Vothuat.vn – Trong dòng chảy của sự phát triển võ thuật tại Việt Nam, không thể không ghi nhận công sức của những các nhà báo chuyên viết về lĩnh vực này dù đội ngũ khá ít ỏi.
Và cũng không thể không nhắc đến rất nhiều võ sư, vì mối duyên kỳ ngộ và cả niềm đam mê được chuyển tải tinh hoa của võ thuật đến với đông đảo bạn đọc, người hâm mộ gần xa mà mạnh dạn dấn thân vào làng văn, trở thành người chấp bút cho không ít bài thiệu ngỡ đã thất lạc theo thời gian, những bài sưu tầm, bài nghiên cứu các thế võ cổ xưa của dân tộc giới thiệu trên các nhật báo, tạp chí và sách in.
Nhà báo viết về thể thao tương đối đông đảo, từ Bắc chí Nam nhưng đa phần, nhất là các phóng viên trẻ, đều chọn mảng bóng đá để sớm khẳng định tay nghề viết lách của mình ở lĩnh vực có sức hút lớn nhất của thể thao. Ít người chịu dấn thân sang bóng chuyền, điền kinh, xe đạp, bóng rổ hay… võ thuật, một phần vì những môn này khá kén người hâm mộ, muốn viết cho hay, cho cuốn hút đòi hỏi phải có sự “đầu tư” không hề nhỏ về kiến thức chuyên môn, phải nắm chắc các thuật ngữ chuyên ngành cũng như đủ khả năng chuyển tải đúng mức bầu không khí đặc thù của từng môn bằng một văn phong nhuần nhuyễn.
Một thế hệ độc giả của những năm 70 đều còn nhớ nhà báo Vũ Trường, người đứng tên xuất bản bán nguyệt san Võ thuật, chuyên viết về đời sống võ thuật khi ấy manh nha xuất hiện ở Sài Gòn theo sự du nhập của các loại hình taekwondo, judo, jujitsu hay karate. Những môn phái võ Việt cũng theo bước chân người ngụ cư, nhập cư để hiện diện ở Sài Gòn ngày càng nhiều, tạo nên một phong trào tập luyện khá sôi nổi ở đô thị lớn nhất miền Nam.
Bắt đầu từ vai trò một thông tín viên khu vực miền Trung của bán nguyệt san Võ thuật, nhà thơ Phương Tấn sau những năm tháng tìm hiểu võ học, nghiên cứu kỹ thuật của nhiều môn võ Việt Nam đã trở thành một nhà báo thích viết về võ thuật. Sau năm 1975, ông gắn bó với các tạp chí Nghiên cứu võ thuật, Tìm hiểu võ thuật, Ngôi sao võ thuật, Sổ tay võ thuật… và xác định các tạp chí này là mối dây kết chặt tình thân giữa giới võ thuật trong nước, mà còn với cả đồng nghiệp năm châu. Ông dành nhiều tâm huyết cho việc xuất bản quyển sách “Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới”, viết về 11 tổ chức truyền bá võ Việt ở nước ngoài, 26 môn phái xây dựng võ Việt ở xứ người,16 môn võ Việt từ trong nước lan tỏa khắp năm châu và 14 nhân vật mở đường đưa võ Việt ra thế giới.
Khi thể thao Việt Nam bắt đầu hội nhập với đời sống khu vực và thế giới, lực lượng phóng viên thể thao chuyên viết về mảng võ thuật ngày một đông đảo hơn. Có Vũ Trường về đầu quân, mảng võ thuật của báo Thể thao TP HCM những năm 80, 90 trở nên cực thịnh khi có thêm các nhà báo thiện chiến như Đức Trường, Quốc Huy… Sau này, các báo Thể thao Việt Nam, Thể thao văn hóa Hà Nội, Thể thao ngày nay, phụ trương Thể thao của báo Sài Gòn Giải phóng, Tuổi Trẻ TP HCM, Pháp luật TP HCM … có thêm nhiều cây viết tên tuổi như Đỗ Hóa, Thiện Tâm, Thọ Trung, Sỹ Huyên, Đào Tùng, Võ Danh Hải, Hà Huy Tường, Tấn Phước, Đỗ Tuấn, Hiếu Dân, Ngọc Tùng, Thanh Nhàn, Lê Giang, Đỗ Việt Dũng,… Mỗi người sở trường vài môn, tất cả tạo nên bức tranh tổng thể dù chưa thật đầy đủ nhưng cũng phản ánh khá rõ nét đời sống võ thuật đỉnh cao của thể thao Việt Nam thời hội nhập. Họ dấn thân cùng những chuyến đi của các đội tuyển võ thuật, lưu dấu ấn qua các kỳ đại hội như SEA Games, ASIAD, Đại hội võ thuật và thể thao trong nhà châu Á, Đại hội thể thao bãi biển châu Á và cả Olympic, đưa tên tuổi những võ sĩ Trần Quang Hạ, Trần Hiếu Ngân, Hồ Nhất Thống, Nguyễn Thúy Hiền, Mai Thanh Ba, Nguyễn Hồng Quỳ, Vũ Kim Anh, Cao Ngọc Phương Trinh, Văn Ngọc Tú, Nguyễn Văn Hùng… đến với người hâm mộ cả nước bằng những chiến tích lẫy lừng.