Bệnh viêm khớp xương hàm mà Kasim Hoàng Vũ mắc phải thường gây đau và sưng một bên mặt, cần phẫu thuật khi các biện pháp nhẹ hơn không có tác dụng.

Hôm 3/7, ca sĩ Kasim Hoàng Vũ gây chú ý khi đăng tải hình ảnh với khuôn mặt khác lạ. Nam ca sĩ cho biết anh bị viêm khớp xương hàm, còn gọi là viêm khớp thái dương hàm, phải mổ cách đây 4 tháng. Ca mổ khiến gương mặt anh bị lệch, một phần cằm biến dạng. Hiện Kasim trong thời gian tĩnh dưỡng, chờ hồi phục. Anh cũng phải hạn chế hoạt động cơ hàm, chỉ ăn đồ mềm.

Khớp thái dương hàm là khớp nối phần hàm với xương thái dương của hộp sọ, nằm phía trước tai. Nó hỗ trợ cử động hàm lên xuống, sang hai bên để có thể nói, nhai và ngáp. Các vấn đề với hàm và các cơ trên mặt kiểm soát nó được gọi là rối loạn khớp thái dương hàm (TMD).

Kasim Hoàng Vũ sau phẫu thuật.
Kasim Hoàng Vũ sau phẫu thuật.

Theo WebMD, tổn thương ở hàm, khớp hoặc các cơ ở đầu và cổ, chẳng hạn như do bị đánh mạnh hoặc đòn roi, có thể dẫn đến TMD. Các nguyên nhân khác bao gồm nghiến răng gây nhiều áp lực lên khớp, viêm khớp thái dương hàm, căng thẳng khiến bạn siết chặt cơ mặt và hàm hoặc nghiến răng….

TMD thường gây đau dữ dội và khó chịu, có thể là tạm thời hoặc kéo dài nhiều năm. Căn bệnh có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai bên khuôn mặt của bạn. Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh này cao hơn nam giới, bệnh phổ biến nhất ở độ tuổi từ 20 đến 40.

Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau hoặc nhạy cảm ở mặt, vùng khớp hàm, cổ và vai, trong hoặc xung quanh tai khi nhai, nói hoặc há to miệng; khó nhai hoặc cắn; sưng ở một bên mặt. Người bệnh cũng có thể bị đau răng, đau đầu, nhức cổ, chóng mặt, đau tai, có vấn đề về thính giác, đau vai trên và ù tai.

Viêm khớp thái dương hàm không phải căn bệnh quá nguy hiểm. Nếu được phát hiện sớm, bạn hoàn toàn có thể giảm các triệu chứng của bệnh tại nhà, chẳng hạn như:

– Dùng thuốc chống viêm chứa steroid

– Sử dụng biện pháp áp túi nước đá vào một bên mặt và vùng thái dương trong khoảng 10 phút kết hợp thực hiện vài động tác kéo giãn hàm đơn giản (nếu nha sĩ hay bác sĩ vật lý trị liệu của bạn đồng ý). Sau đó, hãy giữ một chiếc khăn ấm trên mặt trong khoảng 5 phút. Thực hiện thói quen này một vài lần trong ngày.

– Ăn thức ăn mềm, thêm sữa chua, khoai tây nghiền, phô mai, súp, trứng bác, cá, trái cây và rau nấu chín, đậu và ngũ cốc vào thực đơn của bạn. Cắt thức ăn thành miếng nhỏ để nhai ít hơn. Bỏ qua những thức ăn cứng, giòn, dai và những miếng dày khiến bạn phải mở rộng miệng.

– Nha sĩ có thể kê toa thuốc chống viêm không steroid (NSAID) liều cao hơn nếu cần để giảm đau và sưng tấy. Họ cũng có thể đề nghị dùng thuốc giãn cơ để thư giãn hàm nếu bạn nghiến răng hay một loại thuốc chống lo âu để giảm căng thẳng, có thể gây ra TMD. Ở liều lượng thấp, chúng cũng có thể giúp giảm hoặc kiểm soát cơn đau.

– Liệu pháp kích thích thần kinh điện xuyên da (TENS), liệu pháp sóng vô tuyến để kích thích khớp, làm tăng lưu lượng máu và giảm đau hay laser ở mức độ thấp để giảm viêm, đau có thể được áp dụng.

Nếu các phương pháp điều trị trên đều không có ích, phẫu thuật là một lựa chọn. Có ba loại phẫu thuật với viêm khớp thái dương hàm, bao gồm:

Chọc dò khớp được sử dụng nếu bạn không có tiền sử về khớp xương hàm. Đây là một thủ thuật nhỏ mà nha sĩ của bạn có thể thực hiện tại văn phòng. Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân, sau đó được đâm kim vào khớp và rửa sạch. Nha sĩ có thể sử dụng một công cụ đặc biệt để loại bỏ các mô bị hư hỏng hoặc đẩy đĩa đệm bị mắc kẹt trong khớp ra ngoài hoặc để khớp tự gỡ ra.

Nội soi khớp là phẫu thuật được thực hiện bằng máy nội soi. Công cụ đặc biệt này có một ống kính và đèn chiếu sáng, cho phép bác sĩ của bạn nhìn thấy bên trong khớp. Bác sĩ sẽ gây mê toàn thân, sau đó rạch một đường nhỏ phía trước tai bệnh nhân và đưa dụng cụ vào. Quá trình này sẽ được kết nối với một màn hình video để họ có thể kiểm tra khớp của bạn và khu vực xung quanh khớp. Họ có thể loại bỏ các mô bị viêm hoặc sắp xếp lại đĩa hoặc khớp. Loại phẫu thuật này, được gọi là xâm lấn tối thiểu, để lại vết sẹo nhỏ hơn, ít biến chứng hơn và cần thời gian hồi phục ngắn hơn so với phẫu thuật lớn.

Phẫu thuật mở khớp có thể được thực hiện trong trường hợp: Các cấu trúc xương trong khớp hàm đang bị mòn; bạn có khối u trong hoặc xung quanh khớp hay khớp của bạn bị sẹo hoặc đầy vụn xương.

Bạn sẽ được gây mê toàn thân, sau đó bác sĩ sẽ mở toàn bộ khu vực xung quanh khớp để có thể quan sát đầy đủ và tiếp cận vị trí bị viêm tốt hơn. Bạn sẽ cần nhiều thời gian hơn để hồi phục sau phẫu thuật mở khớp, đồng thời có nhiều khả năng để lại sẹo và tổn thương dây thần kinh.

Thông thường, biến chứng lớn nhất sau phẫu thuật xương hàm là người bệnh có thể vĩnh viễn mất phạm vi chuyển động của khớp xương hàm.

Các biến chứng khác có thể bao gồm: tổn thương dây thần kinh mặt, đôi khi dẫn đến mất một phần cử động cơ mặt hoặc mất cảm giác; tổn thương mô lân cận, chẳng hạn như đáy hộp sọ, mạch máu hoặc giải phẫu liên quan đến thính giác; nhiễm trùng xung quanh vị trí phẫu thuật trong hoặc sau khi phẫu thuật; đau dai dẳng hoặc phạm vi chuyển động hàm bị hạn chế…

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link