(Xevathethao.vn) Khi đề cập đến võ thuật, nhất là trong lĩnh vực luyện công (công phu) trong các phim truyện kiếm hiệp, chúng ta thường bắt gặp cụm từ “tẩu hỏa nhập ma”.
Vậy “tẩu hỏa nhập ma” là gì?
“Tẩu hỏa nhập ma” là một thuật ngữ về sự cố tai biến, nhằm ám chỉ cho sự thái quá khi luyện tập các chiêu, thức trong võ thuật nói chung mà đặc biệt là lĩnh vực khí công nói riêng, mà ra.
Đó là tình trạng rối loạn khí huyết, đảo lộn kinh mạch do tu luyện khí công, nội công sai phương pháp hoặc do nóng vội mà luyện tập không đúng trình tự, thời gian diễn tiến, dẫn đến nhẹ thì sinh bệnh, nặng thì bán thân bất toại; điên loạn, thậm chí tử vong.
Người theo các phái thiền học, đạo học thỉnh thoảng cũng dùng thuật ngữ “tẩu hỏa nhập ma” để chỉ tình trạng cuồng tâm loạn trí, ảo tưởng, hoặc rơi vào tà kiến, ngoại đạo… do dụng tâm, dụng công sai trong quá trình tu tập. Có thể nói “tẩu hỏa nhập ma” là một dạng bệnh lý trong võ học, nó thiên về tâm bệnh.
Tình trạng tẩu hỏa nhập ma trong giới võ thuật tuy biểu hiện là thân bệnh nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người bệnh, có thể khiến cho người bệnh thay đổi tính khí, thay đổi tâm tư tình cảm, có thể khiến một người có bản tính lương thiện trở thành hung ác.
Tình trạng tẩu hỏa nhập ma trong giới tu thiền hay theo đạo học tuy là tâm bệnh nhưng cũng ảnh hưởng không ít đến cơ thể sinh-vật lý .
“Tẩu hoả, nhập ma” theo cách hiểu thông thường là một tai biến. Nhưng phần đông mọi người lại thường nghĩ; loại tai biến này chỉ đến riêng với các hàng cao thủ trong võ lâm. Quan niệm này là một nhầm lẫn rất lớn và nguy hiểm!
Thực ra “tẩu hoả, nhập ma” là các tai biến xảy ra ở mọi trình độ luyện công, và nhất là lại thường xảy ra ở trình độ thấp, do kém hiểu biết về cách luyện tập. Học không bắt đầu từ căn bản, không có cơ sở nền tảng vững chắc, không được chỉ dạy, hay do huấn luyện thiếu căn cơ…
Căn cơ trình độ thấp kém rồi dẫn tới thiếu khả năng nhận biết khi đã bị “lạc lối” để phát hiện nhằm kịp thời tự hóa gải hay nhờ người hóa giải.
Cần phân biệt rõ “tẩu hoả” và “nhập ma” là 2 tai biến hoàn toàn khác biệt về cả tính chất lẫn nguyên nhân.
Dù là khác biệt, song ở mức độ trầm trọng cả 2 “sự cố tai biến” này đều đẩy người rèn luyện, tu tập vào trạng thái mất trí, điên cuồng và không loại trừ tổn thương đến nội tạng! Tuy nhiên 2 tính chất này cũng khác nhau.
Người bị “tẩu hoả” trở nên điên cuồng do nội khí loạn chuyển không thể kiểm soát được, còn người bị “nhập ma” thì trở nên điên cuồng do các ảo ảnh huyễn hoặc chi phối.
Nói một cách khác, “tẩu hoả” là do tình trạng khí lực chuyển động không theo quy luật và vượt khỏi ý hướng điều phối của người luyện công. Còn nhập ma là trạng thái mê loạn của người luyện công do ảo ảnh huyễn hoặc không còn khả năng nhận chân được thực tế, tin tưởng tuyệt đối vào những điều không hề có, hoặc chỉ có trong sự vọng tưởng, hoang tưởng mà thôi.
Trạng thái “tẩu hoả” ở mức độ nhẹ sẽ cảm thấy ngực, bụng trướng thống, đầu nặng mắt hoa do khí lực chuyển nhiều tới các bộ phận này. Trong tình trạng nặng hơn, do khí loạn chuyển khắp toàn thân, người luyện không chỉ chịu cảm giác đau đớn mà còn mất hẳn quyền chủ động với thân thể của mình. Khi đó, mọi hành vi, mọi cử động ngoài hẳn ý muốn đều có thể xảy ra, và bước cuối cùng là điên cuồng thực sự.
Trạng thái “nhập ma” không có các hiện tượng như trên. Nhưng bị luôi cuốn bởi các ảo ảnh, người luyện sẽ dần dần từng bước rơi vào trạng thái hoang tưởng, lấy giả làm thật, và cứ thế tiến dần vào trạng thái gần như mê loạn, tinh thần thất tán và cuối cùng cũng đi tới sự điên cuồng. Do không có các hiện tượng biểu hiện rõ rệt nên tai biến “nhập ma” hết sức nguy hiểm vì thường chỉ được phát hiện do người khác, và khi đã trở nên khó hóa giải !
Trong quá trình luyện công luôn bao gồm nhiều bước quan trọng, mà quan trọng đáng kể là giai đoạn “nhập tĩnh”. Chính trong bước “nhập tĩnh”, người luyện công sẽ khởi sự thu hoạch các thành quả để nâng cao dần trình độ công phu của mình. Nhưng để bước vào “nhập tĩnh” người luyện công phải đạt được ít nhất 2 điều kiện là “điều phối ý khí và xóa bỏ tạp niệm”.
Điều phối ý – khí là dùng ý dẫn khí đi khắp các bộ phận thân thể theo các quy luật nhất định, mà mỗi trường phái đã có phương pháp riêng. Xóa bỏ tạp niệm là đạt tới sự tập trung ý tưởng ở mức hoàn hảo .
Tai biến xảy ra khi người luyện do thiếu hiểu biết mà coi nhẹ các điều kiện đã được chỉ định, hoặc quá vội vàng, nôn nóng, muốn nhanh chóng thu hoạch các thành quả.
Một trong các nguyên tắc quan trọng của luyện công là: “Dụng ý, bất dụng lực”, tức là tránh sự chấp ý để đạt tới trạng thái hoàn toàn tự nhiên. Ý đến và đi phải nhẹ nhàng, thanh thoát như một làn gió thoảng không bị thúc ép bởi các mong muốn, toan tính.
Do nhu cầu bản thân, người luyện công thường cố dồn ép nhịp điều phối Ý – Khí để thu ngắn quá trình rèn luyện tức là đã “dụng lực”, và đã vi phạm nguyên tắc căn bản nêu trên. Đây là nguyên do chủ yếu đưa đến tai họa “tẩu hoả”.
Người luyện muốn mau bước vào giai đoạn “nhập tĩnh” đã đặt bản thân mình vào thế rèn luyện quá cuồng nhiệt, dùng lực để cưỡng bức nhịp thở, gấp gáp vận khí luân chuyển, trong khi quên rằng; đòi hỏi quan trọng là phải đạt tới trạng thái hoàn toàn tự nhiên.
So với điều phối ý khí, việc xóa bỏ tạp niệm còn có vẻ khó hơn. Nhưng người luyện công thường không lưu tâm tới các phương pháp luyện tập xóa bỏ tạp niệm, mà tự đánh giá chủ quan về thành tựu bản thân để mau chóng bước qua giai đoạn “nhập tĩnh”.
Trên thực tế, các tạp niệm chưa thực sự tiêu trừ đã dần dần “hồi sinh” ngay trong quá trình “nhập tĩnh” hoá thành các loại ảo ảnh. Thông thường ảo ảnh diễn ra từ các điều mà người luyện mong sẽ nhìn thấy, tưởng nghĩ tới hoặc ấp ủ mơ ước.
Phương thức điều trị “Tẩu hỏa nhập ma”
Cách tốt nhất là ngăn chặn trị dứt các chứng bệnh do các tai biến “tẩu hoả, nhập ma” đưa tới, đó là tìm ngay một bậc thầy về khí công hoặc các vị y sư chuyên về châm cứu.
Tuy nhiên, ngay khi phát hiện tình trạng không may này của mình, thì cần tức khắc đình chỉ việc rèn luyện môn công phu mà mình đang theo đuổi. Kế đó, tự mình có thể cố gắng điều trị bằng các phương pháp cụ thể nhất. Chẳng hạn như, người bị “tẩu hoả” có thể theo tập các môn khí công chủ yếu đưa lực ra ngoài.
Trong lúc luyện, cần lưu ý các đặc điểm: Buông lỏng toàn thân, Bài trừ tạp niệm, Tâm thần an định, Dẫn khí xuống dưới. (Nhưng lời khuyên tốt nhất là tìm một người chuyên sâu, am hiểu để hướng dẫn)
Riêng những người bị “nhập ma” thì có thể tự tạo một tâm lý nghịch hẳn với tâm lý đang có, tức là luôn ngờ vực, không tin vào một điều nào mà mình đã tin.
Tuy nhiên cái khó là những người bị “nhập ma” thường không dễ tự nhận ra tai biến của mình, nên cần nhờ đến nhiều người ở xung quanh hỗ trợ và đặc biệt là nhờ cậy nơi các y sư có thực tài về bấm huyệt, châm cứu.
Ngoài “tẩu hoả, nhập ma”, người luyện công còn có thể gặp một số tai biến khác. Đồng thời tai biến “tẩu hoả, nhập ma” còn có thể đến do một số nguyên nhân khác ngoài nguyên nhân chính đã nêu.
Khi tập luyện khí công, nội công, ngoài việc tập trung tinh thần còn đòi hỏi phải có môi trường xung quanh thoáng đãng thanh tịnh. Nếu khi đang vận động mà bị những hoàn cảnh đột ngột gây sợ hãi, sẽ dễ xảy ra tình trạng chân khí bị tán loạn kinh lộ, người bị nhẹ sẽ ảnh hưởng đến việc luyện công, còn người bị nặng có thể dẫn đến tinh thần hoảng loạn hoặc một bộ phận nào đó của cơ thể bị tê liệt, đó chính là khái niệm “tẩu hỏa nhập ma” mà người ta hay nhắc tới.
Tóm lại, muốn tránh tai biến trong luyện công thì nên kiên trì nhẫn nại và luyện tập trong điều kiện ít bị ngoại cảnh chi phối và nhất là cần có người hướng dẫn.
Bài này viết đã lâu, nhưng mới đây, theo quan sát của tôi, trong giới võ lâm ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp “tẩu hỏa-nhập ma”!
Hiện nay một bộ phận đang rơi vào hiện tượng “nhập ma” trạng thái nhẹ.
Đây là lời cảnh báo chân thành cho các bạn đang đeo đuổi “khí công” nhưng thiếu sự hướng dẫn của chân sư, hoặc chỉ học trên tài liệu hướng dẫn trôi nổi, không đầy đủ. Nghĩa là tự “diễn biến” theo suy nghĩ chủ quan!
Nên thận trọng!
Châu Minh Hay