Nhiều người đang lo ngại trước đợt bùng phát virus Marburg vì mức độ nguy hiểm của nó. Người nhiễm bệnh sẽ có một số triệu chứng như sốt, phát ban, buồn nôn, tiêu chảy.
Newsweek đưa tin Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết kể từ tháng 2, một đợt bùng phát virus Marburg đang diễn ra ở Guinea Xích đạo với 9 trường hợp mắc bệnh và 20 người nghi nhiễm virus. Căn bệnh này cũng khiến 8 người ở vùng Tây Bắc Tanzania mắc bệnh. Trong đó, 5 người đã tử vong.
Nguồn gốc căn bệnh
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), virus Marburg lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1967, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát đồng loạt tại các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt, Đức cũng như Belgrade, Nam Tư (nay là Serbia). Những người đầu tiên bị nhiễm bệnh đã tiếp xúc với khỉ xanh châu Phi nhập khẩu từ Ugandan.
Vật chủ chứa virus Marburg là một loại dơi ăn quả có nguồn gốc từ châu Phi được gọi là dơi roulette Ai Cập hay Rousettus aegyptiacus. Dơi bị nhiễm virus Marburg không có dấu hiệu bệnh tật rõ ràng.
WHO phân loại Marburg vào nhóm mầm bệnh nguy hiểm mức độ 4. Ảnh: Reuters.
Virus Marburg lây truyền như thế nào?
Virus Marburg là một loại virus sốt xuất huyết hiếm gặp ở người. WHO phân loại Marburg vào nhóm mầm bệnh nguy hiểm mức độ 4 (mức độ nguy hiểm nhất) cùng với bệnh đậu mùa, virus Nipah và Ebola.
WHO cho biết tỷ lệ tử vong dao động trong khoảng 24-88% trong các đợt bùng phát trước đây, tùy thuộc vào chủng virus và cách kiểm soát bệnh nhưng tỷ lệ trung bình thường rơi vào khoảng 50%.
Theo CDC, virus lây truyền giữa người với người qua:
- Máu hoặc chất dịch cơ thể (nước tiểu, nước bọt, mồ hôi, phân, chất nôn, sữa mẹ, nước ối và tinh dịch) của người mắc Marburg.
- Các đồ vật (quần áo, khăn trải giường, kim tiêm và thiết bị y tế) bị nhiễm chất dịch cơ thể của người bị Marburg.
- Tinh dịch của người đàn ông đã khỏi bệnh (thông qua quan hệ tình dục bằng miệng, âm đạo hoặc hậu môn). Không có bằng chứng nào cho thấy virus Marburg có thể lây lan qua quan hệ tình dục hoặc qua các tiếp xúc khác với dịch âm đạo của phụ nữ bị bệnh.
Virus này dễ lây lan trong môi trường gần nên những người chăm sóc bệnh nhân tại nhà hoặc bệnh viện là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất.
Dấu hiệu nhiễm virus Marburg
CDC thông tin sau thời gian ủ bệnh từ 2-21 ngày, bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng đột ngột như sốt, ớn lạnh, nhức đầu và đau cơ.
Vào ngày thứ 5 sau khi xuất hiện các triệu chứng, bệnh nhân có thể bị phát ban, nổi rõ nhất trên thân (ngực, lưng, bụng). Buồn nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng và tiêu chảy cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã nhiễm virus Marburg.
Theo thời gian, bệnh nhân sẽ mắc các triệu chứng nghiêm trọng hơn bao gồm vàng da, viêm tụy, sụt cân nghiêm trọng, mê sảng, sốc, suy gan, xuất huyết ồ ạt và rối loạn chức năng đa cơ quan.
Nhiều dấu hiệu và triệu chứng của Marburg tương tự các bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét, sốt thương hàn hoặc sốt xuất huyết nên các chuyên gia gặp rất nhiều khó khăn khi chẩn đoán bệnh.
Virus Marburg được ghi nhận lần đầu năm 1967 từ loài dơi. Ảnh: Reuters.
Phương pháp điều trị
Hiện nay, các nhà khoa học chưa tìm ra phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh do virus Marburg gây ra.
Thomas Geisbert, giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Chi nhánh Y khoa Đại học Texas ở Galveston nói với Newsweek: “Hiện tại chúng ta không có vaccine phòng virus Marburg được cấp phép để sử dụng cho người. Có một số loại vaccine có tiềm năng mạnh mẽ khi thí nghiệm với động vật linh trưởng (không phải con người) nhưng chúng tôi vẫn cần thử nghiệm nhiều hơn”.
Cách ngăn ngừa
Các biện pháp phòng ngừa nhiễm virus Marburg không được xác định rõ ràng vì sự lây truyền từ động vật hoang dã sang người vẫn là một lĩnh vực đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, tránh xa dơi ăn quả (Rousettus aegyptiacus) và các loài linh trưởng (không phải người) nhiễm Marburg là một cách để bảo vệ bản thân khỏi bị bệnh.
Nếu một bệnh nhân bị nghi ngờ hoặc được xác nhận mắc virus Marburg, các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa lây nhiễm nên được áp dụng để ngăn ngừa tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân:
- Mặc áo choàng bảo hộ, găng tay và khẩu trang.
- Cách ly nghiêm ngặt bệnh nhân.
- Khử trùng hoặc xử lý đúng cách kim tiêm, thiết bị và chất bài tiết của bệnh nhân.
Theo Phương Hà (zing) – Ảnh: T.H