Nhiệt miệng gây cảm giác đau đớn, khó chịu khi nói chuyện, há miệng hay thậm chí ăn uống.
Nhiệt miệng gây đau đớn, khó chịu khi ăn và nói chuyện. Ảnh: Healthline.
Nhiệt miệng là căn bệnh thường gặp ở khoang miệng. Mọi lứa tuổi, giới tính đều có thể ở mắc phải.
Theo đông y, nhiệt miệng là do hỏa độc, nhiệt độc ở tỳ vị hoặc do thấp nhiệt ở tỳ vị. Thấp nhiệt là ăn uống nhiều chất béo, cay, khó tiêu… nhiệt độc cộng với nước bọt ở miệng, lâu ngày nung đốt niêm mạc và hình thành vết loét, nứt nẻ ở miệng, lưỡi.
Trong những ngày Tết, chế ăn uống các món giàu năng lượng và tính nóng như bánh chưng, bánh tét, dưa hành, nước ngọt có gas, rượu bia… cùng với đó là lượng nước nạp cho cơ thể không đủ khiến nhiều người bị nhiệt miệng và chịu đau đớn khi ăn uống.
Ăn Tết mất ngon vì nhiệt miệng
Minh Tài (23 tuổi, sống ở TP.HCM) đón Tết Nguyên đán 2023 trong trạng thái khó chịu suốt nhiều ngày qua bởi bất ngờ xuất hiện nhiệt miệng.
Do thói quen quên uống nước, thường xuyên nóng trong người, chỉ sau 10 giờ di chuyển trên xe khách về quê, Tài đã bị nổi hai nốt nhiệt ở khoang miệng và dưới lưỡi.
“Cơ địa tôi thường xuyên bị nổi nhiệt miệng, tuy nhiên, nhiệt miệng xuất hiện ngày Tết thì xem như ăn uống mất ngon. Tôi phải cố gắng nhai thức ở một bên miệng và không ăn được các món mặn”, Tài chia sẻ.
Để nhanh chóng giải quyết “của nợ” trong miệng, Tài cố gắng dùng nhiều phương pháp, từ mua thuốc thanh nhiệt, giải độc ở nhà thuốc đến uống nước liên tục để làm mát cơ thể.
May mắn đến mùng 3 Tết, các nốt nhiệt miệng cải thiện, không còn gây đau đớn khi ăn và nói chuyện.
Theo chia sẻ, bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, cho biết nhiệt miệng hay loét niêm mạc miệng là bệnh thường lành tính nhưng lại gây khó chịu cho người bệnh và ảnh hưởng đến việc sinh hoạt hàng ngày như ăn, nói…
Biểu hiện của bệnh là trong niêm mạc miệng xuất hiện một hoặc nhiều đốm trắng to 1-2 mm, đốm trắng to dần hơi mọng nước, vài ngày sau đồng loạt vỡ ra tạo thành vết loét.
Vết loét to dần, thậm chí to đến 10 mm làm ảnh hưởng nhiều đến ăn uống sinh hoạt và giao tiếp. Nếu không có biến chứng, vết loét tự lành sau 10-15 ngày rồi lại tái diễn đợt khác tương tự.
Theo bác sĩ Vũ, một số nguyên nhân gây nhiệt miệng bao gồm:
– Suy giảm chức năng khử độc của gan, các chất độc (chủ yếu là kim loại nặng như asen, chì…) tích tụ lại ở niêm mạc đường tiêu hóa (chủ yếu là niêm mạc miệng). Khi lượng chất độc đủ lớn tạo nên ổ hoại tử rồi vỡ ra tạo thành vết loét (nhiệt miệng).
Nốt nhiệt miệng có thể to đến 10 mm, ảnh hưởng nhiều đến ăn uống sinh hoạt và giao tiếp. Ảnh: Shutterstock.
– Khi người bệnh gặp áp lực tinh thần lớn, công việc căng thẳng, stress khiến cho chức năng miễn dịch bị suy giảm; các rối loạn bài tiết bên trong, phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt; dị ứng với thuốc hoặc thực phẩm. Trong đó, suy giảm miễn dịch được xem là nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhiệt miệng
– Bệnh có nhiều liên quan đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, bệnh mang tính chất tự miễn, tức là tự cơ thể hình thành dị nguyên.
Một số trường hợp liên quan đến độc tố tồn tại nhiều trong máu, chức năng khử độc của gan kém, điều này khiến cơ thể tự sinh ra kháng thể để dung giải chất độc đó.
Phản ứng này sinh ra ổ hoại tử, sau đó vỡ ra hình thành vết loét. Đồng thời, vùng da này lại thường xuyên bị ướt do nước bọt cộng với dịch thức ăn phức tạp khiến vết loét lâu lành hơn.
– Nhiễm khuẩn: Do mất cân bằng sinh học của tạp khuẩn trong miệng bao gồm các vi khuẩn ái khí, kỵ khí và nấm cộng sinh.
– Yếu tố nội tiết: Thể hiện khá rõ ở phụ nữ dễ bị nhiệt miệng trong thời kỳ sau sinh, mãn kinh hoặc trong khi mang thai.
– Một số yếu tố nguy cơ: Thiếu hụt các chất tạo máu như iron, folic acid, vitamin B12.
– Các yếu tố thuận lợi cho nhiệt miệng là: vết trầy do đánh răng, stress, tình trạng dị ứng của cơ thể (như viêm mũi dị ứng), phụ nữ trong những ngày trước khi hành kinh, gia đình có tiền sử nhiều người bị nhiệt miệng.
Cách chữa nhiệt miệng
Theo kinh nghiệm y học cổ truyền, người bị nhiệt miệng có thể uống vitamin C liều cao, Vitamin A, B2 giúp tái tạo niêm mạc giúp nhanh khỏi nhiệt miệng.
Sử dụng gel bôi nhiệt miệng chứa thành phần Chlorhexidine digluconate có tác dụng trị những vết loét cục bộ trong miệng, nhiễm khuẩn, viêm quanh chân răng, phòng ngừa viêm lợi…
Bên cạnh đó, trong ăn uống hàng ngày, người bị nhiệt miệng không sử dụng nước đá lạnh, súc miệng sau khi ăn bằng nước muối ấm pha loãng.
Một sai lầm thường gặp của những người bị nhiệt miệng đó là không súc miệng bằng nước muối vì tiếp xúc với muối sẽ khiến các vết loét bị rát, gây đau đớn.
Các thực phẩm có vị chua hỗ trợ điều trị nhiệt miệng khá hiệu quả. Ảnh: Pixabay.
Trên thực tế, nước muối có tác dụng diệt khuẩn, khử mùi, không chỉ giúp hơi thở thơm tho hơn mà nó còn khiến các vết loét nhanh lành hơn.
Theo kinh nghiệm dân gian, một số bài thuốc từ bột sắn dây, nước cốt dừa, lá húng chó, cà chua sống, khế chua tươi, cỏ mực, rau ngót, củ cải tươi, nước cam/chanh, nước chè tươi, nước rau má hay diếp cá… có tác dụng kháng khuẩn, thanh nhiệt, hỗ trợ điều trị nhiệt miệng hiệu quả.
Ngoài ra, khi bị nhiệt miệng, trong chế độ ăn uống, bạn nên bổ sung nhiều nước, ăn nhạt, tránh các thực phẩm cay nóng như ớt, tiêu, gừng…
Chế độ ăn nên có thêm nhiều rau xanh, hoa quả, đặc biệt các loại rau mát như rau má, rau ngót, mồng tơi… vì chúng có tác dụng thanh nhiệt, chóng lành vết thương.
Các loại thịt cá nước ngọt, thịt vịt, ba ba sẽ tốt hơn so với thịt gà, tránh thịt chó, các loại mắm. Bạn cũng nên ăn nhiều thực phẩm có tính chua để giúp vết thương nhanh lành.
Ngoài những cách chữa nhiệt miệng trên ra, trong mọi trường hợp nhiệt miệng, yếu tố được đặt lên hàng đầu là cần tăng cường vệ sinh răng miệng để tránh bội nhiễm, hạn chế diễn biến xấu.
Theo Bích Huệ (zing) – Ảnh: T.H