Uống bia mỗi ngày có những tác dụng phụ như tiêu thụ calo rỗng, giấc ngủ kém chất lượng, viêm đường tiêu hóa.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết uống bia thường xuyên tiềm ẩn các vấn đề về tiêu hóa. Ảnh: Shutterstock.

Nếu bạn có thói quen uống bia mỗi tối, bạn vẫn có thể nằm trong giới hạn “uống vừa phải” của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nó không có tác dụng phụ.

Tiêu thụ nhiều calo rỗng

Eat This Not That cho biết tùy thuộc vào loại bia, bạn có thể tiêu thụ hàng trăm calo rỗng trong một lần uống.

Chuyên gia dinh dưỡng Elizabeth Huggins tại Hilton Head Health cho biết: “Ban đầu, đây dường như là một thói quen vô hại, nhưng nó có thể dẫn đến tăng cân, đặc biệt uống kèm bia và đồ ăn nhẹ”.

Ví dụ, một số loại bia có hương vị thơm ngon hơn sẽ có lượng calo cao hơn. Theo Hiệp hội Y tế Quốc gia, một lít bia trung bình có lượng calo tương đương một thanh chocolate Mars.

Thư viện Y khoa Quốc gia cũng tuyên bố rượu chứa nhiều calo rỗng (nghĩa là không mang giá trị dinh dưỡng) nên có thể góp phần làm tăng cân.

Mặc dù cơ quan này đồng ý một ly bia/ngày đối với phụ nữ và 2 ly/ngày đối với nam giới được coi là “vừa phải”, họ khuyên bạn nên uống ít hơn nếu muốn giảm cân.

Theo tiêu chuẩn của CDC Mỹ, một ly bia có 355 ml, tương đương 148 ml rượu vang hay 44 ml rượu mạnh.

Thực tế, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y tế Công cộng Mỹ cho biết đồ uống có cồn là “yếu tố khá lớn” trong việc tăng cân, đặc biệt đối với nam giới vì họ thường uống bia nhiều hơn.

Tác động đến đường ruột

Ngoài dẫn đến việc tiêu thụ calo rỗng, bia cũng ảnh hưởng sức khỏe đường ruột của bạn. Nghiên cứu cho thấy việc uống bia thường xuyên có cả tác dụng phụ tích cực và tiêu cực tiềm ẩn.

Chuyên gia dinh dưỡng Katie Boyd cho biết: “Uống bia liên tục có thể gây đầy hơi và kích ứng đường tiêu hóa. Nó khiến dạ dày của bạn tiết ra nhiều axit hơn bình thường, có thể dẫn đến tình trạng viêm niêm mạc ruột. Điều này cũng có thể gây ra tác dụng phụ lâu dài như viêm dạ dày”.

Theo Alcohol Research, lượng cồn lớn hơn có thể dẫn đến viêm và tổn thương đường tiêu hóa.

Trong khi đó, nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp đã phát hiện ra việc tiêu thụ bia hàng ngày có khả năng cải thiện sự đa dạng trong hệ vi sinh vật đường ruột.

Nghiên cứu này có quy mô nhỏ, chỉ 22 nam giới tham gia, vì vậy, có thể còn quá sớm để khẳng định uống bia tốt cho đường ruột.

Uống bia liên tục có thể gây đầy hơi và gây kích ứng đường tiêu hóa. Ảnh: The Independent.

Ảnh hưởng giấc ngủ

Rượu cũng có thể tác động tiêu cực đến chu kỳ giấc ngủ tự nhiên của mỗi người.

Chuyên gia dinh dưỡng Elizabeth Huggins nói: “Uống bia càng muộn, bạn càng bị giảm chất lượng giấc ngủ. Bởi cồn trong bia khiến axit dạ dày tiết ra nhiều hơn và có thể làm tăng khả năng bạn bị ợ nóng hoặc trào ngược dạ dày thực quản”.

Uống vài cốc bia khiến bạn nghĩ mình đang ngủ ngon, nhưng rất có thể đó là chất lượng giấc ngủ kém, ít phục hồi. Chuyên gia dinh dưỡng Elizabeth Huggins nói: “Giấc ngủ kém cản trở hoạt động trí óc và mức năng lượng của chúng ta vào ngày hôm sau”.

Chuyên gia dinh dưỡng Katie Boyd đồng ý: “Uống quá nhiều bia có thể dẫn đến gián đoạn giấc ngủ vì nó khiến insulin của bạn tăng đột biến vào giữa đêm, từ đó khiến bạn thức giấc sớm. Vào buổi sáng, bạn sẽ cảm thấy uể oải”.

Nếu bạn định tiếp tục thói quen uống bia hàng đêm, các chuyên gia khuyên nên uống một ít nước lọc.

Corey Calliet, huấn luyện viên thể hình, cho biết một trong những điều đơn giản bạn có thể làm để cải thiện sức sống và giữ cho cơ thể hoạt động trơn tru là uống đủ nước theo khuyến nghị.

“Uống nước hỗ trợ quá trình phục hồi, giải độc và loại bỏ của cơ thể. Ngoài ra, uống nước liên tục trong ngày cũng có thể hạn chế cảm giác thèm ăn và giúp bạn không ăn quá nhiều calo”, Corey Calliet khuyên.

Theo Hoàng Anh (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link