Đường Splenda, chất làm ngọt nhân tạo được nhiều người lựa chọn để giảm cân, có thể gây ra một số ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, bao gồm cả việc làm hỏng ADN.
Sucralose, thành phần chính trong đường ăn kiêng Splenda, thường được thêm vào nước ngọt ăn kiêng, bánh nướng, kẹo cao su, gelatin và món tráng miệng đông lạnh. Nó thậm chí còn được tìm thấy trong các sản phẩm thuốc như Tylenol, Pepcid và thuốc cảm cúm. Theo NY Post, Splenda có độ ngọt gấp 600 lần đường mía và hiện là chất tạo ngọt được bán nhiều nhất ở Mỹ, với doanh số gần gấp đôi đối thủ Sweet’n Low.
Tuy nhiên, sucralose được phát hiện là chất gây độc gen, có thể phá vỡ ADN trong nhiễm sắc thể và dẫn đến ung thư, theo nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Độc chất học và Sức khỏe Môi trường.
Trong cơ thể con người, sucralose phân hủy thành một hợp chất gọi là sucralose-6-acetate, có thể làm hỏng niêm mạc ruột.
“Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng sucralose có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe đường ruột, vì vậy chúng tôi muốn xem điều gì có thể xảy ra”, Susan Schiffman, tiến sĩ, tác giả nghiên cứu và giáo sư phụ trợ tại Đại học Bang North Carolina, cho biết trong một thông cáo báo chí.
Kết quả cho thấy sucralose-6-acetate làm “tăng đáng kể biểu hiện của các gen liên quan đến chứng viêm, stress oxy hóa và ung thư”.
“Các nghiên cứu trong ống nghiệm của chúng tôi đã sử dụng mô người, vì vậy những phát hiện này có liên quan trực tiếp đến cơ thể con người”, Schiffman nói thêm.
Nghiên cứu mới cũng bổ sung cho nghiên cứu trước đó rằng sucralose và sucralose-6-acetate có thể gây tổn thương đường ruột.
“Khi cho sucralose và sucralose-6-acetate tiếp xúc với các biểu mô ruột, chúng tôi nhận thấy cả hai hóa chất đều gây ra tình trạng ‘rò rỉ ruột’. Về cơ bản, chúng làm cho thành ruột dễ thấm hơn. Điều này có nghĩa thay vì được thải ra theo phân, những thứ bạn tiêu thụ bị rò rỉ ra khỏi ruột và hấp thụ thẳng vào máu”, tiến sĩ Schiffman nói.
Theo ông Schiffman, các nghiên cứu khoa học độc lập cho thấy việc tiêu thụ sucralose có thể làm hỏng màng tế bào của ruột và gây ra hội chứng ruột kích thích.
Tuy nhiên, nhà sản xuất chất làm ngọt nhân tạo khẳng định sản phẩm của họ an toàn.
“Sucralose đã trải qua một trong những chương trình thử nghiệm rộng rãi và kỹ lưỡng nhất được tiến hành đối với bất kỳ chất phụ gia thực phẩm nào trong lịch sử, dẫn đến sự đồng thuận trong cộng đồng khoa học về tính an toàn”, một đại diện của Hiệp hội Chất tạo ngọt Quốc tế nói với Newsweek.
Một số chuyên gia y tế cũng đặt câu hỏi về kết quả của nghiên cứu mới. Tiến sĩ John Damianos thuộc bệnh viện Trường Y Yale cho biết: “Những phát hiện này có khả năng gây lo ngại và đáng được nghiên cứu thêm. Nó không phản ánh tác động của việc thỉnh thoảng hoặc thậm chí thường xuyên ăn thực phẩm, đồ uống có đường sucralose đối với sức khỏe”.
Tuy nhiên, chất làm ngọt nhân tạo đã được xem xét kỹ lưỡng trong nhiều năm và một số nghiên cứu cũng liên kết sản phẩm này với rủi ro sức khỏe.
Một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên tạp chí Cell Metabolism cho thấy sucralose kết hợp với carbohydrate (giống như trong bánh ngọt) có thể nhanh chóng biến một người khỏe mạnh thành người có lượng đường trong máu cao, Washington Post đưa tin.
Tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo không nên sử dụng chất làm ngọt nhân tạo như Splenda để kiểm soát cân nặng.
“Việc sử dụng chất làm ngọt nhân tạo ‘không mang lại bất kỳ lợi ích lâu dài nào trong việc giảm mỡ cơ thể ở người lớn hoặc trẻ em’ và ‘có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch và tử vong ở người lớn'”, WHO nhận định.
Xem xét rủi ro của tất cả các chất làm ngọt, cả nhân tạo và tự nhiên, được thêm vào các thực phẩm, tiến sĩ Damianos khuyến khích mọi người cân nhắc các lựa chọn lành mạnh, ít hoặc không đường.
“Thay vì soda hoặc soda dành cho người ăn kiêng, hãy chuyển sang nước lọc”, Damianos nói. “Thay vì đồ ăn và thức uống chế biến sẵn để thỏa mãn sở thích hảo ngọt đó, hãy ăn trái cây có đường tự nhiên kết hợp với lượng chất xơ dồi dào và dưỡng chất thực vật có lợi cho sức khỏe”.
Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H