Tỉa và hóa chân nhang (chân hương) là việc quan trọng mà gia đình nào cũng thực hiện vào dịp cuối năm. Khi thực hiện việc này, gia chủ cần chú ý một số điểm dưới đây.
Cuối năm, khi dọn dẹp bàn thờ, các gia đình sẽ thực hiện việc rút tỉa chân nhang và đem đi hóa. Việc này còn được gọi là bao sái theo cách nói của nhà Phật. Đây là một việc rất quan trọng, các gia đình không nên bỏ qua.
Khi nào nên hóa chân nhang?
Không có quy định cụ thể về việc tỉa chân nhang trước hay sau lễ cúng ông Công ông Táo. Tuy nhiên, hầu hết gia đình Việt đều tiến hành hóa chân nhang sau khi làm lễ cúng tiễn thần linh về trời với ý niệm dọn bàn thờ gọn gàng, sạch sẽ để tiếp đón gia tiên và các vị thần về nhà trong năm mới.
Người thực hiện việc dọn bàn thờ, rút tỉa chân hương phải là người có tính cẩn thận, tỉ mỉ, thận trọng. Một số gia đình cẩn thận còn mơi thầy về bái thỉnh tỉa chân hương… Tuy nhiên, việc tỉa và hóa chân hương thì gia chủ tự làm là đủ.
Cách bước chuẩn bị rút tỉa chân hương
Chuẩn bị
– Rượu gừng: Mua rượu trắng mới và củ gừng mới. Gừng rửa sạch giã nát và hòa vào rượu. Ngoài ra, gia chủ có thể chuẩn bị nước ngữ vị (nước nấu từ 5 loại thảo mộc khác nhau như quế, hồi, xả, hương nhu, lá bưởi…).
– Khăn sạch.
– Một tấm vải đỏ hoặc vải vàng hoặc tờ giấy sạch, khổ lớn.
Lưu ý, những đồ dùng để tỉa chân nhang nên là đồ mới, sạch sẽ. Nếu không có điều kiện chuẩn bị thì phải dùng vật dụng cũ, chuyên dụng cho việc lau dọn bàn thờ.
Cách rút tỉa và hóa chân nhang
Đầu tiên, gia chủ cần thắp hương, khấn gia tiên, thần linh xin tỉa chân hương. Chờ hương cháy hết mới được bắt đầu dọn dẹp bàn thờ.
Để tờ giấy hoặc tấm vải sạch ở gần bát hương để đựng chân hương. Một tay giữ bát hương, tay kia rút từng chân hương ra và để lên tờ giấy/vải đã chuẩn bị sẵn. Tỉa chân hương cho đến khi còn số lẻ, thường là 3, 5, 7 hoặc 9 trong bát hương. Chân hương tỉa song hãy để ra chỗ sạch sẽ để xử lý sau.
Một tay giữ bát hương, một tay lấy khăn đã thấm rượu gừng bắt đầu lau bát hương và bàn thờ.
Sau khi tỉa chân hương, gia chủ có thể xin phép rửa lại chén nước, chén rượu, bình hoa…
Phần chân hương đã rút ra đem đi hóa thành tro. Theo phong tục của người xua, chân hương hóa xong sẽ phải đem thả xuống sông suối, nơi không có rác hay bị ô uế. Ngoài ra, một số người còn hòa tro chân hương vào nước và dùng để tưới cây.
Những đại kỵ khi lau dọn bàn thờ
Đặt bát hương chông chênh
Trong khi lau dọn bàn thờ, gia chủ cần tránh di chuyển vị trí của bát hương. Người xưa quan niệm, bát hương xô lệch, đặt chông chênh nghĩa là mọi thứ không được ổn định.
Dùng nước lạnh để lau rửa bàn thờ
Khi lau dọn bàn thờ, gia chủ nên dùng nước ấm, nước ngũ vị hoặc rượu gừng. Nếu có bài vị thần thì phải lau vật này trước sau đó đổ nước đi và thay bằng nước mới rồi mới lau bài vị tổ tiên. Tuyệt đối không lau bài vị tổ tiền trước thần Phật vì đây là điều bất kính.
Tránh làm rơi vỡ đồ
Người Việt xưa kiêng kỵ làm rơi vỡ đồ bởi đó là điềm báo vận xui xẻo sắp đến. Với đồ thờ cúng, càng phải kiêng kỵ làm đổ vỡ.
* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.