Một nghiên cứu mới cho thấy những người hay thức đêm và dậy muộn có xu hướng sống thiếu lành mạnh, đối diện nguy cơ bị tiểu đường cao hơn 19%.

Tianyi Huang, nhà dịch tễ học tại Khoa Y học Mạng lưới Channing của Bệnh viện Brigham và Phụ nữ ở Mỹ, giải thích: “Chronotype, hay kiểu sinh học, đề cập đến thời gian ngủ và thức dậy ưa thích của một người. Chonotype một phần được xác định do di truyền nên có thể khó thay đổi”.

Ông lưu ý thêm những người được xác định là “cú đêm” cần phải đặc biệt lưu ý. “Những người nghĩ mình là cú đêm cần để ý hơn đến lối sống của mình, vì kiểu thức đêm của họ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2”, Huang nói.

Ảnh: keckmedicine
Ảnh: keckmedicine

Theo Mirror, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ gần 64.000 phụ nữ tham gia Nghiên cứu Sức khỏe Y tá II, một trong những cuộc điều tra lớn nhất về các yếu tố nguy cơ mắc bệnh mãn tính nghiêm trọng ở phụ nữ Hoa Kỳ, kéo dài từ năm 2009 đến 2017.

Nghiên cứu đã tính đến nhiều yếu tố khác nhau bao gồm thói quen ngủ tự báo cáo, chế độ ăn uống, cân nặng và chỉ số khối cơ thể, thời gian ngủ, hành vi hút thuốc, sử dụng rượu, hoạt động thể chất và tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường. Hồ sơ y tế cũng được kiểm tra để xác định xem những người tham gia có mắc bệnh tiểu đường hay không.

Điều thú vị là trong số những người tham gia nghiên cứu, 11% cho biết họ thường thức khuya và dậy muộn, trong khi khoảng 35% cho biết họ thích dậy sớm, đi ngủ sớm. Những cá nhân không được xác định là người hoạt động buổi sáng hay buổi tối đều được coi là người trung gian. Sau khi điều chỉnh những yếu tố về lối sống, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng người hoạt động về đêm có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 19%.

Ngoài ra, trong số những người có lối sống lành mạnh nhất, chỉ có 6% hay thức đêm, trái ngược hoàn toàn với 25% những “cú đêm” thú nhận có lối sống không lành mạnh. Nhóm nghiên cứu lưu ý những người thường thức khuya cũng có xu hướng tiêu thụ rượu với số lượng lớn hơn, tuân thủ chế độ ăn uống kém chất lượng, ngủ ít giờ hơn mỗi đêm, đang hút thuốc và có cân nặng, chỉ số BMI và tỷ lệ hoạt động thể chất ở mức không lành mạnh.

Tiến sĩ Sina Kianersi, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Khoa Y học Mạng lưới Channing, nhận xét: “Khi chúng tôi kiểm soát các hành vi lối sống không lành mạnh, mối liên hệ chặt chẽ giữa kiểu sinh học và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường đã giảm nhưng vẫn còn, điều đó có nghĩa là các yếu tố lối sống giải thích một tỷ lệ đáng chú ý”.

Mối liên hệ giữa thói quen làm việc buổi tối và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cũng được thể hiện ở những y tá làm việc theo ca ngày và ca đêm. Theo các nhà nghiên cứu, điều này cho thấy rằng “lập kế hoạch làm việc được cá nhân hóa hơn có thể mang lại lợi ích”. Các nhà khoa học hiện chuẩn bị nghiên cứu sâu hơn về nguyên nhân di truyền về thói quen sinh hoạt và mối liên hệ của nó với bệnh tim.

Trong một tiết lộ mang tính đột phá, Tiến sĩ Kianersi tuyên bố: “Nếu chúng ta có thể xác định mối liên hệ nhân quả giữa thời gian sinh học và bệnh tiểu đường hoặc các bệnh khác, các bác sĩ có thể điều chỉnh chiến lược phòng ngừa tốt hơn cho bệnh nhân của họ”.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link