Xúc động xem lại từng tấm ảnh, ông Huỳnh Minh Hiệp bồi hồi nhớ lại những ngày tháng cùng bạn bè xông pha tuyến đầu vận chuyển lương thực, thuốc men trong suốt đại dịch covic… Khoảnh khắc Sài Gòn không một bóng người ở những địa điểm quen thuộc được ông ghi lại trước cho riêng mình và sau cho mọi người mãi nhớ về hồi ức của những tháng ngày đau thương giữa thời bình…

Cám ơn ông Huỳnh Minh Hiệp cùng những người bỏ tâm huyết để “lưu giữ kí ức”, gìn giữ những giá trị mang tính lịch sử, để lại cho thế hệ mai sau một cách nhìn về sức mạnh của tình yêu, tình nhân loại, tình đồng chí, bà con, anh em ruột thịt tại Sài Gòn-Gia Định, thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu – Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến với “Lặng” – triển lãm chuyên đề về “Cuộc chiến chống dịch Covid-19 – Một năm nhìn lại”, được gặp gỡ và chia sẻ những câu chuyện hết sức xúc động và ý nghĩa cùng ông Huỳnh Minh Hiệp – Phó Chánh Văn Phòng Trung Tâm Unesco – người được mọi người quen gọi với biệt danh Người góp nhặt những mảnh kí ức, chúng tôi càng thêm sâu sắc được những đau thương, mất mát qua chặng đường dài chiến đấu cùng toàn nước Việt Nam chống dịch Covid-19.

Hơn 3.500 hiện vật, hình ảnh tư liệu trong đợt dịch Covid-19 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh đã được trưng bày tại triển lãm “Lặng”, khiến người xem không khỏi xúc động.

“Lặng” với hơn 1.000 kỉ vật liên quan đến đại dịch COVID-19 được ông Huỳnh Minh Hiệp phối hợp cùng Ban Tuyên Giáo Phú Nhuận cất công tìm kiếm và lưu giữ cẩn thận. Trong đó có Bộ sưu tập ảnh ghi lại Khoảnh khắc Sài Gòn không một bóng người ở những địa điểm nổi tiếng theo bài thơ trước 1975 được ông ghi lại cho riêng mình:

“Sài Gòn có bến Chương Dương,

Có Dinh Độc Lập, có đường Tự Do

Có Chợ Quán, có Cầu Kho,

Bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm

…..

Nhà quay phim Lê Ngọc Dũng – đồng đội cùng xông pha tuyến đầu chống dịch đã thực hiện bộ ảnh “lịch sử” cho ông Huỳnh Minh Hiệp

 

Với nhiều người có lẽ ký ức về đại dịch là những tang thương, mất mát không muốn nhớ về. Nhưng với ông Hiệp, những tháng ngày đó là một phần giá trị trong cuộc đời mà mình đã trải qua. Ông mong muốn giữ lại những kỉ vật có liên quan đến đại dịch như một minh chứng sống cho thế hệ sau nhìn thấy để biết trân trọng hơn hiện tại mà mình đang có.

Không ai có thể tin được một Sài Gòn hoa lệ, không bao giờ ngủ lại có một khoảng thời gian dài “không một bóng người trên phố”. Mọi trục giao thông huyết mạch và các tuyến đường trung tâm TP.HCM vắng bóng người và phương tiện. Đây là những hình ảnh ảm đạm chưa từng thấy ở thành phố sôi động nhất Việt Nam.

Trong suốt thời gian dịch bệnh xảy ra, vẫn còn đó một Sài Gòn không ngủ. Còn nhiều người không ngủ. Những người vẫn tiếp tục công việc của mình trên đường phố, và lần này không phải là để mưu sinh, mà là để một ngày rất gần thôi, Sài Gòn được trở về với đời sống sôi động không ngủ. Những người phải căng thẳng hơn nữa trong các phòng cấp cứu, giành lấy từng hơi thở cho bệnh nhân. Những tiếng còi xe cấp cứu lâu lâu lại vang vọng khắp tuyến đường. Sài Gòn sẽ sớm trở lại nhịp sống không ngủ.

TP.HCM đang dần hồi phục và vươn lên sau 4 cơn “rung chấn” của đại dịch Covid-19, nhưng những nổi đau vẫn còn đó, những kỉ vật, những hình ảnh “mang giá trị lịch sử” này vẫn còn đây, để nhắc ta mãi nhớ về một Sài Gòn từng kiên cường trong giông bão…

Sẽ cần nhiều, thật nhiều thời gian, sự tận tâm và nỗ lực để có thể bù đắp, xoa dịu những gì mà hơn 10 triệu người dân sống ở thành phố đã trải qua… 

Hãy cùng “lặng” cùng hồi ức một thành phố mang tên Bác trong mùa dịch Covid qua loạt tác phẩm “Sài Gòn không một bóng người”:

Hoàng An 

Bộ ảnh lịch sử Khoảnh khắc Sài Gòn không một bóng người của ông Huỳnh Minh Hiệp

qua ống kính nhà quay phim Lê Ngọc Dũng