Nhìn lại SEA Games 32, một lần nữa chúng ta vẫn phải đánh giá nhóm các môn võ thuật xứng đáng với danh xưng là “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam.
Tại kỳ SEA Games 32 ở Campuchia, chúng ta có thành công đáng kể về kết quả huy chương với nhóm các môn võ thuật. Nhìn một cách sòng phẳng, môn đầu tiên có tuyển thủ giành HCV là môn cờ ouk chaktrang nhưng theo quy định, chỉ khi tấm huy chương được trao thì mới là thành tích công nhận chính thức.
Vì thế, tấm HCV đầu tiên mà thể thao Việt Nam được trao tại SEA Games 32 thuộc về đội kata (biểu diễn) nữ của đội tuyển karate Việt Nam và kể như đây là thành tích HCV đầu tiên được công nhận của Ban tổ chức SEA Games 32 đối với chúng ta. Khép lại SEA Games 32, tấm HCV cuối cùng của Đoàn thể thao Việt Nam giành được cũng từ môn võ, đó là HCV của tuyển thủ Nguyễn Hoàng (kick boxing). “Tôi không nghĩ rằng mình lại là người chốt sổ về thành tích HCV cho thể thao Việt Nam ở SEA Games 32 này. Tấm HCV quá ý nghĩa cho bản thân thôi”, Nguyễn Hoàng chia sẻ đầy xúc động ngay khi lên bục nhận huy chương vào ngày cuối (16-5) tại SEA Games 32.
Ở kỳ Đại hội lần này, các tuyển thủ võ thuật Việt Nam giành nhiều thành tích hơn kỳ vọng. Đội boxing đạt 2 HCV, đội judo giành 7 HCV, đội karate đạt 6 HCV, đội võ gậy (arnis) giành 2 HCV, đội jujitsu giành 1 HCV, đội kick boxing có 4 HCV, đội kun botakor có 6 HCV, đội kun khmer có 6 HCV, trong khi tuyển vovinam giành 7 HCV, pencak silat đạt 4 HCV, taekwondo giành 4 HCV, vật đạt 13 HCV và wushu giành 6 HCV.
“Ở nhóm các môn võ Olympic, chúng ta cũng chỉ được đăng ký 70% trên tổng số các nội dung thi đấu nhưng đạt được các kết quả huy chương như dự báo. Điều này đã phản ánh từ kết quả thi đấu. Chúng tôi đánh giá các tuyển thủ võ thuật của Việt Nam có một kỳ SEA Games 32 đầy nỗ lực”, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam đồng thời là Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Đặng Hà Việt đã phân tích.
Tất nhiên, trong sự thăng hoa ấy, không phải chúng ta không có những nốt trầm bởi trong võ thuật, tính đối kháng cạnh tranh luôn rất mạnh mẽ và chuyện thắng-thua là trong khoảnh khắc. Ở nốt trầm ấy, thể thao Việt Nam tiếc khi gương mặt số một của boxing nữ là Nguyễn Thị Tâm gặp chấn thương ngay khi đang thi đấu nên bị thua trận và dừng cuộc chơi. Hay nữ võ sĩ số một taekwondo nữ Trương Thị Kim Tuyền đã nỗ lực trước tuyển thủ số một thế giới Panipak Wongpattanakit (Thái Lan) nhưng chưa có được chiến thắng tại chung kết.
Tính tổng thành tích, nhóm các môn võ thuật giành 68 tấm HCV. So với tổng số 136 HCV mà Đoàn thể thao Việt Nam đã giành được thì đúng như lãnh đạo Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 từng phân tích, tỉ lệ của các môn võ chiếm 50% thành tích tổng là như dự báo trước khi tranh tài.
“Chúng ta phải thấy rõ từng nội dung thi đấu của các môn võ thuật, mỗi tuyển thủ của chúng ta ra thi đấu đều có quyết tâm rất cao. Qua mỗi ngày thi đấu, chúng tôi đều có những phân tích kết quả đã qua và dự báo ngày tiếp theo từ đó nắm được cơ hội cụ thể của mình. Các tuyển thủ võ thuật không làm người hâm mộ thất vọng”, Phó đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 – ông Hoàng Quốc Vinh từng chia sẻ trong thời điểm SEA Games 32 tranh tài.
Kỳ SEA Games 32, không ít tuyển thủ võ thuật của chúng ta đã giành được thành tích HCV từ đó mang lại cảm hứng cho người hâm mộ. Có thể kể tới Hà Thị Linh (boxing), Hoàng Thị Mỹ Tâm (karate), Bùi Yến Ly (kun khmer), Dương Thúy Vi (wushu), Phạm Đăng Quang (taekwondo), Nguyễn Hoàng Thành, Nguyễn Thị Thanh Thủy (judo), Đào Hồng Sơn (jujutsu), Nguyễn Duy Tuyến, Nguyễn Hoàng Hồng Ân (pencak silat)…
Tới đây, trong những kết quả thành tích ấy, các đội tuyển võ thuật Việt Nam tiếp tục tập trung tập luyện hướng vào những tuyển thủ quan trọng để chuẩn bị cho đấu trường tiếp theo là ASIAD 19-2022 và vòng loại Olympic. Hiện tại, một số môn như vật, judo, taekwondo, boxing… đã và đang có sự chuẩn bị qua việc tham dự một số giải quốc tế trước SEA Games 32 và sau SEA Games 32 từ đó chuẩn bị cho mục tiêu đề ra.
Theo SGGP Online