Nếu bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, vết thương khó lành, nhanh đói, hay ốm, đã đến lúc cần bổ sung thêm protein cho cơ thể.
Cơ thể thiếu hụt protein có thể khiến bạn thèm ăn, nhanh đói. Ảnh: Eatthis.
Protein hay chất đạm là chất dinh dưỡng đa lượng được tạo thành từ các axit amin. Dưỡng chất này rất cần thiết cho cơ thể và thường được gọi là khối xây dựng cơ bắp.
Protein không chỉ quan trọng đối với việc sửa chữa và duy trì cơ bắp, nó cung cấp năng lượng cho cơ thể và điều hòa nội tiết tố.
Protein sống trong mọi tế bào của cơ thể, từ xương đến da… Ngoài ra, protein hoạt động như enzym đẩy nhanh phản ứng hóa học, điều chỉnh quá trình vận chuyển các chất qua màng tế bào và bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật.
Con người cần bao nhiêu protein?
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia (Mỹ), nhu cầu protein dựa trên tuổi tác, giới tính, tiền sử sức khỏe và mức độ tập thể dục trong một ngày.
Thông thường, một người trưởng thành khỏe mạnh với hoạt động thể chất tối thiểu cần 0,8 gram protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Ví dụ: Lượng protein khuyến nghị hàng ngày cho một người nặng 57 kg là 72 gram.
Trong khi đó, những người thường xuyên tập thể dục có thể cần nhiều protein hơn. Nghiên cứu từ Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng, Đại học Y khoa Thể thao Mỹ, các chuyên gia khuyên người lớn và vận động viên năng động nên tiêu thụ khoảng 1,2-2 gram mỗi kg trọng lượng cơ thể.
Việc ăn uống không đúng cách có thể khiến bạn hấp thụ không đủ lượng protein cần thiết mỗi ngày. Ảnh: Livestrong.
Dấu hiệu thiếu hụt protein
Bạn nên tăng lượng tiêu thụ protein nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào sau đây (sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ).
Suy nhược, mất cơ và mệt mỏi
Theo India Times, thiếu protein trong chế độ ăn uống có thể dẫn đến suy nhược, mệt mỏi và mất cơ bắp. Điều này là do khi thiếu protein, cơ thể sẽ giảm nhu cầu protein từ xương.
Nghiên cứu cho thấy chỉ một tuần không ăn đủ protein có thể ảnh hưởng đến các cơ chịu trách nhiệm về tư thế và chuyển động, đặc biệt với người từ 55 tuổi trở lên.
Theo thời gian, nó dẫn đến teo cơ, từ đó làm giảm sức mạnh và chậm quá trình trao đổi chất. Điều này cũng gây thiếu máu, khi các tế bào không nhận đủ oxy, khiến bạn mệt mỏi, suy nhược.
Vết thương hồi phục chậm
Nếu gần đây bạn bị chấn thương do tai nạn hoặc có thói quen tập luyện cường độ cao hay vừa trải qua một cuộc phẫu thuật và vẫn đang hồi phục, lượng protein thấp trong cơ thể có thể làm chậm quá trình chữa lành vết thương.
Nhanh đói
Protein cung cấp năng lượng cho cơ thể. Đó là một trong ba nguồn calo, cùng với carbs và chất béo. Nếu thường xuyên muốn ăn thêm, nhanh đói mặc dù vẫn ăn uống đầy đủ hoặc vừa ăn xong, bạn có thể cần tiêu thụ nhiều protein hơn. Các nghiên cứu phát hiện ăn thực phẩm có protein giúp bạn cảm thấy no lâu hơn suốt cả ngày.
Suy nhược, mệt mỏi là dấu hiệu điển hình khi bạn bị thiếu protein. Ảnh: Medicalnewstoday.
Suy giảm chức năng miễn dịch
Thiếu protein cũng có thể khiến bạn dễ bị ốm. Protein rất quan trọng đối với hệ thống miễn dịch, tăng cường khả năng ngăn chặn virus và vi khuẩn. Ngoài ra, các tế bào miễn dịch được tạo thành từ axit amin, về cơ bản là protein.
Điều đó cho thấy bạn cần bổ sung đủ lượng protein cần thiết để tránh xa các bệnh nhiễm trùng.
Các vấn đề liên quan tóc, móng, da
Các dấu hiệu ban đầu khác của lượng protein thấp trong cơ thể bao gồm móng tay yếu, dễ gãy, da khô và tóc mỏng. Điều này xảy ra vì da, tóc và móng của chúng ta được tạo thành từ một số loại protein như elastin, collagen và keratin. Do đó, thiếu protein có thể ảnh hưởng đến tóc, da và móng.
Sưng phù
Theo WebMD, một trong những dấu hiệu phổ biến nhất cho thấy bạn không nhận đủ protein là sưng tấy (hay phù nề), đặc biệt là ở bụng, chân, bàn chân và bàn tay.
Protein lưu thông trong máu – đặc biệt là albumin – giúp ngăn chất lỏng không tích tụ trong các mô. Nhưng nhiều thứ có thể gây phù nề, vì vậy, hãy chắc chắn kiểm tra với bác sĩ trong trường hợp nghiêm trọng hơn.
Thay đổi tâm trạng
Bộ não sử dụng hóa chất (chất dẫn truyền thần kinh) để chuyển tiếp thông tin giữa các tế bào. Nhiều chất dẫn truyền thần kinh này được tạo thành từ các axit amin, là những khối xây dựng nên protein.
Vì vậy, việc thiếu protein trong chế độ ăn uống hàng ngày nghĩa là cơ thể bạn không thể tạo ra đủ các chất dẫn truyền thần kinh đó, điều này sẽ thay đổi cách thức hoạt động của não bộ. Ví dụ, với mức độ thấp của dopamine và serotonin, bạn có thể cảm thấy chán nản hoặc quá hung hăng.
Theo Phương Mai (zing) – Ảnh: T.H