Bàn chải được để trong phòng vệ sinh dễ nhiễm khuẩn từ chất thải, gây nhiều bệnh đường tiêu hóa.
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Maria Geisinger, giáo sư về nha chu tại Trường Nha khoa Đại học Alabama, Mỹ, 60% bàn chải đánh răng để trong phòng tắm đều có vi khuẩn nguy hiểm cho sức khỏe con người như Serratia, Escherichia coli, Giardia, Salmonellosis… Vi khuẩn lây lan trong môi trường qua nước xả bồn cầu, có thể gây ra nhiều bệnh về đường tiêu hóa. Chúng có thể tồn tại trên tay cầm của vòi nước, gạch lát, cửa ra vào và bàn chải đánh răng.
Điều bạn nên làm là xả nước khi nắp bồn cầu đã được đóng lại để vi khuẩn không thể dễ dàng lây lan ra môi trường.
Làm thế nào để giữ cho bàn chải đánh răng không có vi khuẩn?
Tốt nhất bạn nên rửa kỹ bàn chải đánh răng dưới vòi nước trước khi sử dụng. Điều này có thể giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm bám trên bề mặt bàn chải. Sau khi sử dụng, hãy cất bàn chải đánh răng thẳng đứng trong hộp đựng hoặc cốc để bàn chải khô trong không khí. Bạn có thể đầu tư một chiếc hộp đựng có ổ cắm riêng cho nhiều bàn chải đánh răng để ngăn chúng tiếp xúc với nhau. Sau khi bàn chải khô, bạn có thể bọc chúng lại.
Cất bàn chải đánh răng ở đâu?
Theo thống kê đăng trên Wildsmile, 7/10 người để bàn chải đánh răng trong phòng tắm. Bạn nên thay đổi thói quen này. Bạn nên cất nó ở nơi mát mẻ bên ngoài phòng tắm khi đã được rửa sạch và vẩy khô. Hiệp hội Nha khoa Mỹ khuyến cáo không nên bảo quản bàn chải đánh răng trong hộp kín vì môi trường ẩm ướt làm tăng sự phát triển của vi sinh vật. Tốt nhất nên bảo quản chúng theo chiều dọc ở nơi sạch sẽ và để khô tự nhiên.
Tần suất thay bàn chải đánh răng như thế nào?
Sử dụng bàn chải đánh răng cũ hoặc sờn có thể không hợp vệ sinh và bạn cũng có thể không đánh răng đúng cách. Hãy thay bàn chải đánh răng từ ba đến bốn tháng một lần hoặc sớm hơn nếu lông bàn chải bị sờn. Cùng với việc thay thế thường xuyên, hãy liên tục rửa hộp đựng bàn chải đánh răng để tránh bụi bám gây tích tụ vi khuẩn, nấm mốc.
Theo Hằng Trần (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H