Sự cáu giận gây tăng viêm nhiễm, suy giảm chức năng phổi, ảnh hưởng đến tim hay hệ tiêu hóa trong cơ thể.

1. Tăng viêm nhiễm

Một nghiên cứu đang được tiến hành cho thấy căng thẳng mãn tính cũng như những cảm xúc tiêu cực liên quan đến căng thẳng có mối liên hệ chặt chẽ với mức độ viêm cao hơn trong cơ thể và các phản ứng rối loạn chức năng của hệ thống miễn dịch.

Stefanie Duijndam, Tiến sĩ, trợ lý giáo sư tại Đại học Tilburg và là nhà nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Rối loạn Tâm lý và Bệnh Soma ở Hà Lan, giải thích rằng hệ thống miễn dịch được thiết kế để tấn công các mối đe dọa tiềm ẩn với cơ thể bằng các tế bào gây viêm.

“Khi bị căng thẳng mãn tính, bao gồm cả sự tức giận, những dấu hiệu viêm này cũng tăng lên”, Duijndam nói. Vì vậy, ngay cả khi không bị nhiễm trùng, chẳng hạn đang ủ bệnh, những tế bào viêm nhiễm này có thể bắt đầu hoạt động mạnh mẽ và tấn công các tế bào khỏe mạnh nếu bạn thường đối mặt những cơn giận dữ.

Một nghiên cứu năm 2019 theo dõi 226 người lớn tuổi trong một tuần cho thấy những người có mức độ tức giận cao hơn thường có mức độ viêm nhiễm và nguy cơ mắc các bệnh mãn tính cao hơn, chẳng hạn bệnh tim, viêm xương khớp, tiểu đường và thậm chí một số bệnh ung thư.

2. Gây bệnh tim

Ryan Martin, Tiến sĩ, giáo sư tâm lý học tại Đại học Wisconsin ở Green Bay và là tác giả cuốn Tại sao chúng ta nổi điên: Cách sử dụng sự tức giận của bạn để thay đổi tích cực, nói: “Phần lớn bằng chứng mà chúng tôi có về hậu quả sức khỏe của sự tức giận có liên quan đến tim và hệ thống tim mạch”.

Trong khi đó, tiến sĩ Duijndam cho biết: “Nếu bạn cứ liên tục rơi vào tình trạng cáu giận, khả năng phục hồi của tim mạch sẽ rất kém”. Bà cho hay nguyên nhân là bởi cơn giận sẽ khiến chúng ta luôn ở trong trạng thái căng thẳng.

Tức giận có thể làm tăng huyết áp và nhịp tim, hai yếu tố gây áp lực lớn lên cơ tim và do đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp mãn tính. Hormone căng thẳng cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu và nồng độ axit béo, có thể làm hỏng các mạch máu và dẫn đến sự tích tụ mảng bám trong động mạch. Đó là một trong những lý do tại sao việc thường xuyên nổi giận và luôn tức giận có thể là một trong những yếu tố gây ra các tình trạng như bệnh tim mạch, đau tim, đột quỵ và tiểu đường loại 2.

Tức giận không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng mà còn đến nhiều cơ quan trong cơ thể.
Tức giận không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng mà còn đến nhiều cơ quan trong cơ thể.

3. Làm suy giảm chức năng phổi

Thở nhanh và nông là một trong những tác động vật lý đầu tiên mà sự tức giận gây ra với cơ thể. Tiến sĩ Duijndam nói: “Đây là cách cơ thể bạn cố gắng cung cấp nhiều oxy hơn cho những vùng mà cơ thể cho là thiết yếu, như não và cơ bắp. Do đó, những cảm xúc mạnh mẽ như tức giận là nguyên nhân phổ biến gây ra các cơn hen suyễn ở những người dễ mắc bệnh”.

Các nhà nghiên cứu lưu ý một số cảm xúc nhất định cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe phổi tổng thể của bạn. Ví dụ, một nghiên cứu có sự tham gia của 670 người đàn ông lớn tuổi, yêu cầu họ trả lời khảo sát để đo lường mức độ thù địch của bản thân. Những người này cũng đã có một số xét nghiệm chức năng phổi trong khoảng thời gian 8 năm.

Các nhà nghiên cứu sau đó phát hiện ra mức độ thù địch cao có liên quan đến sự sụt giảm điểm chức năng phổi cũng như tốc độ suy giảm nhanh hơn theo thời gian, dù họ hút thuốc hay không. Các tác giả cho rằng những cảm xúc tiêu cực có thể thúc đẩy viêm khắp cơ thể, bao gồm cả phổi, góp phần vào sự phát triển của các bệnh phổi khác nhau.

4. Gây đau mãn tính

Nếu đang trong cơn thịnh nộ, bạn có thể cảm thấy hơi nóng di chuyển từ phần cơ lõi đến các vùng như ngực, cánh tay và hàm. Tiến sĩ Duijndam nhấn mạnh: “Nếu không được giải phóng, sự tức giận chắc chắn dẫn đến căng cơ và trở thành một đống rung cảm xấu, có thể gây ra đau nhức hoặc đau đớn nghiêm trọng”.

Trong một nghiên cứu năm 2022, các nhà khoa học yêu cầu gần 500 người mắc và không mắc chứng đau nửa đầu hoàn thành bảng câu hỏi về phản ứng của họ trước sự tức giận. Kết quả cho thấy những người bị chứng đau nửa đầu trải qua sự tức giận dữ dội hơn và đạt điểm thấp hơn trên thang điểm trí tuệ cảm xúc, hoặc khả năng nhận biết, hiểu và quản lý cảm xúc của họ.

Trong một nghiên cứu khác năm 2022, các nhà khoa học phát hiện những người sống chung với chứng đau lưng mãn tính mà không có nguyên nhân rõ ràng, có xu hướng bị căng cơ nhiều hơn khi họ tức giận. Nói cách khác, với một số người, biểu hiện đau đớn về thể chất có thể được kích hoạt bởi những cảm xúc mạnh mẽ, bao gồm cả sự tức giận.

5. Ảnh hưởng hệ tiêu hóa

Đường ruột, bao gồm dạ dày, ruột già và ruột non, có hệ thống thần kinh riêng. Nó hoạt động ngay cả khi không có não và trên thực tế, hệ thống này có nhiều tế bào thần kinh hơn toàn bộ tủy sống. Chúng bao gồm các tế bào thần kinh cảm giác cùng các tế bào thần kinh vận động kiểm soát các cơn co thắt đường tiêu hóa (GI).

Ruột và não được mô tả như đường cao tốc hai chiều. Khi phản ứng chiến đấu-hay-bỏ chạy (phản ứng đối phó sự căng thẳng) của bạn thường xuyên được kích hoạt, não có thể tác động đến các cơn co thắt liên quan đến quá trình tiêu hóa, dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, táo bón, tiêu chảy và đau dạ dày.

Do đó, không quá ngạc nhiên khi các rối loạn đường tiêu hóa như bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), hội chứng ruột kích thích (IBS) và táo bón mãn tính có liên quan đến sự gián đoạn trong mối quan hệ của ruột và não.

Một nghiên cứu nhỏ năm 2014 trên 60 người mắc Hội chứng ruột kích thích (IBS) và 45 người không mắc bệnh cho thấy nhóm IBS đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra về mức độ nhạy cảm tức giận nói chung.

6. Ảnh hưởng làn da

Giống đường ruột, da cũng có thể phản ứng với căng thẳng cảm xúc. “Rất nhiều vấn đề về da là hậu quả của việc giải phóng các hóa chất gây viêm không phù hợp”, Richard Fried, Tiến sĩ, bác sĩ da liễu, nhà tâm lý học lâm sàng và giám đốc lâm sàng của Yardley Dermatology, từng nói.

Tình trạng viêm có thể gây bùng phát nếu bạn đang gặp các bệnh như chàm da, vẩy nến, mụn do nội tiết tố hoặc chứng đỏ mặt (rosacea). Một bản đánh giá năm 2020 xem xét mối quan hệ giữa cảm xúc tiêu cực và rối loạn da đã lưu ý rằng có sự liên hệ giữa việc thể hiện sự tức giận với bệnh vẩy nến và phát ban mãn tính. Điều này không có nghĩa mỗi khi cảm thấy tức giận sẽ trực tiếp gây ra một số tình trạng da nhất định. Tuy nhiên, cách xử lý cảm xúc mạnh mẽ, sự căng thẳng có thể khiến những tình trạng này khó kiểm soát hơn.

Ngoài ra, cách bạn đối phó sự tức giận cũng sẽ ảnh hưởng đến làn da. Nếu bạn có xu hướng chạm hoặc cạy mặt nhiều khi cảm thấy căng thẳng, lo lắng hoặc cáu kỉnh, điều đó sẽ chỉ khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn. Hoặc nếu cơn thịnh nộ khiến bạn mất ngủ và ăn uống kém, làn da cũng có thể bị ảnh hưởng.

Nhận biết và chỉ ra sự tức giận có thể làm giảm nguy cơ ảnh hưởng lâu dài

Theo Tiến sĩ Duijndam, tìm đến sự trợ giúp của một nhà trị liệu là lý tưởng nhất để bạn học cách thay thế những suy nghĩ thảm khốc do cơn thịnh nộ gây ra bằng những suy nghĩ điềm tĩnh hơn.

Ngoài ra, đừng nên cho rằng giải phóng cảm xúc sẽ khiến bạn hết giận. Trên thực tế, việc này sẽ chỉ khiến cơn giận của bạn lớn hơn. Thay vào đó, hãy bắt đầu với những lời khuyên được bác sĩ trị liệu khuyến nghị để đối phó sự tức giận. Điều này giúp làm dịu hệ thống thần kinh, thay vì khiến nó trở nên căng thẳng.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: www.giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link