Đáp ứng đủ tiêu chí rẻ, đẹp, thân thiện với môi trường, tái sử dụng đồ cũ đã trở thành xu hướng thời trang mới được nhiều người ưa chuộng, theo The Guardian.
Cửa hàng của Harry Lambert, nhà tạo mẫu nổi tiếng từng hợp tác với Harry Styles, Emma Corrin và Dominic Calvert-Lewin, nhanh chóng bán hết sản phẩm dù chỉ mới khai trương. Điều đáng chú ý là nơi này chỉ bán các món đồ thời trang đã qua sử dụng hoặc hàng tồn kho.
“Khi còn trẻ, tôi thường mua đồ mặc vài lần rồi bỏ. Nhưng giờ tôi đã thay đổi cách nghĩ về thời trang. Tôi hướng đến phát triển thời trang theo hướng bền vững hơn và hy vọng cửa hàng của mình có thể tạo cảm hứng để mọi người làm điều tương tự”, Lambert nói.
Quần áo cũ trở thành mặt hàng được nhiều người săn đón. Ảnh: Redress.
Thời trang nhanh bị truất ngôi
Không còn là một hình thức mua sắm giá rẻ, ít được nhắc tới, đồ second-hand đang dần trở thành xu hướng chủ đạo của thời trang thế giới. Từ các cửa hàng nhỏ đến trung tâm mua sắm lớn, từ giới trẻ đến các bậc cha mẹ và nhiều người nổi tiếng cũng tỏ ra yêu thích những món đồ cũ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là xu hướng phù hợp với hành vi của người tiêu dùng. Số liệu từ GlobalData cho thấy từ năm 2016 đến năm 2022, thị trường bán lại quần áo ở Anh đã tăng tới 149%, dự báo tăng thêm 67,5% trong giai đoạn 2022-2026.
Cùng với sức hút ngày càng tăng của đồ second-hand, độ phổ biến của thời trang nhanh đang có dấu hiệu tụt dốc.
Năm 2022, hãng thời trang giá rẻ Shein là cái tên được tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong lĩnh vực thời trang. Nhưng trên thực tế, doanh số bán hàng tại Mỹ của công ty này đã giảm liên tục kể từ cuối tháng 6/2022.
Người tiêu dùng thời trang ngày càng đề cao tính bền vững. Ảnh: Pexels.
Trong khi đó, doanh số tại các cửa hàng bán đồ cũ lại trên đà tăng kể từ cuối tháng 9/2022. Nhiều cửa hàng thu về thêm tới 40% chỉ tính trong thời điểm trước Giáng sinh.
Sự phát triển mạnh mẽ của mặt hàng quần áo trẻ em cho thấy không chỉ gen Z mà nhiều thế hệ khác cũng đang hưởng ứng xu hướng này.
Theo Báo cáo tái sử dụng năm 2021 từ công ty thương mại điện tử Mercari và GlobalData, chỉ riêng danh mục đồ trẻ em trong thị trường đồ cũ đã có khả năng tăng 493% trong thập kỷ tới.
Trang thương mại điện tử Ebay cũng ghi nhận mức tăng 76% đối với riêng mặt hàng này trong năm 2020.
Gen Z mở đầu xu hướng
Lauren Cochrane, phóng viên mảng thời trang của tờ The Guardian, nhận định Gen Z là một trong những nguyên nhân lớn nhất thúc đẩy sự bùng nổ của quần áo second-hand.
Một dự án nghiên cứu của công ty tư vấn Boston Consulting Group và trang web bán lại Vestiaire vào năm 2022 cho thấy nhóm người tiêu dùng trẻ có nhiều khả năng mua và bán đồ cũ hơn thế trước đó. Báo cáo của Depop, trang thương mại điện tử trao đổi đồ qua sử dụng, cũng chỉ ra rằng nhóm dưới 26 tuổi chiếm 90% lượng người dùng hiện có.
Alex Goat, giám đốc điều hành của công ty tư vấn văn hóa thanh niên Livity, cho biết động lực đằng sau sự thay đổi này một phần là do các vấn đề liên quan đến môi trường.
“Việc mặc lại đồ cũ có thể coi như một tuyên bố rõ ràng về thái độ của bạn với thời trang, một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất hành tinh. Nhiều bạn trẻ cũng coi đây là cách để thể hiện cá tính của mình”, cô nói.
Không chỉ giới trẻ, các bậc phụ huynh cũng tích cực hưởng ứng xu thế thời trang mới này. Ảnh: Redress.
Anne-Marie Curtis, cựu tổng biên tập của Elle, chia sẻ mình đã được con gái truyền cảm hứng về việc mua đồ qua sử dụng: “Dù đó là con cháu của bạn hay cấp dưới ở chỗ làm, tôi nghĩ chúng ta đều có thể học hỏi nhiều thứ từ thế hệ này”.
Và ngay cả đối với quần áo đã qua sử dụng cũng có các phân khúc khác nhau. Bên cạnh những cửa hiệu truyền thống, nhiều hình thức bán đồ second-hand khác xuất hiện. Với sự phổ biến của đồ cũ, việc trao đổi những mặt hàng xa xỉ cũng không còn quá lạ.
Thậm chí, Curtis còn cho hay: “Những người quen của tôi trong ngành thời trang cũng chẳng mấy khi mua nhiều thứ mới nữa”.
Theo Bình Nhi (zing) – Ảnh: T.H