Canh lòng lợn bình dân vị thanh, không béo, chế biến sạch sẽ được thực khách ưa chuộng suốt nhiều thập kỷ.
Koh Brother Pig’s Organ Soup (Canh lòng lợn Koh Brother) là một trong những tiệm bán canh lòng lợn lâu đời và nổi tiếng nhất Singapore. Chủ quán đời đầu, ông Koh Kee Teo, bán món canh này trên chiếc xe đẩy từ năm 1955, sau đó cố định tại một khu ăn uống ở Tiong Bahru. Nhờ công thức bí mật, món ăn thu hút lượng khách lớn mỗi ngày. Năm 2019, quán nhận giải thưởng Michelin Bib Gourmand, là quán canh lòng lợn đầu tiên ở Singapore được trao giải thưởng này. Hiện quán do thế hệ thứ ba, anh Thomas Koh, bán. Món ăn vẫn mang hương vị được tạo ra từ công thức gốc.
Bát canh nấu theo phong cách ẩm thực Triều Châu (Trung Quốc). Nước dùng – “tinh túy” của món ăn – ninh từ xương lợn trong nhiều giờ, hương vị đậm đà ăn cùng dưa cải muối. Theo Thomas, canh lòng lợn mang vị đặc biệt mà nhiều món bình dân ở Singapore như cơm gà, mì cá viên không có. Đó là vị chua, thanh, béo, khiến thực khách có thể ăn mỗi ngày không chán.
Húp một ngụm nước súp, thực khách lập tức sảng khoái nhờ vị chua chua của dưa cải muối, nước canh thơm nhẹ và vị ngọt tự nhiên của xương heo lẫn nội tạng nấu kỹ. “Điều khiến tôi đặc biệt thích món canh này là người ta không dùng vị cay nồng át đi mùi khó chịu của nội tạng lợn. Không có bất kỳ mùi khó chịu nào – dấu hiệu rõ ràng cho thấy chủ quán đã bỏ nhiều công sức làm sạch nội tạng trước khi phục vụ khách hàng” – thực khách Felicia Koh (Singapore) nói.
Quán chỉ sử dụng vài loại nội tạng như thận, ruột, tim và lòng. Tất cả đều được nấu chín hoàn hảo, không bị dai cũng không quá chín. Ruột già được nhiều người ưa chuộng nhờ có độ giòn, sần sật. Ngoài ra, thành phần món ăn còn có thịt viên và thịt nạc. Khi ăn, thực khách thêm chút ớt và nước tương, nếm vừa miệng. Nhiều người thích gọi canh lòng lợn ăn với cơm.
Thực chất, các món chế biến từ nội tạng không phổ biến ở Singapore, nhất là tại những khu ăn uống bình dân vì nhiều người lo ngại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, canh lòng lợn Koh Brother lại rất được lòng nhiều người nhờ bảo đảm sạch sẽ. “Nội tạng được sơ chế tỉ mỉ. Phần ruột được xẻ ra, cạo sạch tuyệt đối. Do đó, các thành phần không có mùi và nấu chín đúng độ”, trang Danielfooddiary – một trong những blog ẩm thực Singapore nổi tiếng – giới thiệu.
Năm ngoái, Thomas Koh mở một chi nhánh khác trong trung tâm thương mại, cũng bán món canh nội tạng từ công thức của ông nội nhưng sử dụng “nguyên liệu cao cấp” hơn, nhập khẩu từ châu Âu như tim, gan, ruột và dạ dày lợn. Sau đó, quán của anh phải đóng cửa cách đây không lâu do ế. Thomas cho biết vì muốn tách biệt thương hiệu mới với quán lâu năm của gia đình nên anh đặt tên khác. Do đó, mọi người đã không biết rằng nội tạng ở quán mới cũng được cha của Thomas rửa sạch tỉ mỉ tại quán cũ ở Tiong Bahru.
“Lẽ ra tôi nên sử dụng thương hiệu Koh Brother. Thời điểm tôi đổi nhãn hiệu, thực khách không dám ăn. Họ không chắc thực phẩm có sạch không. Vì vậy, danh tiếng rất quan trọng với một cửa hàng bán canh nội tạng lợn”, anh nói và kể vài lần, nhiều khách hàng tại Tiong Bahru bắt gặp anh mặc đồng phục của quán mới thì biết hai quán liên quan nhau. Họ nói đã không dám ăn thử ở cửa hàng mới của anh.
Bên cạnh canh lòng lợn, ruột già nhồi gạo nếp của quán cũng được nhiều thực khách yêu thích. Món ăn giống dồi, nhưng thành phần nguyên liệu đơn giản hơn. Khi ăn, thực khách chấm chung nước tương pha ớt. Tuy nhiên, do chuẩn bị cầu kỳ, nhiều công đoạn nên hiện các quán bán canh lòng lợn rẻ mà ngon không còn nhiều ở Singpore. Ngoài Koh Brother, thực khách có thể ghé quán Cheng Mun Chee Kee tại đường Foch.
Theo Diệp Tử (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H