Chích ngừa một bệnh không bao giờ có thể ngừa được 100% trường hợp mắc bệnh đó.

Lý do đầu tiên là cơ thể không đáp ứng với vaccine. Đối với bệnh sởi, sau khi chích ngừa mũi đầu, khả năng bảo vệ trẻ là 80%. Tỷ lệ này tăng lên 97% nếu trẻ được chích mũi nhắc lại. Như vậy, vẫn còn 3% trường hợp được chích ngừa nhưng vẫn bị sởi.

Lý do thứ 2 của việc chích ngừa nhưng vẫn mắc bệnh là cơ thể có đáp ứng kém với vaccine. Ở trường hợp này, trẻ có thể mắc bệnh nhưng chỉ ở mức độ nhẹ.

Lý do thứ 3 là trẻ mắc các bệnh phát ban khác, nhưng lại bị nhầm là sởi. Ta có thể mắc bệnh sởi sau 10-12 ngày tiếp xúc với virus sởi. Triệu chứng đầu tiên khi bị sởi là sốt cao, ho chảy nước mắt, nước mũi, khó chịu, đau người.

Sau đó, người mắc sởi bắt đầu xuất hiện đốm Koplik đặc hiệu cho bệnh sởi trong niêm mạc má và phát ban da dần dần từ sau tai, mặt xuống thân và 2 chân. Một số trường hợp sởi nhẹ thường chỉ sốt nhẹ, ít phát ban và viêm long hơn. Khi có các triệu chứng sốt kèm phát ban, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác mình có bị sởi hay không.

Nhiều trường hợp trẻ em mắc sởi nặng, với nhiều biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, viêm não nặng, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, những trường hợp này thường đều chưa được chích ngừa sởi.

Vì vậy, phụ huynh nên đưa con đi chích ngừa sởi để bảo vệ trẻ khỏi bệnh này. Ngay cả trong trường hợp đã chích ngừa mà vẫn mắc bệnh, mức độ bệnh cũng sẽ nhẹ và ít để lại biến chứng hơn.

TS.BS Phạm Diệp Thùy Dương – nguyên Giảng viên Bộ môn nhi, Đại học Y Dược TP.HCM, giảng viên Đại học Quốc tế Miền Đông chỉa sẻ.

Theo Zing – Ảnh: T.H

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link