Trà là một loại thức uống được con người dùng từ rất lâu trong lịch sử vì hương vị thơm ngon, tao nhã.

Những thành phần tự nhiên trong lá trà olong có khả năng làm chậm tiến trình lão hóa. Ảnh: Reuters/Shamil Zhumatov/Illustration.

Từ xưa đến nay, trà được chứng minh là một trong những loại thức uống tốt nhất cho sức khỏe, sắc đẹp và ngày càng được ưa chuộng, sử dụng rộng rãi.

Trà có nhiều loại như trà xanh, trà đen, trà olong… Trong đó, trà olong có công nghệ chế biến riêng tạo ra hương vị khác biệt. Bên cạnh đó, trà olong cũng có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe và vẻ đẹp cơ thể.

Tinh túy từ lá trà

Theo Đông y, trà có vị ngọt đắng, tính mát, nhập 5 kinh: Tâm, can, tỳ, phế, thận. Vị đắng nên có thể tả hạ (tẩy xổ), táo thấp, giáng nghịch. Trà có vị ngọt nên bổ ích, hòa hoãn, tính mát nên thanh nhiệt, tả hỏa, giải độc.

Trà olong (hay ôlong) là một giống trà quý, có nguồn gốc từ Trung Quốc, được trồng nhiều ở Phúc Kiến, Quảng Đông và nổi tiếng nhất là ở Đài Loan.

Trà olong được chế biến theo phương pháp lên men không hoàn toàn (khoảng 20-70%) và sản phẩm có hình dạng viên tròn đặc trưng. Trà có hương mùi rất thơm và bền, vị nồng hậu, nước xanh hoặc xanh vàng, bã xanh.

Trà olong được chế biến từ cây trà (cây chè) với tên khoa học là Camellia Sinensis, thuộc họ chè (Theaceae). Camellia Sinensis có nguồn gốc ở khu vực Đông Nam Á, nhưng ngày nay nó được trồng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, trong các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Tất cả loại trà như trà xanh, trà đen, trà đỏ (trà olong)… đều được chế biến từ loài này. Sau khi được hái về, tùy vào quy trình chế biến ở mức độ oxy hóa khác nhau mà ta sẽ có được những sản phẩm trà với tên gọi khác nhau.

Ví dụ, trà đen là trà được cho lên men hoàn toàn rồi sấy khô, trà xanh là trà tươi không cho lên men, trong khi đó, trà olong (còn gọi là trà đỏ) là trà xanh được lên men nửa chừng.

Nhờ quy trình bán lên men, lượng men trong trà olong rất tốt cho những người bị mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp cũng như các vấn đề về gan và thận. Hiểu một cách đơn giản, trà olong chính là trà xanh trải qua quá trình chế biến bán lên men mà thành.

Trà olong được trồng ở những vùng núi đồi trên khắp Việt Nam, chủ yếu là tại Thái Nguyên, Mộc Châu, Yên Bái hay Lâm Đồng.

Để sản xuất được trà olong, người ta phải tuyển chọn kỹ lưỡng từ những búp trà xanh chất lượng. Trà phải được hái bằng tay, đảm bảo mỗi nhánh phải còn đủ một nụ và hai lá non trên búp.

loi ich cua tra anh 1

Thời điểm tốt nhất để uống trà là vào buổi sáng, sau khi thức dậy và sau bữa ăn sáng ít nhất 30 phút đến một giờ. Ảnh: Pixabay.

Sau đó, những đọt trà non sẽ được mang đi làm héo và làm héo liên tục với quá trình chế biến nhiệt để tạo nên đặc trưng của trà olong.

Chính nhờ phương pháp bán lên men độc đáo này, trà olong dù không sử dụng hương hay bất cứ phụ gia nào trong chế biến vẫn cho ra hương vị thanh khiết rất riêng và mang nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe.

Những lợi ích từ trà olong

Trà olong được nhiều người biết đến nhờ những tác dụng đặc biệt tốt cho sức khỏe. Quá trình bán lên men giúp trà olong vẫn giữ được hàm lượng polyphenol, một chất làm tăng cường hoạt động của enzym SOD (superoxide dismutase), giúp ngăn ngừa các gốc tự do, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Hơn nữa, những thành phần tự nhiên trong lá trà olong có khả năng làm chậm tiến trình lão hóa, giảm sự hình thành của tàn nhang và những nếp nhăn.

Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng trà olong có tác dụng kích hoạt sự trao đổi chất cơ bản. Quy trình trao đổi chất cơ bản tạo ra năng lượng tối thiểu cần thiết để duy trì các chức năng quan trọng.

Chất polyphenol trong trà có tác dụng khử các oxy hoạt tính, một loại oxy có hại tự sản sinh trong cơ thể. Một cơ thể với quy trình trao đổi chất tốt và có lượng oxy hoạt tính ở mức tối thiểu sẽ phòng, chống được các căn bệnh như ung thư, tiểu đường, xơ vữa động mạch, tim mạch…

Các nhà nghiên cứu nói rằng nồng độ cao các chất chống oxy hóa trong trà xanh gọi là catechins có thể có lợi cho sức khỏe.

Catechins của trà xanh gọi là EGCG, có thể giúp giảm tiến trình gây bệnh động mạch vành qua tác dụng trên cholesterol xấu LDL.

Uống trà còn kiềm chế được sự thèm ăn khiến cơ thể không hấp thu quá nhiều chất béo, thúc đẩy cơ chế trao đổi chất khiến lượng năng lượng bị đốt cháy gia tăng.

Thời gian thích hợp để uống trà là vào buổi sáng, sau khi thức dậy và sau bữa ăn sáng ít nhất 30 phút đến một giờ.

Sau một đêm dài, cơ thể tiêu hao lượng nước đáng kể, uống tách trà vào mỗi buổi sáng sẽ bổ sung kịp thời lượng nước và có thể hạ huyết áp, giảm quá trình hấp thụ chất béo từ thức ăn.

Ngoài ra, sau các bữa ăn mặn hay bữa ăn có nhiều dầu mỡ khoảng 30 phút, uống một ly trà xanh giúp lợi tiểu, bài tiết lượng muối dư thừa ra khỏi cơ thể.

Các thành phần có trong trà có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, làm giảm quá trình hấp thụ chất béo trong thức ăn cũng như vitamin mà cơ thể cần.

Theo BS CKII Huỳnh Tấn Vũ (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link