Áo dài xuyên thấu thường xuyên trở thành chủ đề gây tranh cãi. Thiết kế này từng xuất hiện từ thế kỷ 18 nhưng được may một cách kín đáo.
Hình ảnh hoa hậu Ngọc Châu, thí sinh Hoa hậu Hòa bình Thái Lan và Hà Anh diện áo dài xuyên thấu từng trở thành tâm điểm của loạt bình luận chỉ trích. Các thiết kế bị cho là “phản cảm, gợi cảm quá đà”.
Những năm gần đây, sự bùng nổ của trào lưu naked dress (váy cắt cúp để phô diễn đường cong cơ thể) giúp các thiết kế xuyên thấu phổ biến hơn. Nhiều người nổi tiếng chọn diện áo dài xuyên thấu để tạo điểm nhấn riêng. Mặt khác, một số nhà thiết kế thêm thắt các chi tiết gợi cảm với hy vọng đổi mới, cách tân áo dài. Tuy nhiên, nhiều mẫu áo dài bị cho là kém tinh tế khi có chi tiết vải lưới ở ngực, để lộ miếng dán.
Áo dài từ chất liệu xuyên thấu từng xuất hiện vào thế kỷ 18
Theo chia sẻ, nhà thiết kế (NTK) Sĩ Hoàng cho biết: “Những hình ảnh tư liệu chụp áo dài năm thân của phụ nữ quý tộc từ thế kỷ 18 hoặc trang phục nghệ sĩ, người dân đã thấy có loại áo dài xuyên thấu được may bằng tơ lụa. Tuy nhiên, áo dài làm từ chất liệu tơ lụa mỏng xuyên thấu thường được may 2 lớp hoặc thêm áo lót bên trong gọi là áo lá cho kín đáo”. Những hình ảnh tư liệu này đều là hiện vật sưu tầm của Bảo tàng Áo dài.
Anh chỉ ra 14 loại chất liệu thường được sử dụng để làm áo dài xuyên thấu. Theo nhà thiết kế Sĩ Hoàng, Việt Nam hiện có 8 làng nghề sản xuất lụa tơ tằm truyền thống. Một số thương hiệu nổi tiếng có thể kể đến làng nghề lụa Vạn Phúc, Nha Xá, Duy Xuyên, Mỹ Á, Bảo Lộc.
Lụa là danh từ chung để chỉ các loại vải dệt từ những sợi tơ tự nhiên. Tùy theo độ mịn, trơn, dày, mỏng, thưa… mỗi loại lại có tên gọi khác nhau.
Áo dài làm từ chất liệu xuyên thấu từng xuất hiện từ thế kỷ 18, thập niên 40-60. Ảnh: NVCC.
Nổi bật trong số đó là lụa tơ tằm. “Lụa từ tơ nên gọi là tơ lụa. Tơ được lấy từ quá trình tạo kén của nhộng tằm, con nhện, ngó sen, tơ chuối”, NTK chia sẻ. Anh chỉ ra tơ tự nhiên khác tơ nhân tạo.
Lụa tơ tằm là cao cấp nhất trong tất cả loại vải lụa. Tùy vào kỹ thuật ươm tơ, kéo kén, se sợi, dệt lụa mà có nhiều loại thành phẩm lụa với tên gọi khác nhau như:
– Sồi (Chồi, Trừu, Đũi, Nái): Lụa dệt bằng tơ kém, tơ sần, sợi to và có cục. Tuy thô nhưng bền.
– Lượt: Lụa thưa và trơn.
– The (Sa): Lụa nhẹ sáng màu, trơn và mỏng đến độ có thể nhìn qua.
– Xuyến: Lụa giống the nhưng dày hơn, trơn, màu sáng. Sợi thưa, sợi mau đan xen.
– Nhiễu: Lụa trơn, dày và bền.
– Là: Lụa tơ nõn với những đường sọc nhỏ cách đều, nhuộm đen.
– Lĩnh (Lãnh): Lụa trơn, láng, nhuộm đen, sờ vào mát lạnh.
– Đoạn: Lãnh dày có chất lượng tốt hơn, mặt lụa thêm óng ả. Thường dùng làm áo nhồi bông mặc vào mùa lạnh.
– Vóc: Lụa bóng mịn, có dệt hoa.
– Văn: Lụa dày có dệt hoa lớn, chất lượng cao.
– Gấm: Lụa hoa cao cấp.
– Habutai: Kiểu dệt lụa tơ tằm xuyên thấu.
– Chiffon: Kiểu dệt lụa mềm mại, không quá trong.
– Organza: Kiểu dệt lụa xuyên thấu và đứng vải.
Những chất liệu mềm, mỏng và mịn giúp tạo nên mẫu áo dài xuyên thấu nhìn thướt tha và “có độ bay”. Tùy vào cách sử dụng chất liệu, nhà thiết kế sẽ thêm thắt loạt chi tiết trang trí hoặc may toàn bộ mẫu áo dài bằng vải xuyên thấu.
Người nổi tiếng bị chỉ trích vì mặc áo dài xuyên thấu quá gợi cảm.
Ngoài ra, NTK Sĩ Hoàng nhận định ngày nay, những thiết kế áo dài mới lạ sử dụng thêm nhiều chất liệu khác như thổ cẩm, da, jeans, ren, voan…
Lưu ý với áo dài xuyên thấu
Áo dài xuyên thấu không phải thiết kế mới lạ. Tuy nhiên, những hình ảnh liên quan đến thiết kế này thường xuyên vấp phải ý kiến chỉ trích từ khán giả.
Trong dịp trò chuyện, NTK Phạm Sĩ Toàn nhận định việc sử dụng vải xuyên thấu không còn quá xa lạ. Hầu hết loại trang phục đều có thể sử dụng chất liệu này và áo dài không ngoại lệ.
Cần chú ý nhiều điều khi diện áo dài xuyên thấu. Ảnh: ha.a.vu.
Tuy nhiên, việc áo dài vướng phải nhiều ý kiến trái chiều còn liên quan đến cách thiết kế và mặc. “Vấn đề không nằm ở thể loại trang phục. Chỉ cần người tạo ra sản phẩm và người mặc đều tinh tế thì sẽ tránh được phản hồi tiêu cực dù là thể loại trang phục nào”, nhà thiết kế Sĩ Toàn nói.
Để có được hình ảnh thanh lịch khi diện áo dài xuyên thấu, NTK Phạm Sĩ Toàn cho rằng đối với áo dài nên cẩn thận hơn.
Anh cho biết: “Áp dụng đẹp khoe, xấu che cho các thể loại trang phục. Riêng đối với áo dài, chúng ta cần cẩn thận và chú ý hơn. Tránh lựa chọn áo dài có quá nhiều chi tiết xuyên thấu để không bị phản cảm”.
Nhà thiết kế khẳng định để mặc một chiếc áo dài đẹp thì lựa chọn áo lót là điều quan trọng. “Một chiếc áo lót vừa vặn, trùng màu với da trở thành phương án thích hợp nhất cho tất cả mẫu áo dài, kể cả xuyên thấu hay không”, NTK Phạm Sĩ Toàn nhấn mạnh.
Mặt khác, NTK Sĩ Hoàng cho rằng: “Chúng ta nên học theo cách người xưa may áo dài từ chất liệu xuyên thấu”. Điều này giúp người mặc diện áo dài một cách lịch sự. Đồng thời thể hiện được cốt cách cũng như sự tôn trọng phụ nữ.
Theo Cao Thảo (zing) – Ảnh: T.H