Khởi đầu năm mới, việc duy trì thói quen thức dậy vào 5h sáng đã tạo ra những thay đổi và lợi ích đáng kể cho sức khỏe.
Duy trì thói quen thức dậy từ 5 giờ sáng giúp bạn tạo ra thay đổi tích cực. Ảnh: Shutterstock.
Vốn quen với giờ giấc sinh hoạt của một “cú đêm”, Lauren Manaker, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về chế độ ăn uống khỏe mạnh và sức khỏe sinh sản, quyết tâm thực hiện giải pháp thay đổi bản thân đồng thời mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Từ tháng 12, cô đặt mục tiêu thức dậy lúc 5h sáng mỗi ngày trong 30 ngày liên tiếp trong tuần để theo dõi sự khác biệt đáng chú ý về sức khỏe thể chất và tinh thần từ thói quen này.
“Tôi tham gia câu lạc bộ 5h”
Manaker có thể làm tốt nhiều việc trong một ngày. Tuy nhiên, thời gian cho ăn uống của cô chưa thật sự khoa học, đôi lúc bỏ qua bữa ăn và uống không đủ nước. Mặc dù vậy, cô có chiều cao và huyết áp cân đối.
Với mục tiêu thức dậy từ 5h sáng, Manaker bày tỏ mong muốn đối đãi tử tế hơn với bản thân, có thêm thời gian và thực hiện nhiều mục đích lớn hơn.
Manaker chia sẻ lại một báo cáo đăng trên tạp chí Cell Metabolism cho thấy rằng ăn muộn hơn thực sự có thể làm tăng cảm giác đói suốt cả ngày. Điều này giải thích cho một số thói quen ăn vặt tự phát của cô.
Kết quả của nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ăn khuya có thể làm tăng nguy cơ béo phì do khả năng đốt cháy calo chậm hơn và nhiều calo được lưu trữ trong các mô mỡ hơn. Điều này có thể giải thích tại sao nữ tác giả gặp khó khăn trong việc giảm cân.
“Một số người có thể có nhiều động lực hơn để thực hiện các thói quen lành mạnh vào buổi sáng. Vì vậy, dành cho bản thân nhiều thời gian hơn trong ngày có thể cho phép bạn nấu nướng, tập thể dục, thiền định nhiều hơn hoặc tạo ra một môi trường có lợi cho nhu cầu của một người”, Manaker với Eat This Not That.
Manaker quyết định tham gia câu lạc bộ 5h để theo dõi những thay đổi của cơ thể. Ảnh: Shutterstock.
Các bữa ăn dinh dưỡng, đầy đủ hơn
Manaker thừa nhận mặc dù đồng ý với lời khuyên bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, cô không ăn sáng theo chế độ cân bằng.
Nữ tác giả chia sẻ: “Nếu tôi có ăn sáng, những bữa sáng này thiên về dinh dưỡng hơn là một bữa ăn đầy đủ, cân bằng. Ví dụ, ngày nào đó, tôi sẽ chỉ ăn một thanh protein, hoặc chỉ một cốc sữa chua Hy Lạp vani đơn giản, hoặc chỉ một miếng trái cây. Những món mà tôi có thể dễ dàng tìm thấy và ăn trong vòng chưa đến 10 phút. Đôi khi, tôi bỏ bữa ăn này”.
Tuy nhiên, việc thức dậy lúc 5h cho phép cô có nhiều thời gian hơn trong ngày, tạo ra sự linh hoạt và tự do để suy nghĩ thấu đáo mọi thứ và lên kế hoạch chiến lược cho một bữa ăn cân bằng, bổ dưỡng.
Sau đó, những tác động này ảnh hưởng cách cơ thể tiếp cận bữa trưa và bữa tối vì lúc này, bạn không phải suy nghĩ quá sâu về việc bù đắp bất kỳ giá trị dinh dưỡng nào đã vô tình bỏ lỡ trong bữa sáng cẩu thả.
Hiện tại, mỗi bữa sáng của Manaker giống như một khởi đầu mới mà cô có thể chuẩn bị và thưởng thức theo cách của riêng mình.
Chuẩn bị nhiều bữa ăn hơn và ít lãng phí thực phẩm
Lauren Manaker chia sẻ từ khi thức dậy vào lúc 5h, mỗi ngày, cô dư thêm quỹ thời gian để lên kế hoạch và chuẩn bị bữa ăn một cách có chiến lược hơn, sắp xếp mọi thứ theo từng ngày.
“Tôi thích nấu ăn và có một buổi sáng yên tĩnh để cắt, thái. Điều này khiến tôi cảm giác rất thiền định mà không phải lo lắng về thời gian cần hoàn thành công việc. Tôi ít gọi đồ ăn mang đi, nấu ăn nhiều hơn nên cũng ít lãng phí thực phẩm hơn”, Manaker nói.
Việc tự chuẩn bị và lên kế hoạch nấu nướng phần nào giúp cô giảm căng thẳng tài chính xung quanh. Quan trọng hơn, khả năng lập kế hoạch cho phép Manaker đưa ra những lựa chọn thông minh hơn về những gì cô ăn và thời điểm ăn. Từ đó khiến cơ thể cô duy trì năng lượng suốt cả ngày với các bữa ăn chính, đồ ăn nhẹ và đồ uống cân đối.
Chuyển hóa lành mạnh, ít thèm rượu bia
Trước khi thực hiện thử thách này, Lauren Manaker thường đặt nhiều cốc nước xung quanh mình, sau đó đặt báo thức để nhắc nhở bản thân uống nước.
Nhưng bắt đầu một ngày mới vào lúc 5h đã giảm bớt áp lực này. Manaker thấy mình uống nhiều nước hơn khi tự nhiên thấy khát. Sự thay đổi lớn hơn khi cô ít cảm giác thèm rượu hơn vào buổi tối.
“Uống một ly vang hồng trong bữa tối là nghi thức mà tôi mong chờ hàng đêm như một phần thưởng cho việc sống sót qua một ngày khó khăn. Tuy nhiên, khi bắt đầu thức dậy lúc 5h hàng ngày, việc uống một ly rượu vang hoặc bất kỳ loại rượu nào khác trong tuần đã mất đi sự hấp dẫn”, Manaker chia sẻ.
Thỉnh thoảng, khi uống một ly rượu vào buổi tối, Manaker nhận thấy cảm giác uể oải và thiếu năng lượng vào sáng hôm sau khiến việc hoàn thành công việc trong ngày trở nên khó khăn hơn nhiều.
Vì vậy, từ tháng 1, cô đã chuyển từ đồ uống có cồn sang các loại nước nguyên chất, không cồn hoàn toàn chỉ trong vài ngày một cách vô thức.
“Và tôi cũng không thực sự nhớ việc uống rượu mỗi ngày”, nữ tác giả chia sẻ.
Thói quen dậy sớm giúp bạn có nhiều thời gian để chuẩn bị cho bữa ăn, ít thèm đồ uống có cồn hơn. Ảnh: Shutterstock.
Giành lại thời gian và sức khỏe cho bản thân
Lauren Manaker thừa nhận cô thậm chí thức dậy theo bản năng lúc 5h sáng vào cuối tuần mà không cần báo thức. Việc tham gia “câu lạc bộ lúc 5h sáng” đã mang lại lợi ích cho cô theo một số cách.
“Về cơ bản, nó cho phép tôi giành lại nhiều thời gian hơn cho bản thân, giảm thiểu một số căng thẳng hàng ngày và giúp tôi kiềm chế sự lo lắng. Điều này giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn và thức dậy một cách tự nhiên trong trạng thái nghỉ ngơi đầy đủ và tràn đầy năng lượng cho ngày hôm sau”, Manaker nói.
Cô chia sẻ thêm theo thời gian, ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến tăng cân, khó tập trung và dễ cáu kỉnh. Vì vậy, nếu một người ngủ đủ giấc, việc thức dậy sớm hơn chắc chắn có thể có một số tác động tích cực đến sức khỏe.
Lauren Manaker cũng cho biết trong vài ngày qua, chỉ số huyết áp của cô đã ở mức khỏe mạnh, khoảng 120/80. Giảm cân vốn không phải là mục tiêu chính của Manaker, nhưng cô thấy thật vui khi mình giảm được gần 2 kg.
Manaker cũng nói với Eat This, Not That: “Tôi không thể nói rằng nếu bạn làm tất cả điều này chính xác như tôi đã làm, bạn sẽ nhận được kết quả chính xác như vậy. Cơ thể mỗi người vốn có lịch trình, tiền sử bệnh và nhu cầu ăn kiêng khác nhau. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen của bạn theo những cách nhỏ có thể giúp hình thành thói quen mới tốt hơn, dĩ nhiên tạo ra nhiều thay đổi tích cực hơn”.
Theo Bích Huệ (zing) – Ảnh: T.H