Topping dùng để chỉ nguyên liệu được thêm vào món ăn gốc. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá nhiều vào đồ ăn khiến hương vị, chất lượng bị ảnh hưởng.
Các món ăn truyền thống bị nhiều người cho là đe doạ cách thưởng thức truyền thống khi bổ sung quá nhiều đồ ăn thêm. Ảnh: Huệ Lâm.
“Full topping” (món ăn đủ các loại nhân đi kèm) đang trở thành trào lưu phổ biến trong ẩm thực. Các món ngọt như chè, trà sữa, tào phớ đều có thạch, trân châu. Với các món mặn như bún, bánh giò, xôi, nhiều nơi thêm giò, chả cốm, xúc xích.
Nhận xét về những món ăn “full topping”, anh Thế Nghiệp (26 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết hiện này có ít quán giữ được hương vị gốc của món ăn.
“Trước kia, chỉ cần đi qua Phủ Tây Hồ (Tây Hồ, Hà Nội) là đã thấy mùi thơm của ốc. Giờ chỉ toàn ngồn ngộn đủ thứ thịt. Dọc các con ngõ cũng toàn biển bán bún, miến với nhiều thứ ăn kèm”, anh chia sẻ.
Mất hương vị truyền thống
Trên các trang đặt món ăn trực tuyến, khách hàng có thể dễ dàng nhận thấy hình ảnh các món ăn ngập tràn đủ thứ topping. Hashtag #toppings có hơn 640.000 bài đăng trên Instagram. Nhiều quán còn dùng cụm từ “ngập topping” để tạo hiệu ứng thu hút cho khách hàng.
Nhiều người cho rằng xu hướng “full topping” khiến món ăn mất đi hương vị đặc trưng. Họ cho rằng thưởng thức món ăn không chỉ để “sướng miệng”, mà còn là để hoài niệm về văn hóa truyền thống.
Bún ốc nguội truyền thống Hà Nội. Ảnh: Thu Trang.
Bà Lan, chủ quán bún ốc nguội (Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng), cho biết đã bán bún ốc hơn 30 năm. Mặc trào lưu hay góp ý của nhiều người, bún ốc ở đây chỉ đơn giản có mẹt bún lá, 7-8 con ốc mít và nước dùng.
Theo bà chủ, nước dùng của quán không pha, chần thêm xương hay thịt để đảm bảo hương vị và độ trong.
Chị Phương Linh (Hà Nội), buôn bán tự do, cho biết không ăn được những món cho quá nhiều topping. Chị cho rằng ăn như vậy món nào cũng như nhau. Theo chị, xu hướng buffet trà sữa, buffet chè thường có quá nhiều loại thạch, khiến món ăn bị lẫn vị, không còn hương thơm đặc trưng.
Thay đổi theo xu thế
Nhóm khách hàng trẻ thường có tâm lý ăn uống theo xu hướng. Các bài đăng, check-in tại quán ăn với hình ảnh đa dạng topping trên mạng xã hội góp phần thu hút thực khách.
Theo chị Thu Huyền, chủ quán bún riêu cua Bình Huyền (Triệu Việt Vương, Hai Bà Trưng), cho biết quán bún mở cách đây 25 năm. Ban đầu, quán bún riêu chỉ có thêm đậu phụ, giò heo. Nhưng khoảng 7 năm nay, do nhu cầu khách hàng, quán đã bổ sung các loại topping khác. Bát bún riêu cua đầy đủ có giá dao động 50.000-80.000 đồng, bao gồm ốc nhỏ, ốc to, thịt bò, tóp mỡ, trứng vịt lộn…
Đa phần khách tới quán này gọi suất đầy đủ. “Các bạn trẻ thường thích gọi kèm tóp mỡ và trứng lộn. Rất ít khách hàng gọi suất chỉ bún riêu không, thường là các bác trung niên, thích ăn kiểu ngày xưa. Ngày cao điểm, quán bán được 20 kg thịt bò, 300 cái giò”, cô Thu Huyền niềm nở nói.
Đa dạng topping khiến món ăn bắt mắt hơn. Ảnh: Lazy Bean.
So với món ăn truyền thống, lý do khiến khách hàng thích thú với những món ăn “full topping” là sự đa dạng hương vị, hình thức màu sắc bắt mắt.
Chị Mai Lan (25 tuổi, Hà Nội, làm việc tự do) chia sẻ sở thích ăn uống là món gì cũng phải đầy đủ topping. Với chị, phần ăn như vậy nhìn rất hấp dẫn, hương vị hòa quyện với nhau. Khi được hỏi cảm nhận về phần ăn truyền thống, chị chia sẻ thấy hơi nhạt nhẽo.
Đồng quan điểm, Lan Anh (20 tuổi, sinh viên) cũng là tín đồ của món ăn “full topping”. Ngoài ưu điểm về hương vị và hình thức, bạn trẻ này cho biết một phần ăn như vậy có giá thành tương đối phù hợp túi tiền.
“Có những hôm lỡ bữa, quán hết topping, mình đành ăn bún riêu lõi bò, như vậy hơi thiếu vị. Theo mình, phần ăn ‘full topping’ không làm mất đi hương vị gốc mà còn tăng thêm sự phong phú cho món ăn truyền thống”, Lan Anh cho biết.
Cá nhân hóa lựa chọn
Theo chia sẻ, anh Nguyễn Hải, người có 9 năm kinh nghiệm trong ngành pha chế, hiện là quản lý quán cà phê Monocle (Đặng Văn Ngữ, Đống Đa), cho biết việc quán có đa dạng topping tạo tâm lý cá nhân hóa cho khách hàng.
“Một số đồ uống chỉ phù hợp với tùy loại topping nhất định. Tuy nhiên, một số khách hàng nhìn thấy loại nào cũng hấp dẫn, nên muốn trộn tất cả với nhau. Như vậy khiến đồ uống chuyển sang hương vị hoàn toàn khác”, anh nhận định.
Đa dạng các loại topping. Ảnh: @foodbycuu.
Ngoài ra, chủ quán cà phê này đưa ra lời khuyên các quán nên tư vấn lựa chọn topping cho khách hàng, khuyến cáo một số ảnh hưởng khi kết hợp nhiều topping không hợp nhau, gây giảm chất lượng đồ uống.
Các quán ăn có đa dạng topping thu hút đông đảo khách hàng trẻ bởi sự kích thích thị giác, phong phú lựa chọn. Với người trẻ, món ăn ngon không chỉ nằm ở hương vị, trình bày đẹp mắt là yếu tố rất quan trọng.
Anh Thanh Tùng, chủ quán tào phớ, sữa đậu Lazy Bean (Đoàn Trần Nghiệp, Đống Đa) cho biết hương vị ngọt thanh của nước đường hòa quyện cùng những lát phớ mịn và dày gây nghiện cho thực khách. Với sự bổ sung của topping phù hợp, món ăn vặt càng được kích thích về mặt vị giác.
Tùy khẩu vị mỗi người mà có thể lựa chọn đa dạng các loại topping khác nhau. Tuy nhiên, một số quán ăn nên cân nhắc, lựa chọn các loại topping, tránh ảnh hưởng quá nhiều đến hương vị truyền thống của món ăn.
Theo Thu Trang (zing) – Ảnh: T.H