Bất kì bộ môn thể thao nào cùng đều chú trọng vào việc rèn luyện thể chất để có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, đến với Kendo, một người luyện tập kiếm đạo muốn phát triển sâu hơn thì phải biết cách dung hòa giữa tinh thần và thể chất.
Kendo – Ken là Kiếm, Do là đạo. Kendo là kiếm đạo hay còn gọi là Đạo dùng kiếm. Đây là một trong những môn võ cổ truyền của Nhật Bản. Trước đây, thường được các chiến binh và samurai sử dụng, nhưng đến nay nó đã trải qua nhiều thay đổi để phù hợp hơn thời đại. Ngày nay, Kendo là phần không thể thiếu trong các hoạt động thể thao của sinh viên và người trưởng thành.
Được phát triển trên cơ sở võ thuật, Kendo đã trở thành một hình thức kỷ luật và đào tạo nhân cách con người. Các yếu tố quan trọng cần có của một Kendoka (người luyện tập Kendo) chính là trau dồi tinh thần mạnh mẽ, lòng chân thành, lễ nghĩa, danh dự, và sự cầu tiến. Điều này sẽ giúp nâng cao ý thức con người, biết cống hiến cho xã hội, sống vì cộng đồng vì đất nước.
Thông qua các tư thế phòng thủ, tư thế ra đòn với Shinai (kiếm tre) có thế thấy được tích cách, độ nhạy bén, sức khỏe và tư duy của người luyện tập. Mỗi trận đấu đối kháng Kendo đều đề cao chữ “Lễ”, phải tôn trọng lễ tiết với đối phương, từ đó mới có thái độ khiêm tốn, biết học hỏi để phát triển. Khi giao đấu, bản thân là Kendoka phải tập trung quan sát cử động của đối phương, để đưa ra các tư thế đở và phản công kịp thời. Nếu bị đánh trúng, mới nhận ra được mình còn sở hở, đối phương sẽ dành được điểm. Vào các tình huống như thế này, các Kiếm sư rất dễ bị đòn tâm lí, kéo theo nhiều sơ hở hơn và mất nhiều điểm hơn. Muốn cải thiện bản thân, phải biết khắc phục những điểm thiếu sót, rút kinh nghiệm, phải giữ cái đầu lạnh trong các tình huống khó và luôn mang trong mình trái tim của người học Kiếm đạo.
Việc luyện các kỹ năng, kỹ thuật là điều quan trọng nhưng song song Kendo còn mang lại giá trị về triết lý sống, tinh thần cao đẹp đối với người luyện tập. Cân bằng hai điều trên sẽ giúp bản thân ngày càng càng phát triển, không chỉ trong “Đạo dùng kiếm” mà còn ở thực tế cuộc sống.
Ngân Đoàn – SSDIC – FSS