Trật tự cũ của bóng đá châu Âu khó thay đổi trong thời gian gần ngay cả khi các nhà sáng lập European Super League (ESL) thay đổi thể thức và cách tiếp cận đến công chúng.

Phán quyết từ Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) tưởng như dọn đường cho ESL được thành hình thật sự, nhưng phản ứng sau đó từ các đội hàng đầu châu Âu cho thấy điều ngược lại. Bốn trong số sáu CLB lớn nước Anh tuyên bố công khai việc không trở lại Super League, cam kết trung thành với UEFA và trật tự cũ của bóng đá châu Âu.

Xung đột lợi ích

“Sự thao túng của UEFA đã kết thúc”, Bernd Reichart, CEO của dự án Super League tuyên bố sau khi ECJ xử Super League thắng trong cuộc kiện tụng với UEFA và FIFA. Theo phán quyết được công bố ngày 21/12, UEFA và FIFA không có quyền xử phạt hay ngăn cấm các CLB châu Âu tham dự ESL.

Barca và Real là hai CLB chủ chốt trong dự án ESL, bất chấp những lời đe dọa trừng phạt từ UEFA hai năm qua. Từ thời điểm này trở đi, họ sẽ thoải mái khởi xướng kế hoạch Super League mà không lo bị loại khỏi Champions League hay các giải đấu quốc nội. Tuy nhiên, một giải đấu không quy tụ được các đội tốt nhất của châu Âu cũng chẳng mang nhiều ý nghĩa, và không còn xứng danh “siêu giải đấu” (Super League).

Danh sách những đội bóng công khai việc không trở lại Super League.

Cũng trong ngày 21/12, Manchester United, Tottenham, Chelsea, Man City, Bayern Munich, PSG, Inter Milan, Atletico Madrid, Sevilla và nhiều CLB khác ở châu Âu công khai tuyên bố không tham gia dự án Super League. “Quan điểm của chúng tôi không thay đổi”, MU thông báo trên trang chủ. “Chúng tôi hoàn toàn cam kết tham gia các giải đấu của UEFA và hợp tác tích cực với Premier League thông qua ECA (Hiệp hội câu lạc bộ châu Âu) để tiếp tục phát triển bóng đá tại châu Âu”.

Truyền thông Anh tiết lộ hai đội Premier League khác là Arsenal và Liverpool cũng không có ý định tham dự Super League phiên bản mới. Ngay cả khi họ có ý định tham dự, chính quyền Anh và ban tổ chức Premier League cũng đưa ra những quy định để ngăn chặn chuyện này.

Thực tế, việc các đội bóng lớn ở Anh, Pháp và Đức rút lui khỏi dự án Super League xuất phát từ nhiều vấn đề. Phản ứng dữ dội từ cổ động viên bản địa, các đội bóng nhỏ hơn trong nước là những lý do cho động thái trên. Song, xung đột lợi ích giữa các nhà sáng lập còn lại của ESL cùng các CLB lớn ở Anh, Pháp và Đức mới là nguyên nhân chủ yếu.

Cựu chủ tịch Bayern, Karl-Heinz Rummenigge, phân tích trên Gazzetta: “Dự án này (Super League – PV) sẽ không đi về đâu cả. Các CLB Anh, Đức và Pháp sẽ không tham dự. Chỉ còn Real và Barca chơi với nhau”. Ông Rummenigge chỉ ra rằng việc Real và Barca gặp khủng hoảng tài chính khiến họ nung nấu ý định tạo ra một siêu giải đấu mới, để cạnh tranh với Premier League. ESL không mang ý cách mạng với bóng đá châu Âu, trái lại, nó sẽ đào sâu khoảng cách giữa các đội bóng lớn và nhỏ.

“Nếu ESL ra đời, Serie A sẽ trở thành Serie B và Bundesliga trở thành giải đấu hạng hai”, cựu lãnh đạo Bayern đánh giá. “Sự hy sinh đó đánh đổi cho điều gì? Vì ESL muốn tạo ra giải đấu mới để tấn công Premier League, giải đấu kiếm được nhiều tiền nhất thế giới hiện tại”.

Sự tụt dốc về mặt tài chính của Real và Barca sau thời điểm dịch bệnh nổ ra, khiến các nhà lãnh đạo hai CLB này khao khát chia lại miếng bánh ở cúp châu Âu. Tuy nhiên, ông Rummenigge cho rằng Premier League kiếm được tiền nhiều hơn các giải đấu khác đơn giản vì họ xứng đáng.

Super League anh 2
Chủ tịch Real Madrid, Florentino Perez, là người quyết liệt nhất trong việc khởi xướng Super League.

Cơ chế chia tiền thưởng ở Ngoại hạng Anh là công bằng bậc nhất trong số các giải đấu hàng đầu châu Âu. Trong khi đó, tại La Liga, Real và Barca vẫn hưởng số tiền lớn hơn các đội còn lại. Đó là lý do chính khiến các CLB Premier League ra thông báo từ chối trở lại ESL, ngay khi phán quyến từ ECJ được đưa ra.

Ngoại hạng Anh không khác gì một “Super League” ở thời điểm hiện tại, với nguồn tài chính khổng lồ so với các giải đấu khác. Các đội bóng Anh không dại gì tạo ra thay đổi mang tính rủi ro. Với PSG hay Bayern, họ cũng nhận thấy rằng ESL gần như chỉ được tạo ra bởi tham vọng chia lại miếng bánh từ Real và Barca.

Tương lai Super League về đâu?

“UEFA mang đến một giải đấu tốt nhất có thể vào hiện tại”, Rummenigge phân tích thêm. “Các bạn đã thấy Copenhagen ăn mừng chưa. Họ được dự đoán xếp bét bảng Champions League, nhưng rồi tiến vào vòng trong và ăn mừng như thể ngày lễ Giáng sinh đến sớm”. Chính Copenhagen cũng là một trong những đội ra thông báo từ chối ESL, ngay sau khi dự án này gợi mở mô hình thi đấu mới. Trong lần công bố ban đầu vào năm 2021, ESL nhận nhiều chỉ trích vì thể thức gần như khép kín, chỉ cho phép 15-20 đội hàng đầu châu Âu tham dự.

Ở lần trở lại này, nhóm sáng lập ESL muốn tạo ra một giải đấu có 64 đội tham dự, chia làm 3 hạng đấu. Cách tiếp cận khéo léo của các nhà sáng lập ESL cũng đến từ việc họ sẵn sàng phát sóng miễn phí các trận đấu trên truyền hình.

Tuy nhiên, các điều chỉnh này không mang nhiều ý nghĩa khi các CLB hàng đầu châu Âu, những đội sẽ thi đấu trực tiếp trên sân cỏ, không ủng hộ. Super League vẫn tồn tại trên giấy tờ, nhưng khó đi vào thực tế cuộc sống.

Theo Thanh Sơn (znews) – Ảnh: T.H

Nguồn: www.giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link