Những người hay hút thuốc hoặc mắc các vấn đề sức khỏe như lao, viêm phế quản, ung thư phổi có thể bị ho kéo dài, lâu khỏi và nghiêm trọng hơn bình thường.
Mọi người thường bị ho do cảm lạnh, tuy nhiên, nó sẽ khỏi trong vòng 3 tuần. Thật không may, một số người có thể bị ho kéo dài do nhiều yếu tố gây ra. Ho kéo dài hoặc mạn tính kéo dài trên 8 tuần ở người lớn hoặc 4 tuần ở trẻ em.
Các biện pháp tự nhiên như uống trà với mật ong hoặc thuốc không kê đơn có thể giúp giảm ho, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Dưới đây là một số lý do có thể khiến bạn ho không ngừng và kéo dài.
Mắc bệnh nhiễm trùng trước đó
Theo India Times, ngay cả sau khi bạn hết cảm lạnh hoặc cúm, triệu chứng ho có thể mất nhiều thời gian hơn để khỏi. Trong thời gian đó, phổi lành lại và các thụ thể ho mới được tạo ra. Ho là cách cơ thể bạn làm sạch phổi với mục đích chữa bệnh.
Mắc Covid-19 cũng có thể dẫn đến viêm phổi và ho khan. Ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và là nguyên nhân gây ho mạn tính ít được biết đến. Chủng ngừa thời thơ ấu có thể ngăn ngừa ho gà nhưng sức đề kháng của bạn có thể suy giảm khi già đi.
Chảy nước mũi sau
Theo Webmd, tiến sĩ Panagis Galiatsatos, bác sĩ y học về phổi và chăm sóc tích cực tại trường Y khoa Johns Hopkins (Mỹ), cho biết mũi của bạn là một trong những điểm tiếp xúc đầu tiên giữa cơ thể và môi trường. Mọi bệnh nhiễm trùng và chất gây dị ứng, như mạt bụi và phấn hoa, đều xâm nhập vào đó.
Còn được gọi là hội chứng ho đường hô hấp trên, chảy nước mũi sau là nguyên nhân phổ biến gây ho dai dẳng. Khi virus, dị ứng, bụi, hóa chất hoặc viêm kích ứng màng mũi, chúng sẽ tạo ra chất nhầy chảy ra từ mũi và xuống cổ họng. Điều này khiến bạn ho, đặc biệt là vào ban đêm khi bạn nằm xuống.
Hút thuốc
Các hóa chất và hạt trong khói thuốc lá có thể gây kích ứng cổ họng, dẫn đến ho mạn tính. Hút thuốc cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của những vấn đề khác gây ho, chẳng hạn hen suyễn và nhiễm trùng đường hô hấp.
Ho ở người hút thuốc cũng có thể là một trong những dấu hiệu ban đầu của các vấn đề sức khỏe như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Ngoài ra, bạn nên tránh xa người hút thuốc, không tiếp xúc với khói thuốc thụ động vì nó cũng có thể dẫn đến ho, thở khò khè và khó thở.
Người hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động dễ bị ho kéo dài, thở khò khè và khó thở. Ảnh: Medicalnewstoday.
Hen suyễn
Căn bệnh này là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ho mạn tính – và không chỉ ở trẻ em. Khi bạn bị hen suyễn, các cơ xung quanh đường thở thắt lại, niêm mạc đường thở sưng lên và các tế bào trong đường thở tiết ra chất nhầy đặc.
Ho do hen suyễn là cách cơ thể cố gắng đưa không khí vào những khu vực hạn chế đó. Nó được kích hoạt bởi nhiễm trùng, thời tiết, dị ứng, khói thuốc lá, thuốc men và thậm chí cả tập thể dục và cảm xúc.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Khi bạn mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), một dải cơ yếu xung quanh phần dưới của thực quản sẽ cho phép axit dạ dày quay trở lại thực quản thay vì đưa nó xuống dạ dày.
“Nó không nhất thiết phải là một đợt trào ngược lớn ở phía sau cổ họng. Đó thực sự là hơi axit trong dạ dày, chúng rất mạnh. Những làn khói đó liên tục thoát ra khỏi dạ dày và khi bạn hít vào, chúng sẽ kích thích phổi”, tiến sĩ Galiatsatos cho biết.
Ợ nóng và đau ngực là những triệu chứng phổ biến của GERD, mặc dù bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng nào ngoài ho.
Viêm phế quản
Đây là loại nhiễm trùng khiến đường dẫn khí của phổi, được gọi là phế quản, bị kích ứng và viêm. Điều này có thể gây ra ho khan, cũng kèm theo tiết ra chất nhầy trong, xanh lá cây hoặc xám vàng. Nó cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự cảm lạnh thông thường, bao gồm đau họng, sổ mũi hoặc đau đầu.
Các yếu tố rủi ro, chẳng hạn hút thuốc và tiếp xúc với khói, hóa chất hoặc chất ô nhiễm, có thể khiến bạn dễ bị viêm phế quản mạn tính hơn, dẫn đến ho kéo dài.
Bệnh lao
Lao là bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, chủ yếu ảnh hưởng đến phổi. Ho kéo dài từ 3 tuần trở lên có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lao. Ho ra máu hoặc chất nhầy cũng có thể do lao. Tuy nhiên, nó cũng có thể là ho khan.
Các triệu chứng khác của bệnh lao bao gồm đau ngực, sụt cân không chủ ý, mệt mỏi, sốt, đổ mồ hôi ban đêm, ớn lạnh và chán ăn. Ngoài phổi, bệnh lao cũng có thể ảnh hưởng các bộ phận khác trên cơ thể như thận, cột sống hoặc não.
Ung thư phổi
Căn bệnh này có thể dẫn đến ho không giảm hoặc thậm chí trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Ngoài ho, bệnh nhân ung thư phổi còn có thể bị đau ngực, thở khò khè, khó thở hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân. Một số người có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi ung thư tiến triển. Tuy nhiên, điều quan trọng là đừng vội chẩn đoán mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước.
Theo Phương Mai (zing) – Ảnh: T.H