Trong suốt 5 năm của nhiệm kỳ 2015-2020, Hội võ thuật cổ truyền Quảng Bình gần như không tổ chức được một hội nghị tổng kết, sơ kết hàng năm. Các văn bản, công văn thông báo từ Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam bị người đứng đầu hội giữ lại và không được cập nhật cho các thành viên Ban chấp hành Hội (BCH).

Hết nhiệm kỳ 3 năm

Đó là thực trạng nổi bật của Hội võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Bình trong suốt 5 năm nhiệm kỳ thứ II (2015-2020). Đáng chú ý, mặc dù đã quá thời hạn 3 năm, nhưng Hội võ thuật cổ truyền Quảng Bình vẫn chưa tổ chức Đại hội lại, mặc dù đã được Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình nhắc nhở.

Võ sư Trần Đình Nghĩ có các hoạt động hợp tác với ông Nguyễn Công Tốt, người tự xưng là Phó chủ tịch thường trực đặc trách hải ngoại của Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam

Được biết, những ngày tới đây, Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo bàn về các giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030 sẽ được diễn ra trên đất võ Quy Nhơn, Bình Định (3-4/8). Mặc dù vậy, có rất ít võ sư, huấn luyện viên và thành viên BCH Hội võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Bình nắm được thông tin để gửi các tham luận góp ý về Liên đoàn. Nguyên nhân là do các công văn chỉ đạo, thông báo từ Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam bằng một cách nào đó đã không được người đứng đầu Hội Võ thuật cổ truyền Quảng Bình là võ sư Trần Đình Nghĩ – Chủ tịch Hội phổ biến rộng rãi với các thành viên BCH.

Theo một võ sư là Uỷ viên BCH Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2015-2020 cho biết, trong suốt 5 năm của nhiệm kỳ, với vai trò “đầu tàu”, tuy nhiên, võ sư Trần Đình Nghĩ đã không triệu tập, tổ chức các cuộc họp tổng kết, sơ kết hàng năm; không phổ biến các công văn, thông báo của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cho các thành viên Hội nắm. Ngoài ra, vị võ sư này còn nhân danh Hội võ thuật cổ truyền tỉnh để thực hiện nhiều công việc mang tính cá nhân và không báo cáo BCH như: Đào tạo, mở đại lý thợ sơn; gặp mặt giao lưu với các cá nhân không liên quan đến hoạt động Võ cổ truyền…

Võ sư Trần Đình Nghĩ từng có nhiều hoạt động cá nhân nhưng nhân danh Hội Võ thuật cổ truyền Quảng Bình

“Võ sư Trần Đình Nghĩ với vai trò của một chủ tịch Hội đã chưa phát huy hết trách nhiệm trong việc điều hành, có nhiều hoạt động mang tính cá nhân chưa phù hợp với mục tiêu chung của Hội, gây ảnh hưởng đến uy tín Hội võ thuật cổ truyền Quảng Bình”, vị võ sư này cho hay.

Đáng chú ý, vào ngày 31/8/2022, võ sư Trần Đình Nghĩ tổ chức truy phong danh hiệu Đại võ sư cho danh nhân lịch sử Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650 – 1700) khiến giới võ thuật trong nước, lãnh đạo Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam và hậu duệ của võ phái Bạch Hổ Sơn Quân tại Huế (do dòng họ Nguyễn Hữu – một nhánh hậu duệ của Võ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh sáng lập) phải lên tiếng.

Theo đó, việc truy phong danh hiệu Đại võ sư cho một danh nhân lịch sử được võ sư Trần Đình Nghĩ thực hiện khi chưa lấy ý kiến, chưa có văn bản thống nhất kế hoạch triển khai với các thành viên BCH; cũng như chưa được sự chấp thuận của Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Quảng Bình. Việc này sau đó đã bị báo chí phản ánh và khiến dư luận làng Võ cổ truyền “dậy sóng”. Theo nhiều người, việc truy phong này đã thể hiện sự “phạm thượng”, sự thiếu sự hiểu biết “không giống ai” của người đứng đầu Hội võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Bình.

Hội Võ thuật cổ truyền Quảng Bình tổ chức…khai trương đại lý sơn

Đại võ sư quốc tế Lê Kim Hoà, Phó Chủ tịch Liên đoàn võ Cổ truyền Việt Nam cho biết, Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Bình là hội nghề nghiệp của võ cổ truyền thuộc Liên đoàn Võ Cổ truyền Việt Nam. Do vậy, việc hội võ cổ truyền của một tỉnh tiến hành suy tôn chức danh Đại võ sư cho một danh nhân là vượt quá thẩm quyền.

“Việc suy tôn đấy cũng phải Quốc gia hoặc các ngành quản lý thể thao từ Tổng cục trở lên. Một hội địa phương có thể phong đại võ sư nếu điều lệ của hội đó được phép. Nói trong ngành võ thôi, còn đối với những danh nhân, những người nổi tiếng tài ba thì hội sẽ không đủ thẩm quyền để suy tôn”, Đại võ sư quốc tế Lê Kim Hòa đánh giá.

Không lấy ý kiến Ban chấp hành các vấn đề quan trọng

Được biết, nhằm rà soát lại công tác tổ chức, ngày 25/4/2023 vừa qua, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã có văn bản gửi các Liên đoàn/hội võ thuật cổ truyền địa phương và đề nghị các đơn vị này thực hiện bổ sung hồ sơ xác nhận là thành viên Liên đoàn.

Mặc dù vậy, Chủ tịch Hội võ cổ truyền Quảng Bình đã không công khai thông báo của Liên đoàn cho Ban chấp hành và thực hiện việc nộp hồ sơ đúng hạn vào ngày 24/5/2023 theo yêu cầu của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Võ sư quốc tế Trần Việt, Chánh văn phòng Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam xác nhận, đến thời điểm ngày 31/7/2023, Hội võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Bình vẫn chưa nộp hồ sơ xác nhận là thành viên Liên đoàn theo yêu cầu.

“Việc các tổ chức hội, liên đoàn thành viên chưa hoàn thiện hồ sơ xác nhận là thành viên Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam thì đồng nghĩa với việc các hội viên của tổ chức đó không thể tham gia các kỳ tập huấn chuyên môn, thi nâng đai, đổi đai”, võ sư Trần Việt cho biết.

Bên cạnh việc không thực hiện đúng các quy định về tổ chức, tuân thủ đúng điều lệ hoạt động của Hội, cá nhân vị võ sư chủ tịch Hội võ thuật cổ truyền Quảng Bình còn được làng võ nhắc đến nhiều thông qua việc hợp tác với ông Nguyễn Công Tốt, Chưởng môn phái Việt Vũ Đạo tại Pháp, người tự xưng danh là Phó chủ tịch Thường trực Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam đặc trách khu vực hải ngoại.

Ông Tốt được xác định là người có liên quan trong việc tổ chức 2 sự kiện “chui” là giải Vô địch Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ III và Đại hội Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ II tại Algeria vào tháng 7/2022 mà Tổng cục TDTT đã có văn bản không công nhận vào ngày 8/6/2023 vừa qua.

Võ sư Trần Đình Nghĩ có hợp tác với ông Nguyễn Công Tốt và môn phái Việt Vũ Đạo tại pháp (hàng đầu, thứ ba từ trái sang)

Ngoài ra, cũng theo các võ sư tại Quảng Bình cho biết, trên cương vị chủ tịch Hội, võ sư Trần Đình Nghĩ còn thực hiện việc cấp giấy phép tổ chức hoạt động võ thuật không đúng quy định của pháp luật, không có sự thẩm định từ Ban chuyên môn Hội, cũng như không hề có báo cáo BCH về việc cấp phép.

Đáng chú ý, với vai trò là Chủ tịch Hội, võ sư Trần Đình Nghĩ đã ký xác nhận giới thiệu cho một số cá nhân dự thi cấp võ sư tại kỳ thi nâng đai đẳng quốc gia do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tổ chức vào tháng 6/2020 không đúng quy chế Liên đoàn (vượt cấp, thiếu tuổi), không có sự rà soát trước từ Ban chuyên môn Hội Võ thuật cổ truyền Quảng Bình. Trong khi đó, vào năm 2019, một trường hợp khác mặc dù đã đủ điều kiện dự thi võ sư cao cấp – 7 đẳng nhưng võ sư Trần Đình Nghĩ đã không chịu ký giấy xác nhận để cá nhân này dự thi tại kỳ thi nâng đai đẳng quốc gia tại Đà Nẵng diễn ra vào tháng 4/2018. Phải đến khi Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo, nguyên Phó chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam sau khi xem xét, đánh giá đã đồng ý cho phép cá nhân này dự thi mà không cần có xác nhận từ cấp Hội.

Có thể nói, những sai phạm của cá nhân chủ tịch Hội đã khiến khiến giới võ thuật cổ truyền Quảng Bình hết sức bức xúc và mong muốn có sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc xử lý các vi phạm của cá nhân võ sư Trần Đình Nghĩ, nhằm lập lại trật tự cho làng Võ cổ truyền tỉnh Quảng Bình.

Huyền Trang

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link