Trẻ gặp tình trạng này nên ăn nhiều calo hơn lượng khuyến nghị, tăng cường bổ sung vitamin và tránh ăn hải sản hay nội tạng động vật.

Trẻ mắc bệnh gan mạn tính cần tăng lượng calo khoảng 130-150% so với nhu cầu khuyến nghị hàng ngày. Ảnh: Shutterstock.

Theo các bác sĩ khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), trẻ có tình trạng tổn thương gan kéo dài trên 6 tháng được xem là mắc bệnh gan mạn tính.

Một số bệnh lý gan mạn tính có thể ảnh hưởng tới trẻ gồm bệnh teo đường mật bẩm sinh, viêm gan virus mạn tính, bệnh thiếu hụt citrin, hội chứng Alagille, rối loạn chuyển hóa mật, bệnh Wilson, xơ gan…

Khi mắc tình trạng này, trừ giai đoạn đã có biến chứng suy gan và hôn mê gan, trẻ cần được cung cấp nhiều năng lượng hơn không chỉ để phát triển mà còn chống chọi với bệnh tật.

Ngoài ra, gan là cơ quan quan trọng trong việc chuyển hóa protein, lipid, carbonhydrate, lưu trữ và kích hoạt các vitamin, bài tiết chất độc. Axit mật còn đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thu lipid và các vitamin tan trong dầu.

Vì vậy, trẻ mắc bệnh lý gan mật, đặc biệt nhóm trẻ có triệu chứng vàng da ứ mật, sẽ nguy cơ bị suy dinh dưỡng và thiếu hụt các vitamin tan trong dầu cao hơn trẻ ở cùng độ tuổi.

benh gan man tinh anh 1

Phụ huynh nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm tươi, rau củ quả giàu vitamin và tránh thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, ốc, sò, hến…. Ảnh: Health.harvard.

Các bác sĩ cho biết trẻ mắc bệnh gan mạn tính cần tăng lượng calo khoảng 130-150% so với nhu cầu khuyến nghị hàng ngày. Cụ thể:

– Carbonhydrate: Chiếm 50-65% năng lượng cung cấp cho trẻ (trừ bệnh thiếu hụt citrin và bệnh glycogenose). Trẻ bị suy gan hoặc mắc bệnh thuộc nhóm glycogenose có nguy cơ hạ đường huyết nên cần lưu ý chia nhỏ bữa ăn trong ngày.

– Protein: Chiếm 12-15% năng lượng cung cấp cho trẻ (trừ bệnh ứ mật trong gan do thiếu citrin).

– Chất béo: Chiếm 25-30% tổng năng lượng cung cấp cho trẻ và nên dùng chất béo dễ hấp thụ nhanh chóng qua đường ruột (chất béo MCT).

– Bổ sung các vitamin tan trong dầu như vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin K. Liều lượng bổ sung tùy từng tình trạng thiếu vi chất ở bệnh nhi.

– Bổ sung khoáng chất, vi chất và các vitamin tan trong nước: Vitamin tan trong nước cũng nên được bổ sung dưới dạng vitamin tổng hợp. Bên cạnh đó, đối với các khoáng chất như selen, kẽm, canxi và magie, việc bổ sung nên dựa vào kết quả kiểm tra ở từng trẻ.

Về chế độ ăn hàng ngày, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên lựa chọn thực phẩm tươi, rau củ quả giàu vitamin và tránh thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, ốc, sò, hến… Trẻ nên ăn protein từ thịt nạc, cá, sữa… và không ăn nội tạng động vật.

Đối với chất béo, phụ huynh nên dùng dầu thực vật, dùng dầu MCT hoặc sữa giàu MCT theo chỉ định của bác sĩ cũng như tránh dùng mỡ động vật. Các món ăn của trẻ cần hạn chế chế biến cầu kỳ, tránh các món rán và dùng nhiều gia vị.

Tùy theo từng độ tuổi và giai đoạn bệnh khác nhau, bữa ăn của trẻ phải có đủ các thành phần dinh dưỡng như carbonhydrate, lipid, protein và nên chia ra các bữa nhỏ để dễ hấp thụ.

Theo Nam Giao (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link