Viêm tiểu phế quản dễ xuất hiện và triệu chứng nặng hơn ở trẻ có sức đề kháng kém như đẻ non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng bào thai, mắc bệnh phổi mạn tính.

Viêm tiểu phế quản là bệnh lý cấp tính. Ảnh: Timenews.

Viêm tiểu phế quản là bệnh lý cấp tính do viêm các phế quản cỡ nhỏ và trung bình đường hô hấp dưới xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.

Điều dưỡng Lê Thị Vân Anh, khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cho biết mỗi trẻ bị ít nhất một lần vào thời kỳ còn nhỏ. Theo thống kê tại Mỹ, gần 120.000 trẻ nhập viện/năm. Việt Nam có nhiều thống kê khác nhau, trong đó tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) có khoảng 6.000 trẻ/năm (trong đó 45-50% trẻ phải nhập viện).

Bệnh thường mắc vào mùa đông tại miền Bắc (tháng 10, 11, 12) và miền Nam vào mùa mưa (tháng 7, 8). Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, thậm chí là tử vong.

Các căn nguyên gây bệnh phổ biến hay gặp là virus. Điển hình là RSV (Respiratory Syncitial Virus) chiếm đến 50-70%, có khả năng lây lan rất cao, có thể thành dịch. Các nhóm nguyên nhân khác như Adenovirus, virus cúm, Mycoplasma pneumoniae, Rhino virus…

Bệnh dễ xuất hiện và triệu chứng nặng hơn ở trẻ có sức đề kháng kém như đẻ non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng bào thai, mắc bệnh phổi mạn (đã được thở máy và thở oxy kéo dài), có các bệnh lý bẩm sinh…

Triệu chứng

Theo các bác sĩ khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, TP.HCM, bệnh khởi phát như viêm hô hấp trên, ho, sổ mũi, sốt nhẹ…. Sau đó, trẻ có triệu chứng khò khè, thở nhanh nông, bú càng ngày càng kém, bỏ bú, quấy khóc, thở mệt hơn, da tái và tím. Diễn tiến suy hô hấp nặng nếu không kịp thời điều trị.

Khi trẻ mắc viêm tiểu phế quản, cha mẹ nên chú ý điều trị:

  • Cho trẻ uống nước thường xuyên và từng ngụm nhỏ để làm loãng đờm, dịu ho.
  • Cho trẻ nằm đầu cao.
  • Cho trẻ ăn ít và nhiều lần.
  • Điều chỉnh nhiệt độ phòng vừa phải.
  • Cho trẻ uống paracetamol nếu trẻ sốt.
  • Chú ý rửa tay sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ.
  • Không nên cho trẻ uống thuốc chống ho khi trẻ có nhiều đàm, bạn nên vỗ lưng nhẹ khuyến khích trẻ ho để có thể tống đàm ra.
  • Không được có khói thuốc lá trong phòng trẻ.
  • Không tự mua thuốc kháng sinh.

Các dấu hiệu nặng của bệnh:

  • Trẻ sốt cao, khó hạ.
  • Quấy khóc, bứt rứt
  • Thở nhanh, mệt, khó thở, thở co lõm ngực hoặc phập phồng cánh mũi.
  • Da tím tái.
  • Trẻ bỏ bú.
  • Nôn ói nhiều, không uống được nhiều nước.

Khi thấy các biểu hiện như trên, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Bệnh khởi phát như viêm hô hấp trên, ho, sổ mũi, sốt nhẹ…. Ảnh: Payamesalamat.

Khi điều trị tại bệnh viện, trẻ cần:

  • Hút đờm dãi, thông thoáng đường thở cho trẻ.
  • Cho trẻ thở oxy (nếu trẻ khó thở).
  • Đảm bảo đủ dinh dưỡng, cung cấp đủ nước.
  • Truyền dịch nếu trẻ không bú được.
  • Dùng khí dung nước muối hoặc thuốc giãn phế quản khi bệnh nhân khò khè, co thắt nhiều.
  • Dùng kháng sinh ở những bệnh nhi có bội nhiễm phổi

Cách phòng tránh bệnh

Đây việc rất quan trọng và cần thiết. Trẻ cần được bú mẹ đầy đủ. Theo khuyến cáo, trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú tới khi trẻ 24 tháng tuổi. Trẻ cần tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

Cha mẹ nên đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong thành phần ăn cho trẻ: Chất đạm, chất béo, gluxit, vitamin, muối khoáng… Vào giai đoạn trời lạnh hoặc giao mùa, phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ.

Ngoài ra, các bà mẹ cần chú ý ngay từ trong thời gian mang thai: Khám thai định kỳ, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lao động hợp lý để đảm bảo trẻ sinh ra đủ tháng, đủ cân nặng.

Hãy cho trẻ tránh xa khói thuốc lá. Cuối cùng, bạn nên cách ly những người đang bị bệnh hoặc rửa tay, đeo khẩu trang trước khi chăm sóc trẻ.

Theo Phương Anh (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link