Nhiều nghiên cứu cho thấy dinh dưỡng, thói quen ăn uống tác động lớn đến sức khỏe răng miệng và có thể ngăn ngừa sâu răng ở trẻ nhỏ.

Chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp trẻ ngừa sâu răng và các vấn đề răng miệng. Ảnh: Healthnews.

Để có hàm răng khỏe mạnh, trẻ cần những thực phẩm bổ dưỡng. Thời điểm tốt nhất để kết hợp các loại thực phẩm lành mạnh vào chế độ ăn của trẻ bắt đầu từ khi mới sinh và trải qua những năm đầu đời.

Việc cha mẹ lựa chọn ăn uống như thế nào sẽ quyết định đến thói quen ăn uống của trẻ khi trưởng thành. Do đó, chế độ ăn uống lành mạnh giúp trẻ đảm bảo bộ răng sữa và răng vĩnh viễn khỏe mạnh, ngừa các vấn đề răng miệng thường gặp như sâu răng.

Mối liên hệ giữa thực phẩm và bệnh răng miệng

Các loại thực phẩm phù hợp cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Dinh dưỡng hợp lý giúp răng hình thành, phát triển và mọc đúng thời điểm. Đây là lý do người lớn cần theo dõi chế độ ăn của con.

Sâu răng

Sâu răng rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Nó có mối liên hệ chặt chẽ với thức ăn và thói quen cho trẻ ăn. Theo chuyên gia trên Healthnews, việc cha mẹ để con vừa ngủ vừa bú sữa có chất tạo ngọt hoặc ngậm núm vú giả nhúng mật ong hoặc sirô là nguyên nhân chính. Sirô và đường có thể dính vào răng của trẻ khi chúng ngủ, có khả năng gây sâu răng cao.

Một số người nghĩ việc sâu răng hồi nhỏ không đáng lo ngại vì đến tuổi nhất định, trẻ sẽ thay răng sữa và có bộ răng mới khỏe mạnh. Tuy nhiên, tác động của thói quen ăn uống gây sâu răng thời nhỏ không dừng lại ở đó. Các nghiên cứu cho thấy rằng nếu răng sữa bị sâu, răng vĩnh viễn cũng dễ bị sâu.

sau rang anh 1

Cho trẻ ngậm ti giả nhúng mật ong hoặc đường lúc ngủ có thể khiến trẻ bị sâu răng sớm. Ảnh: Lovevery.

Răng bị khiếm khuyết và chảy máu nướu răng

Dinh dưỡng đảm bảo khả năng miễn dịch mạnh mẽ và răng chắc khỏe. Các mô mềm xung quanh răng cần chất dinh dưỡng thích hợp để chống nhiễm trùng. Một đứa trẻ suy dinh dưỡng có thể có hàm răng thiếu chắc khỏe, chảy máu nướu răng, xương hàm yếu, khiếm khuyết về cấu trúc của răng và cuối cùng là mất răng.

Mòn răng

Nước ép trái cây có tính axit, trái cây họ cam quýt như chanh và đồ uống có ga đóng hộp có thể làm mòn men răng, khiến trẻ có răng yếu.

Lựa chọn thực phẩm theo độ tuổi của trẻ

Lựa chọn thực phẩm cho trẻ em khác nhau theo từng độ tuổi. Số lượng và loại thực phẩm mà con bạn cần có thể tăng lên theo độ tuổi. Học viện Nha khoa Nhi khoa Mỹ ủng hộ mạnh mẽ các thực hành ăn kiêng sau đây cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Với trẻ 0-1 tuổi, cha mẹ cần cân nhắc những điều sau:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chủ yếu phụ thuộc vào chất lỏng. Nuôi con bằng sữa mẹ là tốt do nó có giá trị dinh dưỡng cao. Đây cũng là khuyến cáo để trẻ phát triển khả năng miễn dịch. Tốt nhất, mẹ nên tránh cho con bú nhiều lần trong đêm để giảm nguy cơ trẻ sâu răng từ nhỏ.
  • Không nên cho trẻ sơ sinh uống nước trái cây trước một tuổi.
  • Không cho con vừa ngủ vừa uống nước từ bình tập uống hay ngậm vú giả nhúng đường hay bình sữa. Nếu trẻ không chịu ngủ khi không có bình nước hay bình sữa, cha mẹ có thể cho nước thường vào bình.
  • Cho con uống nước lọc đã fluoride hoá khi được 6 tháng tuổi.
  • Trong trường hợp trẻ phải uống thuốc dạng sirô, cha mẹ nên chọn loại không đường.

Dưới đây là những lời khuyên cho những người có con trên một tuổi:

  • Hình thành lịch ăn cho con, tập trung vào thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và hạn chế đường
  • Bao gồm đủ từ 5 loại thực phẩm thiết yếu (trái cây, rau, protein, ngũ cốc, sữa). Sữa và nước lọc là những thức uống an toàn nhất.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc sớm với thức ăn và đồ uống ngọt để tránh con phát triển sở thích ăn đồ ngọt. Để giảm nguy cơ sâu răng ở trẻ em, hãy giữ lượng đường tiêu thụ dưới 5% tổng lượng calo.

Để chọn thức ăn phù hợp cho răng của trẻ, cha mẹ cần chọn thức ăn phù hợp thông qua việc đọc nhãn thực phẩm để biết thành phần. Bên cạnh đó, gia đình nên lưu ý những khuyến nghị về chế độ ăn uống theo độ tuổi.

sau rang anh 2

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng cho trẻ. Ảnh: WSU.

Ngoài ra, cha mẹ cần đảm bảo bữa ăn của con giàu dinh dưỡng. Ngay khi trẻ sẵn sàng ăn dặm, cha mẹ hãy cho trẻ ăn trái cây tươi, rau, các sản phẩm từ sữa (sữa, phô mai, sữa chua), ngũ cốc nguyên hạt trong các bữa ăn hàng ngày. Trẻ cũng nên uống đủ nước.

Chuyên gia lưu ý các bậc phụ huynh hạn chế cho đường vào khẩu phần ăn của trẻ. Đối với trẻ 2-18 tuổi, lượng đường bổ sung nên giới hạn ở mức 6 thìa cà phê (dưới 25 gram). Trong khi đó, với trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ nên hạn chế tất cả đồ ăn, thức uống có đường bổ sung.

Phụ huynh cũng cần giúp con hình thành thói quen ăn vặt lành mạnh. Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em có nguy cơ mắc sâu răng sữa khi chúng ăn nhiều hơn 3 món ăn nhẹ có đường giữa các bữa ăn chính. Tập cho con bạn thói quen lựa chọn đồ ăn nhẹ lành mạnh và tránh đồ ăn vặt là điều cần thiết để bảo vệ răng miệng, ngừa sâu răng.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên hạn chế đường trong bữa ăn của trẻ. Chocolate, caramel, kẹo, thanh ngũ cốc, nước ngọt tăng lực, nước ngọt có ga có thể làm tăng nguy cơ sâu răng mỗi khi con ăn chúng giữa các bữa ăn. Vì thế, phụ huynh cần tránh cho con ăn những đồ ăn này hoặc đảm bảo con chỉ ăn chúng trong bữa ăn chính.

Tăng cường vitamin và vi chất dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Vitamin A, B, C, D, canxi và phốt pho là những chất dinh dưỡng chính giúp răng, nướu, xương hàm chắc khỏe. Cha mẹ nên đảm bảo tối ưu hóa cấp độ của những chất này khi trẻ lớn lên.

Cha mẹ cần chú ý đến chất florua. Trẻ có thể giảm tới 60% khả năng bị sâu răng nếu sử dụng kem đánh răng có chất florua và uống đồ uống có chất này. Tuy nhiên, gia đình cần tham khảo người có chuyên môn để biết lượng florua phù hợp với con.

Ngoài ra, người lớn nên đảm bảo trẻ uống đủ nước. Nước giúp duy trì độ pH trung tính trong miệng, ngăn ngừa tích tụ thức ăn và mảng bám.

Chuyên gia cũng khuyên phụ nên để trẻ nhai thức ăn. Điều này làm cho cơ hàm hoạt động và trở nên khỏe mạnh.

Để đảm bảo sức khỏe răng miệng cho con, phụ huynh cần cẩn thận khi con mọc răng. Hầu hết trẻ mọc răng lúc khoảng 6 tháng tuổi. Ở giai đoạn này, trẻ có thể chán ăn. Vì vậy, tốt nhất, người lớn nên cho con ăn thức ăn xay nhuyễn và dùng thìa để tránh tác động lên nướu.

Cuối cùng, cha mẹ nên khuyến khích con phát triển thói quen ăn uống lành mạnh để chống sâu răng và các bệnh về răng miệng. Một chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng, cùng với đánh răng, dùng chỉ nha khoa có thể giúp giữ cho răng trẻ chắc khỏe.

Theo Nguyên Lê (zing) – Ảnh: T.H