Đổ mồ hôi nhiều có thể do thay đổi nội tiết tố, tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc không có nguyên nhân cụ thể, có thể xử lý bằng uống thuốc theo đơn hoặc tiêm botox.

Đổ mồ hôi quá mức có thể ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày nếu không được xử lý. Ảnh: koruhastanesi
Đổ mồ hôi quá mức có thể ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày nếu không được xử lý. Ảnh: koruhastanesi

Nguyên nhân đổ mồ hôi quá mức

Đổ mồ hôi là quá trình tự nhiên của cơ thể để điều chỉnh nhiệt độ, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Thông thường, khi nước mồ hôi bốc hơi, bề mặt da của bạn sẽ lạnh hơn, khiến cơ thể mát hơn.

Trong điều kiện nóng bức, chúng ta có xu hướng đổ mồ hôi nhiều hơn. Tuy nhiên, một số người phải vật lộn với tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều hằng ngày bất kể nhiệt độ bên ngoài ra sao. Theo tiến sĩ David Jack, các yếu tố dưới đây có thể khiến bạn dễ ra mồ hôi hơn:

– Thay đổi nội tiết tố

– Thói quen lối sống, như tiêu thụ quá nhiều rượu hoặc caffein

– Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức)

– Sốt hoặc bệnh tật

Jack giải thích rằng mặc dù đổ mồ hôi là bình thường, đôi khi các tuyến chịu trách nhiệm giải phóng mồ hôi có thể hoạt động quá mức và tiết ra nhiều chất lỏng hơn mức cần thiết. Tình trạng này được gọi là đổ mồ hôi quá nhiều, hoặc tăng tiết mồ hôi, và có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể hoặc chỉ một số vùng nhất định, bao gồm nách, lòng bàn tay, lòng bàn chân và mặt.

Tiến sĩ Jack cho biết: “Tăng tiết mồ hôi là một tình trạng bệnh lý đổ mồ hôi quá mức bình thường và liên quan đến việc đổ mồ hôi quá nhiều. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày của một người, dẫn đến sự ngượng ngùng trong xã hội, giảm sự tự tin và cản trở các hoạt động hàng ngày”.

Theo Express, tăng tiết mồ hôi có hai dạng chính nguyên phát và thứ phát.

Tăng tiết mồ hôi nguyên phát là loại phổ biến nhất, không có nguyên nhân bệnh lý tiềm ẩn và luôn được di truyền; trong khi dạng thứ phát xảy ra do tình trạng tiềm ẩn hoặc thậm chí là do thuốc.

Xử lý tăng tiết mồ hôi như thế nào?

Theo chuyên gia, có nhiều phương pháp điều trị và can thiệp có thể giúp xử lý chứng tăng tiết mồ hôi.

Tiến sĩ Jack giải thích rằng thuốc chống mồ hôi theo toa có chứa nhôm clorua hexahydrate hoạt động bằng cách ngăn chặn tạm thời các tuyến mồ hôi của bạn là một trong những cách khắc phục phổ biến nhất đối với tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều.

Một lựa chọn không xâm lấn khác là quy trình điện di ion, bao gồm ngâm vùng bị đổ mồ hôi quá nhiều trong nước và truyền một dòng điện yếu qua đó. “Quy trình này giúp tạm thời chặn các tuyến mồ hôi”, tiến sĩ Jack cho biết thêm.

Ngoài ra, tiêm botox cũng là một phương pháp điều trị phổ biến đối với chứng tăng tiết mồ hôi, đặc biệt là đối với vùng nách của bạn.

Bác sĩ cho biết: “Botox hoạt động bằng cách ngăn chặn các tín hiệu thần kinh kích thích tiết mồ hôi, giúp giảm đổ mồ hôi trong vài tháng”.

Nếu cho rằng mình đổ mồ hôi quá nhiều, bạn nên nói chuyện với bác sĩ, người có thể đưa ra chẩn đoán chính xác và đề xuất một kế hoạch điều trị cá nhân hóa cho bạn.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link