Cà phê được biết đến với tác dụng làm tăng sự tập trung và tạo ra năng lượng sảng khoái, nhưng thức uống này không phù hợp với nhiều người.
Cà phê cũng được định nghĩa là một loại thuốc tiên cho sức khỏe. Ảnh: New York Post.
Theo Eat This Not That, cà phê là thức uống để tăng cường năng lượng vào buổi sáng hoặc đánh bại cơn uể oải vào buổi chiều.
Cà phê được phát hiện là làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, giảm nguy cơ suy tim và thậm chí giảm nguy cơ mất thính giác. Eat This Not That cho biết uống nước cà phê rang thậm chí có thể giúp bạn giảm cân.
Đối với một số người, cà phê có nhiều tác dụng phụ hơn là tích cực. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy lo lắng hoặc bồn chồn sau khi uống cà phê hoặc dễ bị đau bụng.
Để hiểu rõ hơn về việc cà phê có phải là lựa chọn tốt hay không, Eat This Not That đã hỏi các chuyên gia dinh dưỡng về những người không nên uống cà phê để có sức khỏe tốt hơn.
Người bị hội chứng ruột kích thích (IBS)
Angel Planells, chuyên gia dinh dưỡng và cựu Chủ tịch của Học viện Bang Washington, cho biết: “Caffeine có thể làm tăng nhu động ruột, bao gồm tăng khả năng bị tiêu chảy – một triệu chứng chính của hội chứng ruột kích thích (IBS)”.
Nếu bạn bị IBS, bạn nên hạn chế hoặc tránh đồ uống chứa caffeine. Ảnh: Shutterstock.
Người bị tăng nhãn áp
Chuyên gia dinh dưỡng Angel Planells nói: “Áp lực nội nhãn tăng lên đối với những người mắc bệnh tăng nhãn áp khi uống cà phê. Vì vậy, người bệnh cần hạn chế hoặc tránh uống”.
Theo nghiên cứu của Mount Sinai, uống nhiều caffeine làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp ở những người vốn đã có khuynh hướng tăng nhãn áp.
Người bị bàng quang hoạt động quá mức
Một trong những tác dụng phụ của cà phê đối với bàng quang là nó làm tăng tần suất bạn đi tiểu. Điều này là do caffeine có thể làm thay đổi hoạt động của bàng quang, ảnh hưởng đến tần suất bạn đi tiểu và cả lượng nước tiểu.
Chuyên gia dinh dưỡng Sue Heikkinen nói: “Nếu bạn không thường xuyên uống cà phê, cơ thể bạn còn nhạy cảm hơn với đồ uống này”.
Người bị bệnh tim
Chuyên gia dinh dưỡng Kelli McGrane cho biết: “Caffeine từ cà phê có thể gây tăng huyết áp và nhịp tim tạm thời”.
Những người mắc bệnh tim phải nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe về việc họ được phép tiêu thụ bao nhiêu cà phê là an toàn cho sức khỏe.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ đã kết luận có khả năng huyết áp tăng đột biến trong thời gian ngắn khi uống caffeine. Tuy nhiên, không đủ bằng chứng thuyết phục về bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào đối với huyết áp hoặc sức khỏe tim mạch.
Người bị bệnh tim cần hạn chế uống cà phê chứa caffeine. Ảnh: Shutterstock.
Người đang mang thai
Đại học sản phụ khoa Mỹ khuyến cáo phụ nữ mang thai nên hạn chế lượng caffeine ở mức 200 miligram (khoảng lượng có trong hai tách cà phê) mỗi ngày để giảm thiểu nguy cơ sảy thai, sinh non và sinh con nhẹ cân.
Tuy nhiên, một đánh giá năm 2020 được công bố trên tạp chí Y học Anh đã kết luận không có mức tiêu thụ caffeine an toàn trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ mang thai nên thảo luận về lượng caffeine họ có thể uống với bác sĩ.
Người đang cho con bú
Chuyên gia dinh dưỡng Angel Planells cho biết: “Caffeine là chất kích thích và lợi tiểu nên điều đáng lo ngại là bà mẹ đang cho con bú có thể có nguy cơ bị mất nước”.
Hiệp hội Mang thai Mỹ đề nghị các bà mẹ tránh caffeine càng nhiều càng tốt trong thời kỳ mang thai và cho con bú.
Phụ nữ trong thời gian mang thai và cho con bú nên tránh uống cà phê. Ảnh: Shutterstock.
Người bị rối loạn giấc ngủ
Theo khuyến nghị của Tổ chức giấc ngủ, tránh dùng caffeine ít nhất 6 giờ trước khi đi ngủ để không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Một nghiên cứu từ tạp chí Y học về Giấc ngủ Lâm sàng cho thấy tiêu thụ caffeine 6 giờ trước khi đi ngủ có khả năng làm gián đoạn giấc ngủ. Những phát hiện này dựa trên mức 400 miligram caffeine, tương đương với khoảng 4 tách cà phê. Mặc dù bạn có thể sẽ không uống nhiều caffeine như vậy vào buổi chiều, caffeine rõ ràng có ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ.
Người có mức độ lo lắng cao
Chuyên gia dinh dưỡng Kelli McGrane nói: “Caffeine là một chất kích thích, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lo lắng ở một số người. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy lo lắng hoặc hoảng loạn, bạn có thể cân nhắc tránh hoặc giảm việc uống cà phê chứa caffeine”.
Nghiên cứu từ Bệnh viện Đa khoa Tâm thần cho thấy tiêu thụ lượng caffeine cao hơn (khoảng 5 tách cà phê mỗi ngày) có khả năng gây ra các cơn hoảng loạn ở những người mắc chứng lo âu.
Người bị tiêu chảy
Chuyên gia dinh dưỡng Sue Heikkinen nói: “Một số người cho biết uống cà phê buổi sáng khiến họ bị đau bụng, hầu hết là tiêu chảy”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Digestion năm 2001 cho thấy cà phê là một trong những loại thực phẩm thông dụng nhất gây ra các triệu chứng bao gồm tiêu chảy ở người bị Hội chứng ruột kích thích (IBS).
Cà phê decaf có thể ít gây ra vấn đề này hơn. Nói chung, chất caffeine trong cà phê có xu hướng kích thích đường ruột.
Cà phê không dành cho trẻ em dưới 12 tuổi. Ảnh: Shutterstock.
Trẻ em dưới 12 tuổi
Chuyên gia dinh dưỡng Kelli McGrane nói: “Dùng quá nhiều caffeine ở trẻ em có thể dẫn đến tăng nhịp tim, tăng cảm giác lo lắng, khó tập trung và đau bụng. Một khía cạnh khác cần xem xét, đặc biệt là ở trẻ mới biết đi là cà phê có thể che lấp dấu hiệu đói, vì vậy trẻ mới biết đi có thể không nhận được chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển”.
Cuối cùng, cà phê có tính axit khá cao, do đó có thể làm hỏng men răng và tăng nguy cơ sâu răng của trẻ.
Người bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Caffeine có thể nới lỏng cơ vòng thực quản dưới, là van giữa thực quản và dạ dày. Điều này khiến axit trong dạ dày đi vào thực quản, dẫn đến các triệu chứng GERD khó chịu.
Theo Eat This Not That, người bệnh có thể chuyển sang uống cà phê decaf để giảm cảm giác khó chịu.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.
Theo Hoàng Anh (zing) – Ảnh: T.H