Ban đầu chỉ sử dụng nước tăng lực, đồ uống có đường với mục đích giảm căng thẳng hoặc xã giao, nhiều người giờ đây lại nghiện và dần phụ thuộc vào loại thức uống này.
Nhiều người hiện nay có thói quen uống đồ uống có đường vô tội vạ dù biết gây hại đến sức khỏe. Ảnh: iStock.
Đang trong giai đoạn ôn thi tốt nghiệp THPT nước rút, Trần Hiếu (18 tuổi, Nghệ An) duy trì mỗi ngày uống một lon nước tăng lực 355 ml nhằm “lấy sức” học mà không lo buồn ngủ. Cậu cho hay mình học được mẹo này từ các youtuber nổi tiếng trên mạng.
Uống nước tăng lực để ôn thi, uống trà sữa vì nghiện
Vài tháng gần đây, Hiếu bắt đầu uống nước tăng lực vào khung giờ 23h hàng ngày. Theo cậu, đây là khung giờ dễ mất sức vì buồn ngủ nên cần bổ sung năng lượng. Với Hiếu, nước tăng lực là thức uống duy nhất giúp chống buồn ngủ do cậu bị dị ứng caffeine, không thể uống cà phê thay thế.
Ngoài ra, trong ngày, nếu hôm nào không ngủ trưa, Hiếu cũng sẽ uống một lon nước tăng lực vào đầu giờ chiều. Dù biết uống quá nhiều nước ngọt không tốt cho sức khỏe, Hiếu vẫn “nhắm mắt uống đại” vì sợ cơn buồn ngủ làm ảnh hưởng đến năng suất học tập.
“Sau khi uống khoảng nửa tháng, em bắt đầu thấy nghiện. Cứ vào đúng khung giờ sau 23h, em bắt đầu thấy buồn ngủ và thèm ngọt. Dù đã thử ăn mỳ, bánh để thay thế, em vẫn muốn uống thêm nước ngọt cho đỡ buồn miệng”, Hiếu cho hay.
Tương tự Trần Hiếu, Ánh Tuyết (23 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) cũng có thói quen uống đồ ngọt gần như hàng ngày.
Mỗi ngày đi làm, cứ vào giữa buổi chiều, Tuyết được đồng nghiệp rủ mua trà sữa, trà hoa quả… cùng uống. Ban đầu, Tuyết còn có vài lần từ chối, nhưng sau một thời gian ngắn, cô dần quen với việc nạp đường vào mỗi buổi chiều.
“Có hôm, đồng nghiệp mình quên rủ, mình sẽ là người rủ mọi người cùng đặt trà sữa về uống”, cô chia sẻ.
Tuyết cho hay với cô, việc uống đồ ngọt vào mỗi buổi chiều giờ đây gần như trở thành thói quen khó bỏ. Cô cho hay các loại trà sữa, trà hoa quả mình thường uống giúp cô tỉnh táo làm việc do chứa nhiều trà và đường bên trong.
Mỗi lần đặt đồ uống, Tuyết luôn hạn chế lượng đường trong mỗi ly ở mức 50%. Mặc dù thế, lâu dần, cô nhận ra mình vẫn xuất hiện hiện tượng tăng cân, số đo vòng 2 tăng lên vì tích mỡ.
Tuy vậy, cô vẫn không nỡ từ bỏ các “bữa tiệc trà sữa” với công ty một phần vì cho rằng đây là cách xây dựng và kết nối mối quan hệ với đồng nghiệp, một phần khác vì khó kiềm chế được cơn thèm ngọt trong người.
Vì sao có hiện tượng nghiện đường?
Theo chia sẻ, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Trưởng Ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Tổng hội Y học Việt Nam, cho hay mức tiêu thụ nước giải khát (loại đồ uống có đường phổ biến nhất) ở Việt Nam đã tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua, từ bình quân 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017, nhất là ở nhóm trẻ tuổi.
Mức tiêu thụ nước giải khát bình quân đầu người đã tăng lên 52,1 lít/người vào năm 2020. Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh cho thấy tỷ lệ nhóm 13-17 tuổi uống nước ngọt có gas thường xuyên nhiều hơn một lần/ngày trong năm 2013 là 31,1% và tăng lên 33,9% năm 2019.
Theo bác sĩ Lâm Vạn Phong, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), nước ngọt có gas, nước tăng lực có khả năng cung cấp năng lượng nhưng không thể cung cấp dinh dưỡng do chỉ chứa năng lượng rỗng, không chứa bất kỳ chất dinh dưỡng nào.
Điều này có thể khiến người dùng tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa chậm như tiểu đường, máu nhiễm mỡ, tim mạch hoặc vấn đề nha chu như sâu răng.
“Những thức uống này chứa nhiều năng lượng nhưng không có tác dụng làm no. Nếu mọi người vừa uống nước ngọt vừa ăn cơm trong thời gian dài có thể xuất hiện tình trạng dư thừa năng lượng nạp vào, gây tăng cân. Ngược lại, nếu mọi người chỉ uống mà không ăn vẫn sẽ bị thiếu chất dinh dưỡng”, bác sĩ này chia sẻ.
Chứa nhiều calo rỗng, nước ngọt có gas có vị ngọt, lại không gây no, khiến người dùng ăn ngon hơn. Ảnh: iStock.
Giải thích rõ hơn về hiện tượng này, bác sĩ Phong cho biết đường trong nước tăng lực là đường nhanh, cơ thể có thể chuyển hóa loại đường này thành năng lượng ngay lập tức. Tuy nhiên, nước tăng lực lại không có enzyme hay vitamin giúp chuyển hóa đường. Điều này khiến cơ thể phải lấy enzyme trong đường ruột để thay thế. Tình trạng này xảy ra lâu ngày sẽ khiến cơ thể bị cạn enzyme.
Ngoài ra, khi nạp đường vào cơ thể, não sẽ tiết hormone endorphin, hay còn được biết là “hormone hạnh phúc”. Việc tiêu thụ nước ngọt đều đặn rất dễ khiến con người quen với mức độ endorphin cao, từ đó gây nghiện đường.
“Trong trường hợp này, nước ngọt không có hại bằng thói quen uống nước ngọt mỗi ngày”, bác sĩ Phong nhận định.
Đối với thói quen phải dùng nước tăng lực khi làm việc của một số người, chuyên gia này cho hay đây là một “biện pháp cứu hộ tạm thời”, việc này chỉ mang lại cái lợi trước mắt là giúp tỉnh táo chứ không có lợi lâu dài.
Theo đó, chuyên gia này khuyến khích mọi người nên sắp xếp công việc hợp lý để cân đối công việc và sức khỏe thay vì phụ thuộc vào đồ uống gây hại cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, mỗi người chỉ nên nạp 25 gram đường/ngày, đặc biệt không nên nạp đường từ các thực phẩm công nghiệp như bánh kẹo hay nước ngọt.
“Chúng ta có thể nạp lượng đường nói trên từ tinh bột, rau củ quả trong bữa ăn hàng ngày. Nếu quá thèm ngọt, mọi người có thể lựa chọn ăn hoa quả thay vì các thực phẩm công nghiệp. Hoa quả có lượng đường vừa phải, nhiều vitamin và chất xơ, tăng cảm giác no bụng cho người ăn, từ đó hạn chế lượng thức ăn nạp vào gây tăng cân”, bác sĩ Phong nói.
Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo để ngăn ngừa béo phì và sâu răng, người lớn và trẻ em nên giảm tiêu thụ đường tự do xuống dưới 10% năng lượng hàng ngày, tương đương với 12 thìa cà phê đường.
Hướng dẫn của WHO cũng đề xuất mỗi người tốt nhất nên giảm thêm lượng đường tự do ăn vào xuống dưới 5% (6 thìa cà phê đường) trong tổng năng lượng nạp vào hàng ngày.
Theo Bích Huệ – Linh Thùy (zing) – Ảnh: T.H