, bạn có thể thử thức ăn mềm, nhạt. Thực phẩm có nhiều carbohydrate như bánh mì hoặc bánh quy giòn, có thể giúp ổn định dạ dày của bạn. Một số người cũng thấy gừng giúp giảm buồn nôn.
Bạn nên tránh thức ăn có nhiều chất béo. Chúng có thể khiến cơn buồn nôn trở nên tồi tệ hơn. Hãy gọi cho bác sĩ nếu các triệu chứng của bạn quay trở lại khi bạn cố gắng ăn.
Bên cạnh đó, bạn nên tránh mùi mạnh như mùi nước hoa. Nếu cần dùng thuốc, hãy uống trong bữa ăn. Nhưng hãy kiểm tra thuốc trước, một số loại phải uống khi đói.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây buồn nôn và nôn, bạn có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng gây hiện tượng này bằng cách:
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước: Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn từng ở gần một người mắc bệnh. Rửa tay sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã cũng cần được chú ý.
– Chú ý đến an toàn thực phẩm: Bạn không nên sử dụng sữa chưa tiệt trùng, ăn thức ăn chưa nấu chín. Người dân nên rửa dụng cụ nấu ăn, rửa trái cây và rau trước khi ăn, rửa tay kỹ sau khi chạm vào thực phẩm sống.
Theo TS.DS Nguyễn Trang Thúy (zing) – Ảnh: T.H