Bạn có thấy khó ngủ hoặc bị mất ngủ vào mùa hè không? Dưới đây là những lời khuyên hiệu quả giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ khi thời tiết nóng bức.

Nhiều người cảm thấy khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc khi thời tiết quá nóng vào mùa hè. Ảnh: Flocon.

Bạn có cảm thấy mệt mỏi và ít năng lượng hơn trong những tháng hè nóng bức? Có nhiều yếu tố có thể góp phần gây ra tình trạng uể oải trong mùa hè và suy giảm chất lượng giấc ngủ là một trong số đó. Nếu bạn trằn trọc, thức dậy vào nửa đêm hoặc ngủ không sâu giấc, điều đó có thể khiến bạn buồn ngủ cả ngày và giảm năng suất làm việc.

Nguyên nhân thời tiết nóng gây khó ngủ

Theo Hindustan Times, lý do mọi người thường khó ngủ vào mùa hè là nhiệt độ tăng, sự thay đổi của hoàng hôn và bình minh có thể ảnh hưởng đến thời lượng, chất lượng giấc ngủ. Vì ngày dài hơn, việc sản xuất melatonin cũng bị ảnh hưởng, góp phần gây ra các vấn đề về giấc ngủ trong mùa hè. Nhiệt cũng có thể khiến bạn khó ngủ nếu phòng không đủ mát.

“Vấn đề trong mùa hè là do thời gian ban ngày dài hơn, thời gian tiết melatonin ngắn hơn so với mùa đông. Khi mặt trời mọc, quá trình tiết melatonin ngừng lại để cơ thể chuẩn bị cho ngày mới. Đây là một trong những lý do khiến bạn có thể thức giấc sớm và ngủ ít hơn một chút vào mùa hè”, tiến sĩ Murarji Tanaji Ghadge, chuyên gia về Tai Mũi Họng & Rối loạn giấc ngủ tại Phòng khám Ruby Hall (Ấn Độ), cho biết.

Sự gia tăng nhiệt độ và sự thay đổi của hoàng hôn và bình minh cũng ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng giấc ngủ. Thời gian chiếu sáng dài hơn có thể khiến bạn khó đi ngủ sớm hơn và sức nóng có thể khiến bạn khó ngủ. Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ khuyến nghị bạn nên sử dụng máy điều nhiệt trong khoảng từ 15,5 đến 19,4 độ C để có giấc ngủ lý tưởng.

Trong khi đó, tiến sĩ Meenakshi Jain, trợ lý Giáo sư khoa Tâm thần, Bệnh viện Amrita, Faridabad (Ấn Độ), chia sẻ tác động đa chiều của giấc ngủ đối với đời sống con người khiến nó trở thành một trong những chức năng sinh học quan trọng nhất mà chúng ta quan tâm. Chế độ ngủ tốt hơn rất cần thiết cho cơ thể và tâm trí khỏe mạnh.

Ngoài ra, giấc ngủ bị rối loạn có thể dẫn đến tăng nguy cơ trầm cảm, lo lắng, khó chịu vào ban ngày, giảm hiệu suất làm việc và thay đổi khả năng nhận thức.

Giac ngu khi troi nong anh 1

Nhiệt độ có thể khiến bạn khó ngủ nếu phòng ngủ không đủ mát. Ảnh: Condenasttravellers.

Ngủ ngon vào mùa hè

Tiến sĩ Jain gợi ý những mẹo sau để có giấc ngủ ngon hơn vào mùa hè:

Dành thời gian để hạ nhiệt: Mặc quần áo thoáng khí như cotton khi đi ngủ. Tắm trước khi đi ngủ có thể giúp hạ nhiệt độ cơ thể và cũng giúp thư giãn. Bạn cũng nên giữ nhiệt độ ban đêm của phòng ngủ thấp đồng thời đảm bảo phòng được thông gió tốt.

Giảm ánh sáng trong phòng vào buổi tối: Giảm tiếp xúc với ánh sáng vào buổi tối có thể giúp chuẩn bị cho cơ thể bạn đi vào giấc ngủ. Đồng thời đảm bảo tắt các thiết bị điện tử phát sáng như TV, máy tính, điện thoại di động… để tránh cản trở quá trình sản xuất melatonin của cơ thể.

Lối sống lành mạnh: Tránh tập thể dục gắng sức, ăn nhiều bữa và đồ uống chứa cồn như đồ uống lạnh, cà phê… vào buổi tối.

Giờ đi ngủ: Duy trì lịch trình ngủ và thức phù hợp. Tránh ngủ trưa ban ngày quá nhiều cũng có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ vào ban đêm.

Khám sức khỏe: Rối loạn giấc ngủ thường là một phần của các bệnh tiềm ẩn không được điều trị như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực… Nếu không được kiểm tra và điều trị sớm, chúng có thể làm phát sinh hoặc làm trầm trọng thêm chứng mất ngủ vốn có. Vì vậy, nếu bạn đang làm mọi cách để cải thiện giấc ngủ nhưng vẫn không thành công, đừng quá khắt khe với bản thân và hãy đi khám để được tư vấn và kiểm tra cụ thể.

Tiến sĩ Ghadge đề nghị mọi người cần lưu ý những điều cần nhớ trước khi đi ngủ:

  • Giữ cho cơ thể đủ nước.
  • Hạn chế không khí nóng vào nhà và phòng ngủ bằng cách đóng cửa sổ. Đóng rèm/màn vào ban ngày khi nhiệt độ tăng. Giữ độ ẩm ở mức hoặc dưới 50-60%.
  • Tránh tập thể dục gắng sức, ăn nhiều và uống rượu ít nhất 3-4 giờ trước khi đi ngủ.
  • Sử dụng các phụ kiện làm mát khi ngủ như gối, khăn trải giường và đồ ngủ làm từ sợi tự nhiên như bông, len nhẹ, lụa hoặc vải tre thay vì các vật liệu tổng hợp như polyester.

Theo Phương Mai (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: www.giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link